Niềm tin quay trở lại, nhà đầu tư chứng khoán Mỹ chờ cơ hội mua bắt đáy?
Sau những nhận định đáng ngại từ các ông lớn Phố Wall, các nhà đầu tư đều nên chuẩn bị tâm thế rằng thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều hỗn loạn hơn nữa.
Tuy nhiên, các hợp đồng phòng vệ giá (hedging) nhằm giảm thiểu rủi ro nếu thị trường tiếp tục lao dốc đang dần biến mất. Tất cả là nhờ vào cú cắm đầu đã xoá sổ 13.000 tỷ USD giá trị thị trường trong năm nay và khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn tổ chức phải rút lui.
Trên thị trường quyền chọn, chi phí tương đối của các hợp đồng có thể trả cho nhà đầu tư nếu chỉ số S&P 500 giảm thêm 10% đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017. Nhà đầu tư đăng đặt cược rằng giá chứng khoán sẽ đi lên.
Chỉ số Biến động Cboe (VIX) hiện đang ở ngưỡng thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong nhiều năm qua, ngay cả khi các chỉ số chứng khoán chính rơi xuống mức thấp trong thị trường gấu, Bloomberg lưu ý.
Tất cả những diễn biến trên đều có vẻ hơi lạ, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang cố gắng tung ra các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ để khống chế lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng lớn dần.
Song, theo Bloomberg, các nhà đầu tư dường như đã cảm thấy mệt mỏi khi phải liên tục lo sợ. Mức độ rủi ro đối với danh mục đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt không phải là những mối đe doạ mới.
Ông Gary Bradshaw, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Hodges Capital Management, cho hay: “Khi người ta có quá nhiều mối hoài nghi, thì có lẽ mọi thứ không thực sự tồi tệ đến vậy. Hầu hết các rủi ro đều đã được định vào giá cổ phiếu. Những đồn thổi về rủi ro cứ lặp đi lặp lại và nhà đầu tư đang dần chán ngấy với chúng”.
Cảm giác kiệt quệ - một trạng thái giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp nhận tin tốt và bài trừ tin xấu hơn, có thể giúp lý giải tại sao cú lao dốc gần đây của S&P 500 dường như không còn gây nhiều xôn xao nữa.
Trong khi đó, ở một số phiên giao dịch gần đây, các nhà đầu tư dường như đang muốn bắt lấy cơ hội để thu lời lớn khi thị trường chứng khoán bật tăng trở lại, tờ Bloomberg nhận thấy.
Trong những phiên hiếm hoi khi S&P 500 thực sự đi lên trong tháng 10, chỉ số này ghi nhận mức tăng trung bình 2,4% - cao hơn 1,8 lần so với mức giảm trong bình trong tháng. Đây là khoảng chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 10/2019, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Điều đó không đồng nghĩa là các nhà đầu tư đang lạc quan. Chỉ số VIX vẫn đang dao động gần mức 30, cho thấy thị trường vẫn kỳ vọng rằng giá cổ phiếu sẽ biến động mạnh hơn bình thường trong giai đoạn bất ổn này.
Song, với một lượng tiền mặt trữ bên mình, một số nhà đầu tư đang dần tin rằng hầu hết tin tức tiêu cực đều đã qua và các mô hình giao dịch theo mùa có thể sắp trở lại.
Kể từ năm 1990, khoảng thời gian ba tháng bắt đầu từ ngày 10/10 đã giúp chỉ số S&P 500 đạt mức tăng trung vị 7%, dữ liệu của hãng tài chính Bespoke Investment Group cho thấy. Trên cơ sở trung bình động, đó là khoảng thời gian giao dịch ba tháng tốt nhất trong cả năm.
Ông Steve Sosnick - chiến lược gia trưởng tại hãng môi giới Interactive Brokers, cho hay: “Nhà đầu tư nhìn chung nhận định, dù thị trường chưa thấy đáy nhưng chúng ta đang tiến một bước gần hơn tới đó...”
Mặt khác, một cuộc suy thoái toàn diện có thể sẽ đổ bộ vào nền kinh tế Mỹ trong năm tới và Fed nhiều khả năng không thể quay trở về trạng thái ôn hoà nhanh chóng như trong các đợt suy thoái trước đây. Đó là lý do tại sao CIO Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance, khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng.
Ông bày tỏ qua điện thoại với Bloomberg: “Rất nhiều nhà đầu tư muốn mua bắt đáy khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Trước kia, chiến thuật này có hiệu quả nhưng thời thế đã khác...đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua lạm phát trở thành một vấn đề đáng ngại”.