|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi sinh có thể khiến giá dầu đảo chiều ngoạn mục

07:49 | 02/09/2022
Chia sẻ
Thoả thuận hạt nhân Iran có thể sắp sửa được tái ký, và đồng nghĩa với đó là sự trở lại của hàng triệu thùng dầu thô mà thế giới đang rất cần kíp.

Khả năng Iran tái xuất thị trường dầu mỏ

Lá cờ Iran tại một cơ sở sản xuất dầu mỏ tại vùng Vịnh. (Ảnh: Reuters).

Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ rút khỏi thoả thuận hạt nhân với chính quyền Tehran, dẫn đến việc Washington nối lại các lệnh trừng phạt với Iran.

Tại thời điểm đó, Iran đang là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC sau Arab Saudi và Iraq. Năm 2017, quốc gia Trung Đông này là nước sản xuất dầu lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Mỹ, Arab Saudi và Nga.

Chia sẻ với CNBC mới đây, nhà phân tích Tamas Varga tại hãng tư vấn PVM Oil Associates, cho hay: “OPEC có thể dễ dàng sản xuất 30,5 triệu thùng dầu/ngày nếu Iran quay trở lại…”

“Ở kịch bản đó, mô hình của tôi cho thấy giá dầu Brent sẽ tụt xuống còn 65 USD/thùng vào cuối năm 2023”, vị chuyên gia dự đoán. Đây sẽ là mức giảm mạnh so với giá dầu hiện nay.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cảnh báo rằng OPEC có thể buộc phải cắt giảm sản lượng. Lý do của Hoàng tử là thị trường vật chất và giao sau đang “bị mất kết nối”.

Trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đặc biệt nhấn mạnh rằng thị trường giao sau đang chứng kiến tình trạng “thanh khoản rất thấp, cực kỳ biến động”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng khả năng tái xuất của Iran trên thị trường cũng có thể là một mối lo ngại khác.

“OPEC+ có lẽ nên chuẩn bị cho sự trở lại của Iran”, ông Varga cảnh báo. “Nếu thoả thuận hạt nhân được khôi phục, 1 - 2 triệu thùng dầu/ngày có thể được tung ra thị trường trong một khoảng thời gian tương đối ngắn”.

Tương tự, bà Helima Croft - trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại RBC Capital Markets, nhận định: “Đầu năm nay, tôi nghĩ khá hợp lý nếu Arab Saudi và các nước trong khu vực tự tin rằng thoả thuận hạt nhân sẽ không thể tái ký trong tương lai gần.

Giờ đây, khi các cuộc đàm phán được hồi sinh, tôi nghĩ Arab Saudi và các đồng minh sẽ tập trung vào tác động của thoả thuận tới thị trường cũng như tới an ninh khu vực bởi đàm phán có khả năng sắp đến đích”.

 

Vậy, liệu thoả thuận hạt nhân có được tái ký?

Hồi giữa tháng 8, các nhà đàm phán Iran đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đạt được một thoả thuận. Một cố vấn của Tehran cho biết “chúng tôi đã tiến gần hơn [đến thoả thuận] so với trước đây” và “các vấn đề còn sót lại không quá khó giải quyết”.

Tuy nhiên, có vẻ như hai bên vẫn còn một vài điểm vướng mắc khó tháo gỡ. Vấn đề gây tranh cãi lớn nhất là cuộc điều tra đang diễn ra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về những dấu vết không giải thích được của uranium tại các cơ sở hạt nhân của Iran vào đầu những năm 2000.

Tehran muốn cuộc điều tra kết thúc trước khi họ đặt bút ký bất kỳ thoả thuận nào; trong khi IAEA và chính phủ Mỹ cũng như châu Âu cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu đó, theo CNBC.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thoả thuận vào giữa năm 2018, các lệnh trừng phạt đã đè bẹp nền kinh tế Iran. Để đáp trả, Tehran đã từng bước tăng cường hoạt động hạt nhân, làm giàu uranium lên mức cao nhất từng ghi nhận và khiến người đứng đầu IAEA cảnh báo rằng “chỉ các quốc gia đang chế tạo bom” mới làm giàu uranium đến độ đó.

Thực tế cho thấy rủi ro cho các bên là rất cao, đặc biệt là đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden khi Nhà Trắng coi việc khôi phục thoả thuận là một trong các mục tiêu đối ngoại hàng đầu.

Điều này cũng trở nên cấp thiết hơn khi các lệnh trừng phạt giáng lên Nga sau khi nước này tấn công Ukraine đã khiến nguồn cung dầu mỏ và khí đốt sụt giảm mạnh, qua đó kéo giá cả tăng vọt.

Các nhà phân tích nhấn mạnh, dù dầu thô của Iran không thể bù đắp được hoàn toàn cho lượng dầu thô Nga biến mất khỏi thị trường, nhưng chúng vẫn giúp giảm bớt áp lực lên nguồn cung.

Dù vậy, nhà phân tích hàng hoá Reid l’Anson của Kpler vẫn hoài nghi về khả năng đạt được một thoả thuận và ông không hề đơn độc.

“Câu hỏi tiếp theo là liệu chúng ta có thực sự sẽ thấy một thoả thuận hay không. Tôi nghĩ khả năng là không vì về mặt chính trị, cả Mỹ và Iran đều không sẵn lòng”, ông l’Anson bày tỏ.

 

Tuy nhiên, ông Bob McNally - Chủ tịch của công ty tư vấn Rapidan Energy Group, tỏ ra lạc quan hơn. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ thoả thuận có thể xảy ra, nó luôn ở khá gần và đang ngày càng gần hơn”.

“Iran có khoảng 150 đến 200 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác được trữ trong kho chứa. Ngay sau khi thoả thuận hạt nhân được tái ký, người ta sẽ đổ xô bán lượng dầu đó”, ông McNally cho hay, đồng thời ước tính rằng Iran sẽ tăng sản lượng khoảng 900.000 thùng/ngày.

Như vậy, sản lượng của OPEC có thể tăng đáng kể so với con số khoảng 30 triệu thùng/ngày hiện nay, trừ khi các nước thành viên quyết định hạ đáng kể sản lượng. “Đó sẽ là một việc mà OPEC và OPEC+ phải cân nhắc…”, ông McNally nói thêm.

Yên Khê

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.