|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hoàng tử Arab Saudi: Thị trường dầu mỏ đang bị 'mất kết nối', OPEC+ có thể phải giảm sản lượng

07:55 | 23/08/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi cho biết tình trạng biến động “cực đoan” cho thấy thị trường dầu mỏ giao sau đang ngày càng mất kết nối với các yếu tố cơ bản và OPEC+ có thể buộc phải giảm sản lượng.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. (Ảnh: Getty Images).

Trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhận định: “Thị trường dầu mỏ giao sau và thị trường vật chất đang ngày càng trở nên mất kết nối hơn”.

Hoàng tử Abdulaziz đang đại diện cho nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất trong OPEC+ và được cho là nhân vật quan trọng nhất trong liên minh 23 quốc gia. Ông nói giá dầu giao sau hiện không phản ánh được các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu. Điều này có thể buộc OPEC+ phải thắt chặt sản lượng tại cuộc họp tháng tới.

“Tình trạng biến động có hại gần đây đã làm xáo trộn các chức năng cơ bản của thị trường và làm suy yếu sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Chứng kiến điều này sẽ chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi hơn mà thôi”, vị bộ trưởng nói tiếp.

Kể từ đầu tháng 6, gdầu tương lai đã giảm hơn 20% do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và khả năng Iran bơm thêm dầu ra thị trường. Giá dầu Brent giao sau đã giảm bớt thiệt hại sau bình luận của Hoàng tử Abdulaziz, hiện giao dịch gần mức 96 USD/thùng.

 

Tuy nhiên, khối lượng hợp đồng mở và khối lượng giao dịch vẫn thấp hơn nhiều so với mức lịch sử do sự biến động giá mà chiến sự Nga - Ukraine gây ra khiến các nhà đầu tư sợ hãi. Theo một số người tham gia thị trường, tình trạng thiếu vắng giao dịch đang khiến thị trường biến động hơn khi nhóm người mua và người bán tích cực thu hẹp lại.

Arab Saudi và phần còn lại của liên minh OPEC+ đã đều đặn tăng sản lượng trong năm nay, đảo ngược toàn bộ các đợt cắt giảm được thực hiện trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 nhờ nhu cầu phục hồi và nguồn cung của Nga sụt giảm.

Dưới đây là bản ghi câu trả lời của Hoàng tử Abdulaziz cho một số câu hỏi của Bloomberg:

Ông có lo lắng về tình trạng hiện tại của thị trường hay không?

Thị trường giao sau đã rơi vào một vòng luẩn quẩn với tính thanh khoản rất mỏng và biến động cực mạnh. Điều này đang làm suy yếu chức năng định giá của thị trường, đồng thời làm cho chi phí phòng ngừa và quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư vật chất trở nên lớn hơn.

Vấn đề trên có tác động tiêu cực đến hoạt động trơn tru và hiệu quả của thị trường dầu mỏ, hàng hoá năng lượng và các hàng hoá khác. Nó tạo ra các loại rủi ro và bất ổn mới, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi nhấn mạnh.

Vòng luẩn quẩn này được khuếch đại bởi những câu chuyện không có căn cứ về hiện tượng nhu cầu bị phá huỷ (demand destruction), tin tức lặp đi lặp lại về sự trở lại của một lượng nguồn cung lớn và sự mơ hồ về tác động tiềm tàng của các kế hoạch cấm vận, giới hạn giá dầu.

Theo quan điểm của ông, sự biến động hiện tại đang tác động như thế nào tới hoạt động của thị trường?

Biến động gây bất lợi vì nếu không có đủ thanh khoản, thị trường giao sau không thể phản ánh thực tế các nguyên tắc cơ bản trên thị trường vật lý. Điều đó có thể khiến các nhà đầu tư nhận định sai lầm về an toàn nguồn cung, ngay tại thời điểm mà công suất dự phòng eo hẹp và nguy cơ gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng vẫn còn cao.

Bây giờ, bằng chứng đã rõ rành rành. Thị trường giao sau và thị trường vật chất ngày càng mất kết nối hơn. Theo một cách nào đó, thị trường đang ở trạng thái “tâm thần phân liệt”.

Điều này khiến thị trường biến động dữ dội cũng như phát tín hiệu sai lệch ngay lúc thị trường cần hoạt động vững vàng để cho phép các nhà đầu tư phòng ngừa và quản trị rủi ro cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những sự kiện khó lường mà họ phải đối mặt.

Liệu OPEC+ có phản ứng hay không?

Tại OPEC+, chúng tôi từng trải qua một môi trường thách thức hơn nhiều trong quá khứ và chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ cũng như gắn kết hơn bao giờ hết. OPEC+ có sự cam kết, linh hoạt và các phương tiện trong cơ chế hợp tác chung để đối phó với những thách thức như vậy.

Chúng tôi có thể đưa ra hướng dẫn về các đợt cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào và dưới các hình thức khác nhau, tương tự như những gì liên minh đã thể hiện nhiều lần trong hai năm 2020 và 2021.

Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng một thoả thuận sản lượng mới sau năm 2022. Thoả thuận này sẽ dựa trên những kinh nghiệm, thành tựu và thành công trước đây. OPEC+ quyết tâm tạo ra một thoả thuận mới hiệu quả hơn.

Chứng kiến tình trạng biến động giá khủng khiếp thời gian gần đây sẽ chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi, vị bộ trưởng nhấn mạnh.

Yên Khê