Nhân tố nào giúp Dow Jones nhảy vọt hơn 800 điểm trong phiên cuối tuần?
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 829 điểm, tương đương 2,59%, và đóng cửa ở sát 32.862 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này.
Chỉ số S&P 500 tăng 2,46% và lấy lại mốc 3.900 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,87% và đóng cửa ở trên 11.100 điểm.
Tính chung cả tuần qua, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên mạnh mẽ. Dow Jones có thêm 5,7% và ghi nhận tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Đây là chuỗi tuần đi lên dài nhất của Dow Jones kể từ chuỗi tăng 5 tuần liền kết thúc vào tháng 11/2021.
So với đầu tháng 10, Dow Jones đã tăng 14,4%. Tháng 10 chỉ còn lại một phiên giao dịch nữa. Nếu đà tăng hiện nay được giữ vững, Dow Jones sẽ ghi nhận tháng tích cực nhất kể từ tháng 1/1976, tức là gần 47 năm trước.
S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng tương ứng 3,9% và 2,2% trong tuần vừa qua.
CNBC cho biết thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này phân hóa mạnh khi nhà đầu tư bán tháo những cổ phiếu công nghệ có kết quả kinh doanh quý III hay triển vọng quý IV đáng thất vọng như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (sở hữu mạng xã hội Facebook).
Đồng thời, nhà đầu tư rót tiền vào những cổ phiếu nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô để có thể hưởng lợi nếu Mỹ thoát khỏi một cuộc suy thoái. Số liệu mới được công bố hôm 27/10 cho thấy GDP của Mỹ tăng trưởng 2,6% trong quý III năm nay, chấm dứt hai quý giảm liên tiếp.
Tín hiệu khả quan về lạm phát, chi tiêu
Các số liệu mới công bố trong tuần này cũng giúp nhà đầu tư có thêm hy vọng về việc lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm nhịp độ nâng lãi suất sau cuộc họp thường kỳ ngày 1-2/11.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát được Fed ưa thích sử dụng - tăng 4,2% trong quý III, thấp hơn đáng kể so với mức 7,3% trong quý II.
Các số liệu mới được Cục Phân tích Kinh tế (BEA) công bố sáng 28/10 mang lại thêm một số tín hiệu khả quan.
Cụ thể, thu nhập cá nhân trong tháng 9 tăng 0,4% còn chi tiêu tiêu dùng đi lên 0,6%, đều cao hơn các con số 0,3% và 0,4% mà các nhà kinh tế trong khảo sát của Dow Jones dự báo.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) – thước đo Fed thường sử dụng khi quyết định chính sách tiền tệ - tăng 0,5% so với tháng 8 và 5,1% so với tháng 9 năm ngoái. Đây vẫn là những tỷ lệ lạm phát tương đối cao so với mặt bằng lịch sử nhưng không tệ hơn dự báo của giới chuyên gia.
Apple vượt kỳ vọng
Cổ phiếu Apple bật tăng 7,5% sau khi đại gia sản xuất iPhone này thông báo doanh thu và lợi nhuận quý III vượt kỳ vọng của các nhà phân tích Phố Wall.
Apple và những cổ phiếu diễn biến tích cực khác như Intel đã phần nào củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu công nghệ và giúp Nasdaq đi lên trong phiên cuối tuần.
Ông Jay Hatfield, CEO công ty quản lý tài sản Infrastructure Capital Management, cho biết thị trường chứng khoán Mỹ còn được hỗ trợ bởi mức tăng 1,2% và 2,9% của Chevron và Exxon Mobil sau khi hai tập đoàn dầu khí này thông báo kết quả kinh doanh cao hơn mong đợi.
“Apple là ngôi sao lẻ loi trong số các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn”, ông Hatfield nói. Biểu đồ bên dưới cho thấy Apple hiện nay là công ty giá trị nhất nước Mỹ với vốn hóa trên 2.500 tỷ USD, bỏ xa các tên tuổi đứng sau như Alphabet, Microsoft, Tesla, …
Cổ phiếu Meta (sở hữu Facebook) đã mất gần 75% giá trị so với đỉnh lịch sử, vốn hóa sụt 820 tỷ USD và rời khỏi top 20 giá trị thị trường của Mỹ.
Cổ phiếu Amazon sụt 6,8% sau khi tập đoàn bán lẻ và thương mại điện tử này công bố doanh thu quý III thấp hơn mong đợi và dự báo doanh thu quý IV dưới kỳ vọng của giới phân tích.