|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát thống trị mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Mỹ

10:54 | 25/10/2022
Chia sẻ
Có tới gần 2/3 doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III ở Mỹ nhắc tới lạm phát trong cuộc họp với cổ đông và nhà phân tích.

 

Sản phẩm của Pepsi tại Walmart. (Ảnh: Getty Images). 

Áp lực lớn

Theo CNBC, điều dễ thấy nhất trong giai đoạn đầu của mùa công bố kết quả kinh doanh quý III là lạm phát dường như vẫn là một chủ đề nóng với doanh nghiệp Mỹ.

Trong số các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố lợi nhuận trong hai tuần đầu của mùa báo cáo, hơn 60% có đại diện nhắc tới lạm phát trong cuộc họp cổ đông, theo nghiên cứu của FactSet. Một vài cái tên nổi bật có PepsiCo, Citigroup và Abbott Laboratories.

Ông Ramon Laguarta, CEO PepsiCo, cho hay: “Rõ ràng, môi trường kinh tế hiện tại vẫn còn rất nhiều áp lực lạm phát và vô số thách thức chuỗi cung ứng trên toàn ngành”.

Công ty nước giải khát này đã vượt kỳ vọng của giới phân tích về cả doanh thu lẫn lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Các đợt tăng giá đã giúp công ty củng cố lợi nhuận dẫu doanh số của một số mặt hàng sụt giảm.  

Các dữ liệu kinh tế gần đây không cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự đoán của Dow Jones.

CPI lõi (không tính đến giá năng lượng và thực phẩm) đi lên 0,6%, vượt quá ước tính của Dow Jones là 0,4%. Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường giá bán buôn, cũng tiến thêm 0,4% trong tháng 9. Mức tăng này lớn hơn kỳ vọng của Dow Jones là 0,2%.

Lạm phát cao dai dẳng khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về những mặt hàng đắt tiền bởi sức mua của họ đã bị suy giảm.

Lạm phát cũng làm gia tăng chi phí của những doanh nghiệp như Procter & Gamble (P&G). Báo cáo công bố tuần trước cho thấy tập đoàn hàng tiêu dùng này đã đánh bại kỳ vọng của giới phân tích với cách biệt nhỏ.

Ông Andre Schulten, CFO P&G, cho biết: “Dưới tác động của lạm phát hàng hoá và nguồn cung, chi phí nguyên liệu cũng như đóng gói của chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao kể từ khi tập đoàn phát hành dự báo triển vọng năm 2022 vào cuối tháng 7.

Dựa trên giá giao ngay hiện tại và các hợp đồng mới nhất, chúng tôi ước tính tác động tiêu cực tới lợi nhuận sau thuế cho năm tài chính 2023 vào khoảng 2,4 tỷ USD”.

P&G là một trong số ít các doanh nghiệp đa quốc gia cho biết lạm phát tại nước ngoài ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận tạo ra ở cả trong lẫn ngoài nước Mỹ. Cả tập đoàn tài chính Citigroup và công ty phân phối thiết bị bể bơi Pool đều nói rằng lạm phát ở châu Âu gây tác động tiêu cực đến việc kinh doanh trong quý vừa rồi.

Lạm phát cũng khiến một số công ty khó lấp đầy các vị trí trống hơn. Công ty nhân sự Robert Half cho biết lực lượng lao động vẫn còn eo hẹp. Công ty sản xuất thiết bị sửa chữa Snap-On nói rằng họ tiếp tục phải tăng lương để có nhân công tay nghề cao.

Nhưng công ty vận hành đường sắt Union Pacific thì cho biết nhân lực của đội lái tàu hỏa đã được cải thiện. Công ty vận hành các cơ sở y tế HCA Healthcare thì nói rằng họ không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các nhân viên thời vụ nữa.

Áp lực lạm phát trong năm nay đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gấp rút tăng lãi suất. Fed sẽ tiếp tục kéo lãi suất lên cao ít nhất là hết năm 2022, tờ CNBC cho biết. 

Về mặt tài khóa, chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát vài tháng trước. Nhiều công ty nói rằng đạo luật này rất có thể sẽ giúp ích cho triển vọng tương lai. Những công ty tập trung vào năng lượng xanh sẽ được hưởng lợi từ các điều khoản miễn giảm thuế cho các nguồn năng lượng thay thế trong đạo luật.

Nhà sản xuất xe điện Tesla nói rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán tác động cụ thể của Đạo luật Giảm Lạm phát đến nhu cầu. Nhưng công ty vẫn kỳ vọng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ mà đạo luật cung cấp cho những người tiêu dùng chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. EPS của Tesla vượt kỳ vọng của giới phân tích nhưng doanh thu lại thấp hơn dự đoán.

Áp lực sẽ kéo dài bao lâu?

Khi được hỏi liệu những áp lực trên sẽ kéo dài bao lâu, các giám đốc điều hành đưa ra dự đoán rất khác nhau.

Ông Robert Ford, CEO Abbott đưa ra nhận định hôm 19/10: “Lạm phát vẫn là một thế lực ngoan cố trên toàn cầu. Nhưng một số tác động từ lạm phát đến các lĩnh vực cụ thể của công ty chúng tôi đã bắt đầu suy giảm so với đầu năm”. EPS của Abbot trong quý III cao hơn gần 23% so với kỳ vọng.

Công ty sản xuất Dover cũng đánh giá rằng lạm phát đã đi xuống so với một năm rưỡi trước. Đặc biệt, chi phí liên quan tới nguyên liệu thô và logistics đã giảm bớt. Một số chuyên gia kinh tế cũng có quan điểm tương tự rằng các thước đo lạm phát “mềm” đang giảm xuống nhanh hơn những chỉ báo có độ trễ mà Fed chú ý như CPI.

Ông Richard Tobin, CEO Dover phát biểu hôm 20/10: “Rõ ràng, chúng tôi vẫn đang thận trọng trước những gì có thể sẽ xảy ra trên thị trường. Về cơ bản, tôi không đồng ý với những gì Fed đang làm”.

Nhưng những công ty khác thì không lạc quan như vậy. Công ty nhà bếp Whirlpool và nhà bán lẻ Tractor Supply Company đều dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại cho đến nửa đầu năm 2023 rồi mới hạ nhiệt. Tractor Supply ghi nhận EPS tích cực hơn dự kiến nhưng doanh thu lại gây thất vọng. EPS thực tế của Whirlpool thấp hơn kỳ vọng tới 16%.

Giang