Doanh nghiệp Mỹ báo lãi quý III nhưng không thể vớt vát tâm trạng nhà đầu tư chứng khoán
Tình hình chung không khả quan
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III vừa bắt đầu, tuy nhiên kết quả bước đầu không thể xoa dịu tâm trạng bất an của các nhà đầu tư.
Theo Wall Street Journal, một số lãnh đạo doanh nghiệp quả thực đã bày tỏ hy vọng le lói về sức mạnh của người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại cảnh báo về loạt thách thức tới lợi nhuận, bao gồm lạm phát cao dai dẳng, lãi suất tăng nhanh và đồng USD quá mạnh gây áp lực lên doanh thu ở nước ngoài.
Cho đến nay, số lượng các công ty ghi nhận lợi nhuận vượt dự báo của Phố Wall đang thấp hơn bình thường.
Theo FactSet, khoảng 20% doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 72% trong số này vượt ước tính của các nhà phân tích. Con số này thấp hơn mức trung bình 5 năm là 77%.
Các nhà đầu tư đang phản ứng với cổ phiếu của các doanh nghiệp không thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận quý vừa qua.
FactSet cho biết, cổ phiếu của các công ty thuộc S&P 500 có lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall đã giảm 4,7% từ hai ngày trước khi báo cáo được công bố đến hai ngày sau đó. Mức trung bình 5 năm của thước đo này là 2,2%.
Ngay cả một số kết quả tích cực cũng không thể khiến nhà đầu tư kinh ngạc như bình thường. Ví dụ, Tesla đã vượt dự đoán lợi nhuận của giới chuyên gia, nhưng cổ phiếu của hãng xe điện lại mất 6,7% sau khi Tesla phát hành báo cáo một ngày.
Ông Gene Goldman - CIO tại hãng tư vấn Cetera Investment Management, cho hay: “Trước mùa báo cáo này, các nhà phân tích đã đặt kỳ vọng [thu nhập] cực kỳ thấp. Chúng tôi hy vọng doanh nghiệp có thể dễ dàng vượt dự báo vì mọi thứ đã được điều chỉnh giảm, nhưng cuối cùng kết quả lại còn tệ hơn”.
Theo FactSet, các nhà phân tích đã hạ đáng kể kỳ vọng thu nhập quý III của doanh nghiệp. Đây là mức điều chỉnh giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Hồi cuối tháng 3, họ dự đoán lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 sẽ tăng khoảng 9,5% trong quý III (so với cùng kỳ năm trước). Giờ đây, các chuyên gia nhận mức tăng trưởng chỉ khoảng 1,5%.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng với những thách thức hiện nay, ước tính thu nhập của doanh nghiệp có thể xuống thấp hơn nữa, đặc biệt là trong năm tới. Các nhà phân tích nói lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng khoảng 7% trong năm 2023.
Ông Ken Leon, Giám đốc bộ phận nghiên cứu chứng khoán tại hãng tư vấn CFRA, nhận định: “Có lẽ các nhà phân tích đang quá lạc quan. Họ sẽ phải đánh giá thận trọng và thực tế hơn cho năm 2023”.
Lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống có thể sẽ tác động xấu lên giá cổ phiếu. Theo FactSet, cổ phiếu của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đang giao dịch gấp 15,6 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới.
Con số trên đã giảm so với mức 21 lần vào cuối năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 10 năm là khoảng 17 lần.
“Nếu thu nhập của doanh nghiệp xuống thấp hơn, thật khó để nói rằng thị trường đang được định giá hợp lý”, CIO Leo Grohowski của BNY Mellon Wealth Management, bày tỏ.
Yếu tố vĩ mô được quan tâm
Đợt công bố báo cáo quý III hiện đang được xem như một bài kiểm tra mới cho thị trường chứng khoán vốn đã bầm dập bởi nhiều cú sốc trong năm nay.
Giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng cao cũng khiến nhà đầu tư bớt quan tâm tới các tài sản rủi ro hơn. Chỉ số S&P 500 sắp sửa ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.
Thị trường sẽ căng thẳng hơn bởi tuần này sẽ là cao điểm công bố báo cáo kinh doanh. Các gã khổng lồ công nghệ đang thống trị thị trường chứng khoán Mỹ sẽ công khai lợi nhuận quý III, gồm công ty mẹ của Google - Alphabet, Microsoft, công ty mẹ của Facebook - Meta Platforms và Amazon.com.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu mới nhất về lạm phát và nền kinh tế để biết liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sớm điều chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ hay không.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, cùng với các số liệu sơ bộ cho tổng sản phẩm quốc nội quý III.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 11, nhưng các nhà hoạch định đang cân nhắc một mức tăng nhỏ hơn - có thể là 50 điểm cơ bản vào tháng 12, theo Wall Street Journal.
Việc nhà đầu tư dành nhiều sự quan tâm cho Fed trong mùa công bố báo cáo kinh doanh quý III gợi lại đợt báo cáo quý II cách đây vài tháng. Chứng khoán Mỹ đã tăng 17% trong mùa hè đó, một phần do nhà đầu tư tin rằng lạm phát dã đạt đỉnh và Fed sẽ sớm đảo chiều từ tăng thành giảm lãi suất.
“Trong mùa báo cáo kết quả quý III này, dữ liệu về kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất”, ông Larry Adam - CIO tại ngân hàng đầu tư Raymond James, chia sẻ với Wall Street Journal.
Tín hiệu trái chiều
Tại các buổi công bố kết quả kinh doanh, một số giám đốc điều hành đã đưa ra những kịch bản đầy triển vọng về nền kinh tế Mỹ.
CEO Brian Moynihan của Bank of American cho biết người tiêu dùng vẫn đang chống chịu được lạm phát và lãi suất cao, vẫn chi tiêu cho các khoản mua sắm tuỳ ý như du lịch và giải trí.
CEO Ed Bastian của Delta Air Lines thì cho biết du lịch hàng không vẫn đặc biệt mạnh mẽ. Ông dự kiến nhu cầu đi lại bằng máy bay sẽ tăng cao trong kỳ nghỉ năm mới.
Tuy nhiên, nhiều giám đốc cấp cao trong các lĩnh vực như vận tải biển lại nêu bật lên môi trường kinh doanh khó khăn, tờ Wall Street Journal cho hay.
Ông Kevin Boone, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng và tiếp thị của hãng đường sắt CSX, cho biết trong cuộc họp cổ đông tuần trước: “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn về kinh tế vĩ mô vì Fed vẫn quyết tâm với việc tăng lãi suất và khống chế lạm phát”.
Cho đến nay, nhiều công ty đã có thể chuyển phần chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng. Song, nhà đầu tư băn khoăn liệu họ có thể tiếp tục nâng giá bán trong bao lâu nữa.
Chẳng hạn, Procter & Gamble (P&G) đã đánh bại kỳ vọng của Phố Wall với kết quả kinh doanh quý III, khi giá bán tăng giúp bù đắp khối lượng hàng hoá sụt giảm.
Tuy nhiên, nhà sản xuất bột giặt Tide và kem đánh răng Crest dự báo tăng trưởng doanh thu hữu cơ của tập đoàn sẽ giảm tốc trong phần còn lại của năm tài chính, do sức mua của người tiêu dùng sẽ bị thử thách bởi áp lực kinh tế.
Bà Nancy Tengler - CEO kiêm CIO của hãng tài chính Laffer Tengler Investments, nhận định: “Tại một thời điểm nào đó, sức mạnh định giá của doanh nghiệp sẽ biến mất”.
Cùng lúc, ngày càng nhiều công ty đa quốc gia lên tiếng cảnh báo về đòn tấn công từ thị trường tiền tệ. Đồng USD quá mạnh có thể gây tổn hại cho các công ty Mỹ bán hàng ra nước ngoài bởi sản phẩm của họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong mắt người tiêu dùng quốc tế.
Chỉ số USD Index của Wall Street Journal - đo lường đồng USD so với rổ 16 đồng tiền chính, đã tăng 16% trong năm nay.
International Business Machines (IBM) lưu ý rằng tác động của đồng USD đã thổi bay gần 1,1 tỷ USD doanh thu quý III của tập đoàn này. Song, kết quả của công ty vẫn vượt dự báo doanh thu và lợi nhuận của các nhà phân tích.
“Yếu tố khó lường nhất...chính là chuyện gì sẽ xảy ra với đồng USD”, CFO James Kavanaugh của IBM chia sẻ tại cuộc họp cổ đông hồi giữa tuần trước.