|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Berkshire Hathaway lãi đậm 13 tỷ USD nhờ hai cổ phiếu dầu mỏ

15:21 | 02/11/2022
Chia sẻ
Tập đoàn Berkshire Hathaway đặt cược 30 tỷ USD vào hai đại gia năng lượng Chevron và Occidental. Tổng trị giá hiện nay của số cổ phiếu đó là 43 tỷ USD.

 

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: FEE Stories).

Lên như diều gặp gió

Theo Markets Insider, ước tính tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã thu được khoản lợi nhuận 13 tỷ USD từ cổ phiếu của Chevron và Occidental Petroleum. Hai cổ phiếu năng lượng này hiện đã lọt vào top những khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn.

Markets Insider tính toán rằng Berkshire đã đổ khoảng 20 tỷ USD vào Chevron và rót 10 tỷ USD cho Occidental. Tính theo giá đóng cửa ngày 31/10, hai khoản đầu tư này có trị giá lần lượt 29 và 14 tỷ USD.

Berkshire trở thành cổ đông của Chevron trong nửa cuối năm 2020. Tập đoàn tăng vị thế của mình lên gấp 4 lần vào quý I năm nay. Đến quý II, Berkshire đã nắm giữ tổng cộng 161 triệu cổ phiếu Chevron, nâng tỷ lệ sở hữu lên 8,2%. Ván cược của tập đoàn thành công mỹ mãn. Trong năm nay, cổ phiếu Chevron đã tăng tới 52%, tiến lên mức cao nhất trong lịch sử.

Warren Buffett và các cấp dưới ở Berkshire mới chỉ bắt đầu đầu tư vào Occidental trong năm nay, nhưng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn hiện đã lên đến 21%. Tập đoàn đang nắm trong tay 194 triệu cổ phiếu Occidental. Sức bật của Occidental còn ấn tượng hơn cả Chevron khi giá cổ phiếu của công ty này tăng tới 134% trong năm 2022.

*Số liệu lấy đến ngày 31/10

Berkshire còn sở hữu 10 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi của Occidental và các chứng quyền cho phép tập đoàn mua thêm 83,9 triệu cổ phiếu phổ thông với mức giá cố định 5 tỷ USD. Theo giá đóng cửa ngày 31/10, số cổ phiếu phổ thông đó đáng giá 6,1 tỷ USD.

Không kể các chứng quyền và cổ phiếu ưu đãi, Chevron và Occidental vẫn được xếp vào nhóm các vị thế có giá trị lớn nhất trong danh mục của Berkshire. Đến cuối tháng 12 năm ngoái, tập đoàn chỉ nắm giữ 5 vị thế có trị giá trên 10 tỷ USD, và chỉ hai trong số đó có quy mô lớn hơn 25 tỷ USD.

Ngoài hai cổ phiếu năng lượng trên, các khoản đầu tư hàng đầu của Berkshire đa số là những công ty trong ngành sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tài chính mà Warren Buffett đã yêu thích từ lâu. Những công ty đó bao gồm Apple, Bank of America, Coca-Cola, Kraft Heinz và American Express.

Công cụ phòng vệ

Berkshire tập trung mua cổ phiếu Chevron và Occidental trong khoảng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Có lẽ Berkshire đã nhận thấy thời cơ kiếm lời từ sự leo thang của giá năng lượng sau khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra.

Song, cũng có thể tập đoàn chỉ nhìn nhận đơn giản rằng đó là hai công ty được quản lý tốt và là nguồn thu nhập đáng tin cậy dù đang bị thị trường định giá thấp.

Gần đây chính quyền Tổng thống Biden đã cáo buộc các công ty dầu mỏ lớn “trục lợi trong thời chiến”. Nhà Trắng đe dọa sẽ áp thuế lợi nhuận cao bất thường (windfall profit tax) nếu doanh nghiệp không chịu sử dụng một phần lợi nhuận khổng lồ trong năm nay để đầu tư vào sản xuất trong nước. Rủi ro này có thể sẽ đè nặng lên Chevron và Occidental trong thời gian tới.

 

Lúc này, các khoản đầu tư vào hai đại gia dầu mỏ đang giúp Berkshire chống chọi với bối cảnh thị trường khắc nghiệt.

Nỗi lo về lạm phát, suy thoái và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kéo chỉ số S&P 500 đi xuống 19% trong năm 2022. Trong khi đó, Berkshire chỉ giảm nhẹ 1,7%.

Warren Buffett có thể coi hai cổ phiếu năng lượng này là công cụ phòng vệ cho danh mục khỏi sự suy giảm chung của thị trường, và là cách để bù đắp cho tác động tiêu cực của chi phí nhiên liệu cao đến vài công ty con của Berkshire.

Ông Josh Young, nhà quản lý quỹ kiêm chuyên gia về cổ phiếu năng lượng bình luận về khoản đầu tư của Berkshire vào Occidental: “Warren Buffett muốn chuẩn bị cho trường hợp lạm phát và giá dầu lên cao hơn”.

Trong tháng 11, Berkshire sẽ công bố các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán trong quý III, đồng thời tiết lộ những cái tên được thêm vào hoặc bị loại bỏ khỏi danh mục của tập đoàn.

Giang

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.