Fed có thể sẽ phải ‘thổi bay’ nền kinh tế để giảm tốc lạm phát
Tập trung toàn lực
Dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp vào ngày 2/11 tới, đánh dấu lần thứ 4 liên tiếp nổ ra “phát súng lớn”. Và có thể Fed sẽ một lần nữa tăng lãi suất với quy mô tương tự như vậy vào tháng 12.
Nhưng câu hỏi lớn với nhiều nhà đầu tư – và công chúng Mỹ - là liệu Fed có đẩy nền kinh tế vào suy thoái với những đợt tăng lãi suất này hay không.
Một số người hy vọng rằng trường hợp tệ nhất mà Mỹ gặp phải sẽ chỉ là một cuộc suy thoái nhẹ, nhưng đây là lần đầu tiên Fed phải đương đầu với tình thế phức tạp như hiện nay.
Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan, Ben Bernanke và Janet Yellen – nay là Bộ trưởng Tài chính Mỹ - chưa bao giờ phải tăng lãi suất liên tục với quy mô lớn đến thế.
Chưa rõ chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế. Thị trường nhà đất đã lộ ra một số dấu hiệu căng thẳng. Lợi suất trái phiếu nhảy vọt vì Fed.
Kết quả là lãi suất cho vay thế chấp – thường biến động cùng chiều với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm – cũng tăng cao.
Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đang gây sức ép đòi hỏi Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức Fed khác giảm tốc độ tăng lãi suất do lo ngại suy thoái xảy ra.
Nhưng theo tờ CNN, Fed có lẽ vẫn sẽ tập trung toàn lực vào nhiệm vụ ổn định giá cả và bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở về mục tiêu toàn dụng lao động cho đến khi thị trường lao động suy yếu rõ rệt.
Ông Steve Wyett, Giám đốc đầu tư tại BOK Financial nhận định: “Fed vẫn còn việc phải làm. Phải thêm một thời gian nữa áp lực lạm phát mới rút khỏi hệ thống”.
Sự phục hồi vững chắc của GDP quý III sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp có thể làm dịu bớt nỗi lo suy thoái. Số liệu GDP cũng có thể sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất dẫu chính sách này có nguy cơ gây ra suy thoái trong tương lai.
Quá nhiều “diều hâu”?
Một trong những nỗi lo của thị trường là Fed sẽ chú ý quá nhiều đến dữ liệu kinh tế hiện tại và không cân nhắc đủ về tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất đã và sắp thực hiện. Có thể lạm phát ở Mỹ chưa đạt đỉnh, nhưng ngày càng nhiều chuyên gia cảm nhận rằng cột mốc này đã rất gần.
Ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn RSM US, viết trong báo cáo: “Các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị cho thời điểm nhu cầu suy yếu, khi tác động có độ trễ của lãi suất gia tăng và lạm phát gây lực cản lớn lên hoạt động kinh tế”. Ông nói thêm rằng Mỹ “rõ ràng đang gặp rủi ro suy thoái trong tương lai gần”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Độ trễ của chính sách tiền tệ đang ngáng đường các NHTW thế giới 24/10/2022 - 11:13
Ngoài ra, còn có một yếu tố khác có thể thôi thúc Fed tăng mạnh lãi suất tại hai cuộc họp tới rồi giảm tốc độ.
Hàng năm, Fed sẽ luân phiên trao quyền bỏ phiếu tại cuộc họp chính sách cho các chủ tịch chi nhánh khác nhau. Lần thay đổi tiếp theo sẽ diễn ra trước cuộc họp đầu tiên của năm 2023, vào ngày 1/2.
Các chuyên gia chỉ ra rằng một số thành viên có quyền bỏ phiếu mới trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có thể sẽ không ủng hộ tăng lãi suất mạnh như những người hiện tại.
Do đó, FOMC có thể sẽ chuyển từ lập trường “diều hâu” (ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ) sang lập trường mang tính “bồ câu” hơn (cảnh giác về việc tăng lãi suất).
Hai nhà kinh tế của công ty chứng khoán BNP Paribas Securities viết trong báo cáo: “Lập trường chính sách chung của FOMC sẽ trở nên bớt diều hâu hơn vào năm 2023. Nhận thấy thời cơ đang khép lại, các quan chức tư tưởng diều hâu nhất trong năm nay có thể sẽ tranh thủ tăng lãi suất khi họ còn nắm quyền”.
Chú ý đến báo cáo việc làm
Cuộc họp sắp tới của Fed diễn ra chỉ hai ngày trước khi người Mỹ nhận được báo cáo về thị trường lao động. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại nhưng không đáng kể.
Theo ước tính từ Reuters, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ đã có thêm 200.000 việc làm trong tháng 10, thấp hơn con số 263.000 trong tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ từ 3,5% lên 3,6%, vẫn gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Dẫu tốc độ tuyển dụng có chậm lại, rõ ràng thị trường lao động vẫn rất mạnh mẽ. Tiền lương tăng trưởng với tốc độ trên mức trung bình, dù không nhanh bằng lạm phát. Báo cáo việc làm tháng 9 cho thấy thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 5% trong 12 tháng qua. Fed thường coi tăng trưởng tiền lương 2-3% hàng năm là dấu hiệu cho thấy lạm phát được kiểm soát.
Theo dữ liệu công bố ngày 28/10, thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 9 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiền lương khó mà suy giảm rõ rệt nếu thị trường lao động còn mạnh mẽ và giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao hơn.
Các nhà kinh tế tại The Hamilton Project, tổ chức nghiên cứu chính sách tại Viện Brookings, nhận xét trong báo cáo gần đây: “Tốc độ tuyển dụng đang rất nhanh, không bền vững và đang thúc đẩy lương cùng lạm phát đi lên”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/