|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao chứng khoán Mỹ liên tục tăng dù công chúng lo âu về nền kinh tế?

10:50 | 26/10/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ đã đi lên ba phiên liên tiếp, bất chấp niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm trong bối cảnh chi phí vay và giá cả tăng cao gây áp lực lên tài chính của các hộ gia đình.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Hai lý do

Người tiêu dùng Mỹ đang lo ngại về việc lạm phát và lãi suất gia tăng. Nhưng Phố Wall thì đang trong tâm trạng ăn mừng.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong ngày 25/10, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Chỉ số Dow Jones vọt lên gần 340 điểm, tương đương 1,1%. Chỉ số bluechip này đã tăng 11% trong tháng 10. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đóng cửa trong sắc xanh, tăng lần lượt 1,6% và 2,3%.

 

Vì sao thị trường chứng khoán Mỹ lại phấn khởi trong khi người tiêu dùng đang lo lắng về giá cả hàng hoá leo thang? Tờ CNN chỉ ra hai lý do chính.

Thứ nhất, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn khá vững vàng. Những công ty biểu tượng của Mỹ như GM, Coca-Cola và UPS đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III mạnh mẽ trong ngày 25/10. Do đó, mặc dù người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể cảm thấy tồi tệ mỗi khi mua sắm và thấy giá cả tăng cao, họ vẫn tiếp tục chi tiêu.

Chừng nào niềm tin của người tiêu dùng chưa lao dốc và lạm phát chưa thực sự làm tổn thương nhu cầu thì lợi nhuận doanh nghiệp và chứng khoán vẫn có thể trụ vững.

Đà tăng của thị trường còn chịu tác động của một yếu tố khác. Những đồn thổi không ngừng về các tin tức kinh tế đáng sợ - chẳng hạn như về sự hạ nhiệt của thị trường nhà đất, nỗi lo lạm phát, địa chính trị và suy thoái – có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ tốc độ tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ thực sự giảm bớt quy mô tăng lãi suất bởi họ sợ rằng việc ngân hàng trung ương Mỹ thắt chặt chính sách quá đà sẽ đẩy nền kinh tế vào cuộc suy thoái kéo dài và nghiêm trọng.

Thị trường luôn nhìn về phía trước

Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong ba cuộc họp chính sách gần nhất, và được cho là sẽ tiếp tục làm vậy tại cuộc họp ngày 2/11. Nhưng không ai có thể dự đoán điều gì sẽ diễn ra sau đó.

Và tuy Phố Wall kỳ vọng dữ liệu GDP công bố ngày 27/10 sẽ cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng trong quý III, các hồi chuông cảnh báo suy thoái vẫn đang được gióng lên.

Thị trường nhà đất đã bắt đầu suy yếu bởi lãi suất tăng mạnh. Tăng trưởng sản xuất chậm lại. Giới CEO lo sợ việc Washington đặt ra thêm các quy định quản lý sẽ làm tổn thương tăng trưởng. Giá năng lượng leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng.

Đó là lý do các nhà đầu tư ấp ủ hy vọng rằng nếu nền kinh tế thể hiện thêm dấu hiệu suy yếu và lạm phát hạ nhiệt đôi chút thì Fed có thể sẽ chỉ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 12. Thậm chí Fed có thể ngừng thắt chặt trong năm 2023 để quan sát tác động của chiến dịch tăng lãi suất lên nền kinh tế.

Một số chuyên gia trên Phố Wall còn đang cược rằng Fed có thể sẽ đổi hướng đi và bắt đầu giảm lãi suất trong năm tới nếu nhận thấy lãi suất đã bị kéo lên quá cao và Mỹ rơi vào suy thoái.

Theo tờ CNN, có vẻ như nhà đầu tư đang đặt cược vào dài hạn. Chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong năm nay dựa trên dự đoán về môi trường lãi suất tăng và nguy cơ nền kinh tế cùng lợi nhuận doanh nghiệp giảm tốc trong năm nay và nửa đầu năm 2023.  

Nhưng nếu ảnh hưởng tồi tệ nhất từ lạm phát và các đợt tăng lãi suất thực sự sẽ kết thúc trước nửa cuối năm sau thì việc Phố Wall đặt cược vào viễn cảnh đó ngay lúc này cũng là điều hợp lý.

Bởi theo câu nói nổi tiếng trên Phố Wall, thị trường luôn hướng về phía trước. Dù người tiêu dùng cảm thấy bất an về môi trường kinh tế ảm đạm hiện tại thì các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào khoảng thời gian tươi sáng hơn vào cuối năm 2023 và 2024.

Giang