|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một chỉ số kinh tế đang nhấp nháy tín hiệu cảnh báo suy thoái tại Mỹ

08:21 | 26/10/2022
Chia sẻ
Một thước đo có thể báo trước tương lai của nền kinh tế Mỹ đang phát đi tín hiệu cảnh báo về suy thoái, tờ CNBC đưa tin.

Thước đo suy thoái

Trong tháng 9, Leading Economic Index (LEI) - chỉ số giúp báo trước hoạt động của nền kinh tế Mỹ, đã giảm 0,4% so với tháng 8 và mất 2,8% kể từ tháng 3 năm nay, tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board cho hay. Số liệu mới nhất nằm dười ngưỡng mà Conference Board coi là tín hiệu suy thoái.

Chia sẻ với CNBC, ông Ataman Ozyildirim - Giám đốc kinh tế cấp cao của Conference Board, bày tỏ: “Quỹ đạo đi xuống liên tục của chỉ số LEI trong những tháng gần đây cho thấy suy thoái ngày càng có khả năng xảy ra vào cuối năm nay”.

 

Tuy nhiên, tại thời điểm này, một số chuyên gia nói kết quả mới nhất của LEI không hẳn là dấu hiệu cho thấy suy thoái sắp đến. Giáo sư kinh tế Brian Bethune của Đại học Boston nhận định: “Câu hỏi đặt ra là liệu LEI có tiếp tục xấu đi hay không. Theo tôi, đó là một dạng tín hiệu hỗn hợp”.

Các tín hiệu hỗn tạp

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) - cơ quan phi chính phủ có nhiệm vụ xác định các cuộc suy thoái, suy thoái được định nghĩa là sự suy giảm đáng kể hoạt động kinh tế trên diện rộng, kéo dài hơn một vài tháng.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới quả thực đã thu hẹp trong hai quý đầu năm 2022, lần lượt giảm 1,6% và 0,6%. Tuy nhiên, các yếu tố đặc trưng cho suy thoái - chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp lan rộng và lương công nhân sụt mạnh, lại không xảy ra.

Thay đổi “không đáng kể”

Chỉ số LEI được cấu thành từ 10 thước đo như số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp và hiệu suất của chỉ số S&P 500.

Một số thước đo thành phần đang cho thấy sự xuống sức đáng kể, chẳng hạn như chỉ số S&P 500 đã giảm 20,3% trong năm nay (số liệu tính đến ngày 24/10). Song, các thước đo khác lại không có nhiều biến động.

Ví dụ, mặc dù số giờ làm việc trung bình hàng tuần trong lĩnh vực chế tạo có xu hướng giảm mỗi tháng kể từ tháng 2, kết quả của tháng 9 lại không xê dịch nhiều. Con số của tháng 2 là 41,6 giờ, thì của tháng 9 là 41,4 giờ, theo Cục Thống kê Lao động.

Giáo sư Bethune nói: “Giảm nửa giờ làm việc trong tuần là không đáng kể”.

Số lượng đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp - một thước đo khác cho chỉ số LEI, cũng không cho thấy hiện tượng mất việc tràn lan thường đi cùng với suy thoái. Trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, có khoảng 214.000 người đăng ký nhận trợ cấp - giảm so với 226.000 người trong tuần trước đó.

Tuy nhiên, các dữ liệu đều có thể thay đổi, một số chuyên gia lưu ý với CNBC.

 

Thị trường việc làm

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm khống chế lạm phát. Mục đích của Fed là thông qua chu kỳ tăng lãi suất để kéo chi phí đi vay đi lên, đẩy chi tiêu đi xuống, từ đó khiến nhu cầu tiêu dùng chững lại và giảm bớt áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, việc nhu cầu hạ nhiệt cũng có thể khiến thị trường việc làm hoặc thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Cả hai đều gây tổn hại cho các hộ gia đình, tương tự như trong thời kỳ suy thoái.

Song, bất chấp nỗ lực của ngân hàng trung ương Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức thấp (khoảng 3,5%), dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động chỉ ra.

Ông Alessandro Rebucci - phó giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins, cho hay: “Dữ liệu cứng hàng tháng không cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhanh chóng. Có một số người bị mất việc, nhưng đây không phải tình trạng phổ biến”.

“Vùng đất mới”

Tất nhiên, 10 thước đo thành phần của LEI sẽ thay đổi trong tháng tới. Ví dụ, Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng - một thước đo khác và cũng do Conference Board tổng hợp, hiện thấp hơn so với khi LEI được công bố hôm 20/10. Tại thời điểm đó, niềm tin của người tiêu dùng đã tăng trong hai tháng liền.

Nói cách khác, dữ liệu sẽ liên tục thay đổi và không phải tất cả đều đi theo đường thẳng lên hoặc xuống. Điều này khiến các nhà kinh tế khó có thể phán đoán về diễn biến của nền kinh tế.

Ông Rebucci nhận định: “Chúng ta đang bước vào một vùng đất mới và không hiểu hoàn toàn mọi thứ đang diễn ra. Thật khó để hình thành những kỳ vọng chính xác về hướng đi của nền kinh tế”.

Khả Nhân