|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin: Nga muốn đàm phán nhưng Ukraine khước từ

07:39 | 26/12/2022
Chia sẻ
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn lòng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, nhưng Kiev và phương Tây đã khước từ.

Nga muốn đàm phán

Chiến sự giữa Nga và Ukraine chính thức nổ ra vào ngày 24/2, đánh dấu cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Đồng thời, đây còn là cuộc đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Cho đến nay, cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết. Chính quyền Moscow khẳng định họ sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu của mình tại Ukraine.

Trong khi đó, Kiev tuyên bố sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi mọi binh sĩ Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập năm 2014.

Hôm 25/12, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ rằng Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Song, ông chủ Điện Kremlin cho rằng chính quyền Kiev và các nước đồng minh phương Tây đã từ chối tham gia đàm phán.

Cụ thể, trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1, ông Putin cho hay: “Chúng  tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhưng điều đó tuỳ thuộc vào họ - chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính là họ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters).

Hồi đầu tháng này, Giám đốc CIA Willam Burns cho biết trong khi hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc bằng đàm phán, cơ quan tình báo Mỹ nhận thấy Nga vẫn chưa nghiêm túc về một cuộc đàm phán thực sự.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông Putin cần nhìn vào thực tế và thừa nhận rằng chính Nga mới là bên không muốn đàm phán.

Trên Twitter, cố vấn Mykhailo Podolyak viết: “Nga đơn thương độc mã tấn công Ukraine và giết hại người dân. Nga không muốn đàm phán nhưng vẫn cố gắng trốn tránh trách nhiệm”.

Không còn lựa chọn nào khác

Theo Reuters, các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga vào nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng kể từ tháng 10 đã khiến hàng triệu người Ukraine mất điện và nước.

“Mối đe doạ từ các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích của kẻ thù nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn còn trên khắp lãnh thổ Ukraine”, bộ tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một cập nhật trên Facebook.

Cũng theo Reuters, quân đội Nga đã pháo kích vào hàng chục thị trấn và vị trí dọc theo chiến tuyến, gây thương vong cho dân thường ở khu vực phía nam Kherson. Song, Moscow phủ nhận việc họ đang nhắm mục tiêu vào dân thường.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Putin nói Nga đang đi “đúng hướng” ở Ukraine vì phương Tây, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, đang cố gắng chia rẽ Nga.

“Tôi tin rằng quân đội Nga đang hành động đúng hướng, chúng tôi đang bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của công dân Nga. Và chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ công dân của mình”, ông bày tỏ.

Khi được hỏi liệu cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga với phương Tây có đang tiến đến ngưỡng nguy hiểm hay không, ông Putin cho hay: “Tôi không nghĩ tình hình nghiêm trọng đến thế”.

Ông chủ Điện Kremlin nói phương Tây đã bắt đầu cuộc xung đột vào năm 2014 bằng cách lật đổ một tổng thống Ukraine thân Nga.

Ngay sau đó, Nga đã sáp nhập Crimea và các lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn bắt đầu gây chiến ở miền đông Ukraine.

“Thực chất, động lực cơ bản ở đây là các chính sách địa chính trị của kẻ thù đang cố gắng chia rẽ Nga và lịch sử nước Nga”, ông Putin nhấn mạnh.

Theo vị tổng thống, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine là một bước ngoặt khi Moscow cuối cùng đã đứng lên chống lại khối phương Tây.

Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây khẳng định ông Putin không có lập luận gì để biện minh cho cuộc chiến.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Putin mô tả Nga là một “quốc gia độc nhất vô nhị” và 99,9% - tức đại đa số người dân nước này đều nhất trí bảo vệ đất nước.

Khả Nhân

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.