Các banker hàng đầu Phố Wall có nỗi lo lớn hơn cả suy thoái
Nỗi lo lớn hơn suy thoái
Một số tên tuổi hàng đầu trên Phố Wall nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ suy thoái, thậm chí gần như là chắc chắn. Nhưng họ còn có nỗi lo lớn hơn.
Hôm 25/10, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cho biết ông lo lắng về tình hình địa chính trị toàn cầu nhiều hơn là việc nền kinh tế Mỹ giảm tốc.
Tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Riyadh (Arab Saudi), ông nói: “Rất nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra và đẩy Mỹ vào suy thoái. Nhưng đó không phải điều quan trọng nhất mà chúng tôi nghĩ tới. JPMorgan sẽ vượt qua được suy thoái. Tôi lo ngại hơn nhiều hơn về tình hình địa chính trị trên thế giới ngày nay”.
Cụ thể, ông Dimon nhắc đến chiến sự Nga-Ukraine và sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói thêm: “Các mối quan hệ của thế giới phương Tây sẽ khiến tôi lo lắng hơn nhiều một cuộc suy thoái nhẹ hoặc hơi nghiêm trọng tại Mỹ”.
Tờ CNN cho biết sự đổ vỡ của các mối quan hệ và hậu quả tới mọi thứ - từ an ninh quốc gia cho đến nguồn cung năng lượng và thực phẩm – là chủ đề được nhắc đến xuyên suốt buổi hội thảo.
Ông Dimon và CEO Stephen Schwarzman của Blackstone chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người cô lập nhau, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp và học hỏi lẫn nhau giữa các nước.
Tỷ phú Ray Dalio, người sáng lập công ty quản lý tài sản Bridgewater, trăn trở về “nguy cơ chiến tranh quốc tế”. Ông cho rằng để tránh được rủi ro này, thế giới cần “một thế lực chính trị trung lập mạnh mẽ hơn phe cực đoan”.
Thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ
Ông Dimon cho rằng gốc rễ của nhiều vấn đề địa chính trị là thế giới đang thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ.
Ông nêu quan điểm: “Nếu thế giới phương Tây thiếu đi sự dẫn dắt của Mỹ thì chúng ta sẽ chứng kiến cảnh hỗn loạn như những gì đang xảy ra ở Ukraine. Nhưng tôi không cổ vũ kiểu lãnh đạo xấu xí bắt ép mọi người theo ý mình”.
Ông Dimon tin tưởng rằng Mỹ và Arab Saudi sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ bền vững dẫu cho căng thẳng giữa hai bên đã leo thang sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu hồi đầu tháng.
Ông nói: “Arab Saudi và Mỹ đã là đồng minh suốt 75 năm. Dĩ nhiên các đồng minh không thể đồng ý với nhau về mọi thứ và không vướng vào bất kỳ rắc rối nào. Nhưng hai nước sẽ giải quyết được bất đồng và tiếp tục là đồng minh”.
Khi bình luận về nguy cơ suy thoái của Mỹ, ông Dimon nói rằng chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp hiện nay vẫn mạnh mẽ, nhưng người Mỹ sẽ cạn kiệt “tiền dư thừa” vào khoảng giữa năm sau.
Ông David Solomon, CEO Goldman Sachs cũng cho rằng rất có thể Mỹ sẽ suy thoái. Ông phát biểu: “Chắc chắn từ giờ các điều kiện kinh tế sẽ thắt chặt đáng kể bởi những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Khi lạm phát đã bám rễ thì sẽ rất khó để chúng ta thoát khỏi nó mà không khiến nền kinh tế chậm lại”. Theo ông thì có lẽ châu Âu lúc này có lẽ đang ở trong suy thoái.
Sửa chữa mạng xã hội, đề cao sự sáng tạo
CEO Schwarzman của Blackstone nhấn mạnh lãi suất gia tăng và “rắc rối trong mối quan hệ giữa các quốc gia” là những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt. Ông cũng xếp mạng xã hội vào danh sách đó.
Ông chỉ ra: “Một trong những điều mà chúng ta hầu như không nhận thức được là chính phủ các nước gặp nhiều khó khăn đến mức nào để hoạt động trong thế giới mạng xã hội. Các sáng kiến để biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn bị cản trở khi phe thiểu số gièm pha những người cố gắng hành động vì lợi ích chung".
Ông Dimon đề xuất các mạng xã hội phải xác thực người dùng như cách ngân hàng đang làm. Biện pháp này sẽ giúp “loại bỏ các bot”.
Bất chấp những mặt trái của mạng xã hội hoặc sự chia rẽ chính trị và kinh tế, những người tham gia hội nghị vẫn lạc quan rằng sức mạnh của sự đổi mới sẽ cải thiện tình hình thế giới.
CEO Solomon của Goldman Sachs nói: “Chúng ta có thể ngồi đây và nói chuyện thỏa thích về những trở ngại tới tăng trưởng, nhưng nền kinh tế đổi mới vẫn tồn tại và tràn đầy sức sống”.
Ông nói thêm rằng các tiến bộ công nghệ trên nhiều mặt – từ máy tính lượng tử tới trí tuệ nhân tạo – “vô cùng mạnh mẽ” và “có khả năng đưa chúng ta tiến lên phía trước”.
Sáng kiến Đầu tư Tương lai của Arab Saudi là hội nghị thường niên bắt đầu được tổ chức vào năm 2017 theo kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Thái tử Mohammed bin Salman. Mục đích của kế hoạch là thu hút đầu tư quốc tế và chấm dứt sự phụ thuộc của nền kinh tế Arab Saudi vào dầu mỏ.