|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Áp lực đè nặng lên ông Putin sau vụ nổ cây cầu chiến lược tới Crimea

17:24 | 10/10/2022
Chia sẻ
Việc cây cầu nối giữa bán đảo Crimea và Nga bị phá hỏng một phần sẽ khiến cho nỗ lực tiếp tế cho hoạt động quân sự ở Ukraine gặp nhiều trở ngại. Tổng thống Putin đang chịu sức ép phải có hành động đáp trả thích đáng.

Vị trí xảy ra vụ nổ trên cầu Crimea sáng 8/10.

Nhịp cầu mơ ước của ông Putin

Cây cầu nối bán đảo Crimea và đất liền Nga dài khoảng 19 km, được bắt đầu xây dựng theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và đưa vào hoạt động năm 2018. Tổng chi phí xây dựng khoảng 4 tỷ USD.

Cây cầu này gồm hai trục đường bộ ở tầng dưới và hai trục đường sắt ở tầng trên. Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, mỗi ngày có trung bình 15.000 xe ô tô chạy qua cây cầu Crimea, hay còn có tên khác là cầu Kerch.

Vào khoảng 6h07 sáng thứ Bảy (8/10), đúng lúc một đoàn tàu hỏa dài chở đầy các bồn nhiên liệu đang chạy ở tầng trên, một chiếc xe tải màu trắng chạy song song ở tầng dưới đột ngột phát nổ.

Vụ nổ đã khiến cho một đoạn của trục cầu theo chiều từ Nga tới Crimea sập xuống biển, 7 bồn chứa nhiên liệu ở trục đường sắt phía trên cũng bốc cháy. Một quả cầu lửa khổng lồ ôm trọn một đoạn cầu, sau đó chảy xuống mặt biển phía dưới.

Trục cầu đường bộ theo chiều từ Crimea đến Nga không bị hư hỏng đáng kể nhưng giao thông cũng đã bị tạm ngừng để phục vụ quá trình điều tra. Các thợ lặn của Nga đang đánh giá thiệt hại với toàn bộ cấu trúc cầu.

Cây cầu qua eo biển Kerch có ý nghĩa quan trọng về chiến lược cũng như về biểu tượng đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ông Putin là người đích thân lái một chiếc xe tải Kamaz chạy 19 km từ Nga sang Crimea trong ngày khánh thành cây cầu vào tháng 5/2018.

Khi đó ông Putin đã tuyên bố: “Trong những kỷ nguyên trước, kể cả dưới thời các thầy tu của Sa Hoàng, người Nga đã mơ về xây dựng chiếc cầu này. Giấc mơ này quay lại vào thập niên 1930, 1940 và 1950. Cuối cùng, nhờ có tài năng và sức lao động của các bạn, phép màu đã được hiện thực hóa”.

Cây cầu tượng trưng cho “giấc mơ” và “phép màu” này đã bị đánh sập một phần khiến cho giao thông tạm thời gián đoạn vào hôm 8/10, tức đúng một ngày sau sinh nhật lần thứ 70 của Tổng thống Putin. Quân đội Nga đồn trú ở Crimea nói riêng và nam Ukraine nói chung thiếu đi một con đường tiếp vận quan trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ khánh thành cầu Crimea ngày 15/5/2018. (Ảnh: Kremlin).

Áp lực hành động của phía Nga

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Washington hôm 8/10, Điện Kremlin “nhiều khả năng sẽ tiếp tục bắt Bộ Quốc phòng Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ nổ cầu Kerch và các thất bại quân sự khác của Nga để tránh những tiếng nói đổ lỗi cho ông Putin”.

ISW cho biết “một số người Nga có tư tưởng dân tộc cho rằng ông Putin và các cấp dưới thân cận đang thất bại trong việc ngay lập tức đáp trả vụ tấn công vào cây cầu biểu tượng. Đây là lần đầu tiên những người này trực tiếp chỉ trích ông Putin”.

Một nhà bình luận quân sự đã cảnh báo rằng nếu Tổng thống Nga không có động thái trả đũa, ông sẽ bị coi là “yếu đuối”.

ISW cũng cho biết nhiều người đã chỉ trích Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev, người đã từng giữ chức Thủ tướng và Tổng thống Nga, vì giữ yên lặng dù trước đây tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào cây cầu Kerch đều là hành động vượt qua “lằn ranh đỏ”.

“Các nhà bình luận quân sự và chuyên gia tuyên truyền đều kêu gọi Điện Kremlin ra lệnh tấn công vào cơ sở hạ tầng Ukraine, nhưng đáng chú ý là không ai đề nghị Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật”, ISW nói.

Ông Anton Gerashchenko, một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, trả lời phỏng vấn tờ Newsweek hôm 8/10 cho biết rủi ro ông Putin leo thang xung đột tại Ukraine sau vụ nổ cầu là "khá cao". Ông Gerashchenko hối thúc phương Tây tăng mạnh viện trợ vũ khí cho Kiev để đối phó với mối đe dọa mới.

Trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 9/10, cả ông Putin và ông Medvedev đều đã lên tiếng gay gắt sau hơn một ngày im lặng.

Tổng thống Nga nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một hành động khủng bố nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga. Và tác giả, hung thủ, kẻ chủ mưu chính là lính đặc nhiệm Ukraine”.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev – một đồng minh thân cận của ông Putin – tuyên bố: “Nga chỉ có thể đáp trả tội ác này bằng cách trực tiếp tiêu diệt những kẻ khủng bố, tương tự như thông lệ tại những nơi khác trên thế giới”.

Xe hơi bốc cháy trên đường phố Kiev sau các cuộc tấn công tên lửa ngày 10/10. (Ảnh: Reuters).

Vài giờ sau các phát biểu cứng rắn của hai nhà lãnh đạo Nga, quan chức Ukraine cho biết hàng chục – thậm chí có thể là hàng trăm – quả tên lửa đã dội xuống thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác như Lviv, Ternopil và Zhytomyr. Theo thông tin ban đầu đã có ít nhất 8 người chết và 24 người bị thương trong các vụ tấn công tên lửa này.

Tổ chức nghiên cứu ISW tại Washington cho biết việc cây cầu Crimea bị đánh hỏng sẽ không ngăn chặn hoàn toàn khả năng Nga tiếp tế cho quân đội ở Ukraine nhưng “nhiều khả năng sẽ khiến tình hình hậu cần của Nga thêm khó khăn trong một khoảng thời gian”.  

“Tuyến đường bộ trên cầu bị sập sẽ hạn chế năng lực điều động quân sự của Nga cho đến khi được sửa chữa, buộc một số đơn vị Nga phải tạm thời sử dụng phà”, ISW cho hay. “Các lực lượng Nga nhiều khả năng vẫn có thể vận chuyển khí tài hạng nặng thông qua đường sắt”.

Cầu Crimea gồm hai tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt. Máy bay trực thăng đang dập lửa trên đường sắt sau vụ nổ ngày 8/10/2022. (Ảnh: Reuters).

Song Ngọc