|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dầu Nga có thể 'né' giá trần của phương Tây giỏi tới đâu?

17:27 | 02/11/2022
Chia sẻ
Từ kinh nghiệm của Iran cũng như sự trợ giúp của các nước như Iraq, Trung Quốc và Ấn Độ, Moscow vẫn có thể bán phần lớn dầu cao hơn giá trần mà phương Tây đặt ra.

Con tàu Lady M của Nga chở theo dầu từ Iran được báo cáo đã đi tới Malaysia hồi đầu chiến dịch quân sự. (Ảnh: Vessel Finder).

Theo OilPrice.com, việc áp đặt giá trần đối với sản phẩm dầu từ Nga trong thị trường dầu mỏ và môi trường địa chính trị hiện tại là một thách thức phức tạp.

Tác giả Simon Watkins cho biết dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã giữ khoảng giá dầu từ 40 đến 70 USD/thùng thông qua một loạt các biện pháp. Washington vừa đe dọa rút quân khỏi Arab Saudi, hay thông qua dự luật NOPEC, lại vừa đảm bảo an ninh cũng như đầu tư tại vương quốc này.

Tuy vậy, Arab Saudi không phải là Nga, cường quốc hạt nhân đang đặt cược tương lai vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Về mặt kinh tế, những rủi ro liên quan tới việc áp đặt khoảng giá dầu dưới thời ông Trump không phức tạp như hiện nay. Châu Âu và các cường quốc khác đang trong một quá trình chuyển đổi lớn nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga.

Các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với hiệu ứng lạm phát từ giá năng lượng cao do xung đột Ukraine. Để chống lại giá cả tăng cao kỷ lục, các ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất, khiến nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Bởi vậy, G7 không hề muốn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga đột ngột giảm xuống trong giai đoạn nhạy cảm này. Đồng thời, phương Tây cũng hiểu rằng giá năng lượng tăng lên sẽ giúp Moscow duy trì cuộc xung đột Ukraine lâu hơn.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga sẽ mang lại cho Moscow động lực để tiếp tục sản xuất. Mức giá cuối cùng sẽ được quyết định trước ngày 5/12, khi lệnh cấm vận dầu thô và các dịch vụ liên quan của Liên minh châu Âu có hiệu lực.

G7 không muốn ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Nga mà chỉ hạn chế doanh thu. Câu hỏi đối với thị trường toàn cầu là Nga có thể xuất khẩu bao nhiêu dầu khi giá trần có hiệu lực?

Con số này mang ý nghĩa quan trọng, bởi dầu xuất khẩu của Nga đi đến thị trường quốc tế trên mức trần sẽ hòa vào thị trường và ảnh hưởng tới giá cả. Câu trả lời sẽ phần lớn phụ thuộc vào hoạt động vận tải trên tuyến hành lang Nga-Iran-Iraq-Trung Quốc.

Nga kiếm được bao nhiêu tàu chở dầu?

Câu hỏi đầu tiên là Nga có thể kiếm được bao nhiêu tàu để vận chuyển dầu. Một vài nguồn tin trong ngành tại Mỹ và Châu Âu nói với OilPrice.com rằng Nga có thể nhanh chóng kiếm đủ 3/4 số lượng tàu để vận chuyển dầu tới người mua thông thường, và 90% lượng tàu cần thiết trong vài tuần sau đó.

 

Trước xung đột Ukraine, theo số liệu của IEA, mỗi ngày Nga đã xuất khẩu 2,7 triệu thùng dầu thô và 1,5 triệu sản phẩm từ dầu, đa phần là diesel tới châu Âu.

Nếu sử dụng giả thiết của OilPrice.com, thị trường dầu toàn cầu sẽ mất từ 0,78 tới 1,95 triệu thùng dầu mỗi Nga mỗi ngày so với trước xung đột, ngay cả khi giá trần có hiệu lực và không tính đến các yếu tố khác.

Với đội tàu chở dầu lớn của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran, Moscow sẽ không thiếu phương tiện vận chuyển. Khó khăn thường được phương Tây nhắc đến là bảo hiểm cũng có thể dễ dàng được những quốc gia trên giải quyết, như trường hợp của Iran. 

Đội tàu của Iran đã bị trừng phạt, không thể tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm từ phương Tây. Tuy vậy, dầu mỏ của Iran vẫn có thể tìm đường ra thế giới.

Hành lang Nga-Iran-Iraq-Trung Quốc

Thứ hai, hành lang Nga-Iran-Iraq-Trung Quốc sẽ có nhiều cơ chế giúp vận chuyển dầu dưới các lệnh trừng phạt. Iran hợp tác cùng với Nga và Trung Quốc, sử dụng Iraq như một cửa ngõ khi cần thiết đã tìm ra cách để né tránh trừng phạt kể từ 1979.

 

Vào tháng 12/2018 tại Diễn đàn Doha, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif đã khẳng định: “Nếu có môn nghệ thuật nào mà Iran đã thành thục đủ để chỉ dạy có thu phí cho nước khác, thì đó chính là nghệ thuật né trừng phạt”.

Đến cuối năm 2020, Bộ trưởng Dầu khí Iran, ông Bijan Zangeneh đã tiết lộ một chi tiết nhỏ về môn “nghệ thuật” này: “Thứ chúng tôi xuất khẩu không phải dưới tên Iran. Những tài liệu và thông số kỹ thuật đều được thay đổi nhiều lần”.

Theo tác giả Simons Watkins, cách thức để né tránh trừng phạt trong hoạt động vận tải rất đơn giản, chỉ bằng một động tác tắt “hệ thống xác nhận tự động”. 

Tại châu Âu, Iran đã sử dụng phương pháp này để đưa nhiên liệu đến những cảng không được kiểm soát chặt chẽ ở miền nam châu Âu, những quốc gia cần dầu hoặc tiền hoa hồng, bao gồm Albania, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Macedonia và Croatia.

Từ các cảng trên, dầu có thể dễ dàng được chuyển tới những người mua dầu lớn của châu Âu, hoặc thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đổi thương hiệu

Tại châu Á, Malaysia (và ở mức độ ít hơn là Indonesia) bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động vận chuyển dầu Iran. Các tàu chở dầu mang cờ nước ngoài thường chuyển nhiên liệu của Iran ở giữa biển hoặc ngay ngoài cảng, với điểm đến cuối cùng là Trung Quốc.

Một số loại dầu thô của Nga cũng có thông số kỹ thuật cực kỳ gần với những loại dầu của Iran và Iraq. Nếu G7 quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt dầu Nga, Moscow và Tehran có thể thông qua một thỏa thuận hoán đổi, trong đó dầu Nga sẽ được chuyển tới nơi mà Iran cần, và một lượng dầu “Iraq” (thực tế là dầu của Iran) tới nơi mà Nga yêu cầu. Dầu Iraq đang không nằm trong danh sách trừng phạt.

Chiến lược "đổi thương hiệu" dầu Iran thành Iraq đã khiến khối lượng khổng lồ dầu của Tehran được chuyển qua cơ sở hạ tầng dầu thô của Iraq, bao gồm các tàu chở dầu rất lớn tại thành phố Barsa. Dầu Iran cũng đã được chuyển vào Nam Âu thông qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng chảy này đến từ đường ống chạy qua khu vực bán tự trị Kurdistan của Iraq. 

Nguồn tin của OilPrice.com từ Bộ Dầu mỏ Iran cho biết "đã có thay đổi đáng kể" trong thỏa thuận lâu đời về việc phân định thị trường giữa các dòng dầu thô từ Nga, Iran và Iraq trong chuyến công du của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Theo thỏa thuận trước đây, dầu Nga được ưu tiên hơn những mặt hàng của Iran hay Iraq khi vào thị trường châu Âu.

"Cơ sở cho một thỏa thuận liên quan tới dòng chảy dầu thô từ 'Nga/Iran/Iraq đã được đưa ra tại cuộc họp tháng 1/2022 ở [Moscow, khi Tổng thống Iran có chuyến thăm đầu tiên tới Nga trong gần 5 năm]. Những điều kiện này đã được thảo luận thêm trong vài tuần qua", nguồn tin này cho biết.

Minh Quang