Đâu là lý do thực sự khiến Warren Buffett để mắt đến đại gia dầu khí Occidental?
Lời giải thích mập mờ
Hồi tháng 4, Warren Buffett được hỏi vì sao tập đoàn Berkshire Hathaway gom mạnh cổ phiếu Occidental Petroleum và nâng tỷ lệ sở hữu lên 14%. Warren Buffett đưa ra câu trả lời dông dài, nhắc đến “Lý thuyết Tổng quát” của nhà kinh tế John Maynard Keynes năm 1936 và mô tả vì sao Phố Wall ngày nay vẫn giống với sòng bài như quá khứ.
Ông hầu như không nhắc đến công ty dầu khí này ngoài trừ việc nói rằng đã đọc báo cáo thường niên năm 2021 và rằng CEO Vicki Hollub “đưa ra toàn lý lẽ hợp lý”. Lời giải thích súc tích nhất đến từ Charlie Munger, cánh tay phải lâu năm của Warren Buffett: “Vì chúng tôi thích sở hữu cổ phiếu Occidental Petroleum hơn là nắm giữ trái phiếu Kho bạc”.
Câu trả lời trên gần như chẳng thể hiện chút thông tin nào. Nhưng kể từ đó, cổ phần của Berkshire trong Occidental đã đều đặn tăng lên trên 20%, biến tập đoàn thành cổ đông lớn nhất. Đến ngày 19/8, Berkshire được cơ quan quản lý năng lượng cho phép mua tới 50% cổ phiếu Occidental, làm dấy lên đồn đoán về một vụ thâu tóm.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Berkshire muốn đầu tư vào dầu mỏ khi mà đế chế của Warren Buffett có cả các nhà máy chạy bằng nhiệt điện than và tàu hỏa chạy bằng dầu diesel. Tuy các công ty con trong ngành năng lượng của Berkshire cũng có công suất năng lượng gió và mặt trời khổng lồ nhưng Warren Buffett nổi tiếng là người theo trường phái cổ điển.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thương vụ 38 tỉ USD bế tắc, nữ tướng dầu khí tìm đến Warren Buffett nhờ ra tay tương trợ 30/12/2019 - 11:00
Còn về niềm tin vào CEO Hollub thì sao? Phe chỉ trích có thể nói rằng bà đã phá hủy doanh nghiệp khi chỉ đạo Occidental mua lại đối thủ Anadako với giá 55 tỷ USD vào năm 2019.
Thương vụ trên diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn – chỉ vài tháng trước khi COVID-19 ập đến. Hậu quả là Occidental bị đè nặng bởi nợ nần và thua kém các công ty Mỹ khác trong ngành, ít nhất là cho đến khi thị trường dầu mỏ phục hồi trong năm nay. Điều Warren Buffett thích nhất là các cổ phiếu giá rẻ của nền kinh tế kiểu cũ.
Đó có thể là một cách giải thích. Cách giải thích khác là Warren Buffett đánh giá cao cách tiếp cận độc đáo của bà đối với hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Mỹ. Chính ông là người đã tương trợ cho thương vụ mua lại Anadarko của bà Hollub bằng khoản đầu tư 10 tỷ USD.
"Kẻ sống sót cuối cùng"
Phóng viên của tờ The Economist lần đầu tiên gặp bà Hollub vào 6 năm trước và đánh giá bà là người giỏi hơn hẳn các vị sếp dầu mỏ thông thường ở Mỹ. Với kiến thức của một kỹ sư được đào tạo bài bản, bà đã giải thích chi tiết cách Occidental tăng sản lượng của các giếng dầu cũ bằng cách bơm CO2 vào để tách phần dầu cặn, giúp giảm chi phí cũng như lượng khí thải carbon của mỗi thùng dầu.
Ngày nay, bà còn nhấn mạnh nhiều hơn vào kỹ thuật này, nói rằng Occidental đang trên đà xây dựng mảng kinh doanh "quản lý carbon" có thể vươn tới quy mô của toàn ngành dầu khí vào năm 2050. Theo bà, hoạt động này có thể giúp Occidental trở thành “kẻ sống sót cuối cùng” trong ngành dầu mỏ Mỹ. Bà tuyên bố: “Occidental là hình mẫu tương lai của các công ty dầu khí”.
Ngoài việc bơm thêm dầu và khí đốt, Occidental đang đặt cược vào các kỹ thuật cô lập carbon để giảm thiểu dấu chân carbon (carbon footprint). Công nghệ chủ chốt là thu khí trực tiếp (Direct Air Capture – DAC), biện pháp hút khí CO2 từ khí quyển thông qua các quạt hút khổng lồ và chôn xuống lòng đất.
Occidental sẽ sớm khởi công nhà máy DAC đầu tiên với chi phí 1 tỷ USD, đặt tại lưu vực Permian ở Texas. Công ty dự định xây dựng 70 nhà máy như vậy trên toàn thế giới từ nay cho đến năm 2035. Chúng là chìa khóa để thực hiện cam kết của Occidental là trở thành công ty không phát thải vào năm 2050.
Nhưng bà Hollub cũng hy vọng nhà máy DAC sẽ trở thành cỗ máy hái ra tiền trong bối cảnh các doanh nghiệp trả tiền để cô lập carbon nhằm triệt tiêu lượng phát thải của mình. Hãng hàng không United Airlines và nhà sản xuất máy bay Airbus là các nhà đầu tư sớm cho dự án của Occidental.
Tình hình đang có lợi cho Occidental. Đạo luật Giảm lạm phát mà Tổng thống Biden mới thông qua đã tăng đáng kể các khoản tín dụng thuế DAC.
Ông Michael Greenstone, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago cho biết nếu chi phí giảm xuống, phong trào cam kết không phát thải của doanh nghiệp có thể tạo ra “nhu cầu khổng lồ” cho công nghệ cô lập carbon, bao gồm DAC. Ông nói: “Mọi người đều muốn có cách đảm bảo để loại bỏ hàng tấn CO2”.
Thuận buồm xuôi gió
Mọi người vẫn muốn dùng dầu và khí đốt để vận hành nhà máy, nhà cửa và xe cộ. Nhưng lượng carbon ròng mà những nhiên liệu này thải ra khí quyển càng ít thì càng tốt. Bà Hollub không bị che mắt bởi bản năng sống sót của ngành dầu khí. Bà chê trách nỗ lực vận động hành lang hòng cản trở các dự luật khí hậu của các công ty cùng ngành.
Ván cược của bà vào công nghệ cô lập carbon cũng được ủng hộ bởi khoa học. Sau cùng thì thế giới cũng sẽ cần một số hình thức loại bỏ carbon để làm sạch không khí, giống như cần hệ thống thoát nước để xử lý nước thải sinh hoạt.
Bà Hollub không muốn tiết lộ liệu luận điểm này có sức hút với Warren Buffett hay không. Nhưng bà chỉ ra rằng gần đây công ty hàng tiêu dùng Kraft Heinz mà Berkshire đầu tư đã ký kết hợp đồng năng lượng tái tạo lớn với một trong những công ty năng lượng con của tập đoàn.
Nhà hiền triết xứ Omaha có thể là người theo trường phái cũ, nhưng chắc chắn ông đã nhận ra rằng gió đang đổi chiều theo hướng có lợi cho năng lượng tái tạo. Hiển nhiên Warren Buffett thích dầu khí của Occidental. Nhưng có lẽ ý tưởng rằng ngành dầu khí có thể đi đầu trong phong trào khử carbon cũng khiến ông thích thú.