Chuỗi biến cố gây náo loạn chứng khoán toàn cầu 10 tháng đầu năm
Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới bước vào năm 2022 với tâm trạng rất hưng phấn.
Ở Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lập đỉnh lịch sử xấp xỉ 36.800 điểm vào phiên 4/1, S&P 500 đóng cửa ở kỷ lục gần 4.797 điểm vào hôm 3/1.
Ở Việt Nam, VN-Index kết phiên 6/1 ở mức cao chưa từng thấy là 1.528 điểm. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu cũng lập đỉnh vào phiên 5/1.
Tính đến hết ngày 14/10, Dow Jones và S&P 500 đã mất lần lượt 18,4% và 24,8% so với đỉnh lịch sử. VN-Index kém kỷ lục hơn 29%. Chứng khoán châu Âu cũng giảm 20% so với những ngày đầu năm. Hồi tháng 6 và tháng 7, các chỉ số thậm chí còn xuống thấp hơn.
Vì đâu giá cổ phiếu toàn cầu lại tụt dốc mạnh đến vậy trong gần 10 tháng qua? Thị trường chứng khoán được coi là chiếc hàn thử biểu đo lường sức khỏe của nền kinh tế nói chung. Việc các chỉ số chứng khoán sa sút phải chăng là điềm gở đối với kinh tế vĩ mô?
Xung đột Nga – Ukraine gây chấn động 5 châu
Từ cuối năm 2021, Nga đã điều động hàng trăm nghìn binh sĩ cùng nhiều khí tài quân sự hạng nặng tới gần biên giới Ukraine với lý do tập trận. Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo NATO đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ Nga tấn công quân sự Ukraine.
Mặc dù vậy, khi tiếng súng vang lên vào rạng sáng 24/2, nhiều người trên khắp thế giới vẫn không khỏi bất ngờ.
Giá dầu thô nhanh chóng tăng vọt, vượt 130 USD/thùng vào đầu tháng 3 và duy trì trên mốc 100 USD/thùng trong nhiều tháng liền. Hiện nay giá dầu đã hạ nhiệt đi đáng kể giữa lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu yếu ở Trung Quốc vì chính sách Zero COVID.
Mặc dù vậy, cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500, cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất tăng trưởng so với đầu năm, 10 nhóm còn lại chìm trong sắc đỏ.
Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và xếp thứ 2 về xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, tác động của xung đột Nga – Ukraine tới nền kinh tế toàn cầu sâu rộng hơn nhiều chứ không giới hạn trong lĩnh vực năng lượng.
Nga là nhà cung cấp phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 23% tổng xuất khẩu ammonia, 14% xuất khẩu urea, 10% xuất khẩu phosphate đã qua xử lý, và 21% xuất khẩu potash (kali). Ngoài ra, Nga còn là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất toàn cầu.
Ukraine nắm 42% thị phần thế giới về xuất khẩu dầu hướng dương, 16% thị phần xuất khẩu ngô, 10% thị phần xuất khẩu đại mạch, và 9% thị phần xuất khẩu lúa mỳ.
Xung đột khiến cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón bị gián đoạn, đe dọa an ninh lương thực ở các nước nghèo.
Lạm phát tại Mỹ, châu Âu và hàng loạt quốc gia lên cao một phần vì chuỗi cung ứng đứt gãy trong xung đột và Nga siết dòng chảy năng lượng.
Giá cả nhảy vọt đã buộc các ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất, khiến thị trường tài chính – chứng khoán vốn dĩ đã bất an vì xung đột vũ trang lại càng thêm chao đảo.
Cú sốc lạm phát và làn sóng tăng lãi suất
Suốt từ tháng 3 đến tháng 11/2021, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dùng từ “tạm thời” (transitory) để nói về con số lạm phát liên tục lên cao, vượt xa mức mục tiêu dài hạn 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện vào ngày 30/11/2021, ông Powell đã phải thừa nhận rằng “rủi ro lạm phát lên cao hơn đã tăng đáng kể”, đồng thời tuyên bố sẽ không dùng từ “tạm thời” để miêu tả tình hình lạm phát tại Mỹ.
Tuy nhiên, ông Powell và các đồng nghiệp tại Fed dường như vẫn chưa đánh giá đúng nguy cơ lạm phát, bằng chứng là lãi suất được giữ nguyên ở mức cận 0 trong hai cuộc họp ngày 14-15/12 và 26-27/1.
Đến cuộc họp ngày 15-16/3, ngân hàng trung ương Mỹ mới nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018. Động thái nhỏ nhoi này kém xa so với dự báo của nhiều chuyên gia và không đủ để kéo tụt kỳ vọng lạm phát đang dâng cao trong nền kinh tế.
Đến cuộc họp ngày 3-4/5, Fed nâng lãi suất mạnh tay hơn với mức 50 bps. Sang các cuộc họp trong tháng 6, 7 và 9, Fed đều tăng chi phí đi vay thêm 75 bps.
Hiện nay, lãi suất quỹ liên bang đang dừng ở khoảng 3 – 3,25% và các nhà phân tích Phố Wall dự báo có thể leo lên đỉnh 4,5%, thậm chí 5% vào đầu năm 2023.
Thị trường cổ phiếu thường đi xuống khi lãi suất tăng. Có hai cách giải thích cho hiện tượng này.
Thứ nhất, khi lãi suất đi lên, nhiều người sẽ bán bớt các tài sản rủi ro như cổ phiếu để đầu tư vào những kênh an toàn hơn như gửi ngân hàng hay mua trái phiếu do lợi nhuận thu được lúc này đã tăng theo lãi suất.
Thứ hai, lãi suất tăng khiến cho dòng tiền trong tương lai của các doanh nghiệp giảm giá trị, mức giá mục tiêu theo các mô hình chiết khấu dòng tiền và cổ tức đều thấp hơn trước.
“Fed có quyết tâm mạnh mẽ trong việc đưa lạm phát xuống mức 2% và chúng tôi sẽ không chùn bước trước khi hoàn thành nhiệm vụ.” Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu chiều 21/9/2022
Tại châu Âu, lạm phát vượt mốc 10%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuy chậm chân hơn so với Fed do phải hài hòa lợi ích của nhiều quốc gia thành viên nhưng cũng đã bắt đầu nâng lãi suất. Chính sách tương tự đã được các ngân hàng trung ương của Canada, Brazil, Australia, Anh, Hàn Quốc đưa ra.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chiều 22/9 cũng thông báo nâng các loại lãi suất chủ chốt thêm 1 điểm % “nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”.
Việc các nước đồng loạt nâng lãi suất không chỉ làm thị trường cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn mà còn kéo theo một hệ lụy nữa là nguy cơ suy thoái kinh tế.
Rủi ro suy thoái hiện hữu
Lãi suất tăng lên sẽ khiến nhu cầu vay tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như để tiêu dùng giảm đi.
Hoạt động kinh tế chậm lại, người dân cũng như các doanh nghiệp ít mua sắm các loại hàng hóa và dịch vụ hơn, các công ty cũng vì thế mà cắt giảm quy mô hoạt động, hạn chế thuê mướn lao động.
Nhiều người thất nghiệp hoặc bị giảm tiền lương, dẫn tới hạn chế tiêu dùng, kéo theo sản xuất đình đốn, lại có thêm nhiều người mất việc … Vòng lặp này diễn ra liên tục cho tới khi lạm phát được kiểm soát, cũng là lúc nền kinh tế rơi vào suy thoái.
GDP của Mỹ đã giảm trong hai quý liên tiếp I và II/2022. Nhiều chuyên gia coi đây là tiêu chí đủ để coi nền kinh tế đã rơi vào suy thoái, dù các quan chức Fed và chính phủ Mỹ phản bác với lý do tỷ lệ thất nghiệp còn thấp.
Ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo GDP quý III của nước này sẽ giảm 0,1% sau khi đã giảm 0,1% trong quý II. Mặc dù vậy, BoE vẫn theo chân Fed và nâng lãi suất thêm 50 bps để kiềm chế lạm phát đang ở ngưỡng 10%.
Nói cách khác, BoE và Fed đều coi suy thoái là cái giá phải trả trong nỗ lực ghìm cương đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Hôm 27/10, ECB nâng lãi suất thêm 75 bps lên mức cao nhất kể từ 2009.
Trong khi chính sách tiền tệ đang thắt chặt, các chương trình kích thích tài khóa trị giá hàng nghìn tỷ USD trong đại dịch cũng đã đi đến hồi kết.
Người dân ở nhiều quốc gia từ Âu đến Mỹ đang phải chật vật trong cơn bão giá, chi phí sinh hoạt nhảy vọt.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm đã cao hơn kỳ hạn 10 năm trong suốt 4 tháng qua. Nếu nền kinh tế Mỹ chưa suy thoái thì hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược này là dấu hiệu cho thấy suy thoái sẽ xảy đến trong khoảng một năm nữa.
Trong bối cảnh bóng ma suy thoái lơ lửng trên đầu, nhà đầu tư có xu hướng co cụm phòng thủ và rời bỏ những tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ hay tiền mã hóa.
Hy vọng của các nhà đầu tư lúc này là một cuộc “hạ cánh mềm”, tức là Fed và các ngân hàng trung ương khác có thể chế ngự được lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào vực sâu suy thoái.
Giá dầu thô và khí đốt trong tháng 10 đã đi xuống đáng kể so với đỉnh khi Nga mới tấn công Ukraine. Các chuyến tàu chở lương thực và phân bón cũng đã bắt đầu rời khỏi cảng ở Biển Đen để tới các quốc gia tiêu thụ.
Lãi suất tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2022 có thể đang bắt đầu phát huy tác dụng khống chế lạm phát do yếu tố độ trễ chính sách. Nếu đà tăng của giá cả hạ nhiệt sớm hơn dự báo, các ngân hàng trung ương như Fed có thể sẽ tạm dừng tăng và sớm hạ lãi suất, giúp dòng tiền quay lại với thị trường cổ phiếu.
Trích Đặc san "Người Tiên Phong" - Số tháng 10/2022 - Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam