Điểm sáng của nền kinh tế Mỹ giữa nguy cơ suy thoái
Điểm sáng của nền kinh tế
Trong 12 tháng qua, lĩnh vực sản xuất đã tạo thêm 467.000 việc làm. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sản lượng của các nhà máy trong tháng 9 đã đạt mức cao nhất trong 14 năm. Giới chuyên gia nhận định 2022 là một năm khả quan đối với ngành này.
- TIN LIÊN QUAN
-
Jeff Bezos tin suy thoái đang đến, cảnh báo nhà đầu tư nên 'chuẩn bị sẵn tâm lý' 20/10/2022 - 07:52
Bất chấp dự báo của nhiều nhà kinh tế về nguy cơ suy thoái, các xưởng sản xuất vẫn đặt kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai gần.
10 tháng trước, ông Drew Greenblatt đã mua nhà máy sản xuất dây thép Madsen Steel Wire Products tại Orland, bang Indiana (Mỹ) để cung cấp cho nhiều khách hàng trong đó có các nhà sản xuất ô tô.
Ông Greenblatt nói: “Kể từ khi mua lại, chúng tôi đã nâng số lượng nhân viên từ 33 người lên 53 người và đầu tư vào công nghệ mới cũng như cơ sở hạ tầng nhà máy. Sự tái đầu tư này xuất phát từ việc chúng tôi rất lạc quan về sự phát triển trong tương lai của nhà máy.”
Những tháng gần đây, các nhà sản xuất ô tô đã gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt chất bán dẫn. Song tình hình đã chuyển biến tích cực trong tháng 9, khi sản lượng xe tăng 1%.
Số lao động làm việc trong các nhà máy đã phục hồi về mức trước đại dịch trong tháng 6, sớm hơn hai tháng so với thị trường việc làm nói chung ở Mỹ. Lĩnh vực sản xuất đã tạo thêm 22.000 việc làm trong tháng 9, còn con số của tháng 8 là 27.000.
Trong một tuyên bố vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định: "Sản xuất đang bùng nổ trở lại và ghi nhận đà tăng trưởng việc làm mạnh nhất kể từ những năm 1950".
Tuy nhiên, các nhà máy ở Mỹ vẫn chỉ tuyển dụng khoảng 67% số lao động so với giai đoạn đỉnh điểm năm 1979, khi lượng lao động tại các nhà máy chiếm gần 22% tổng số việc làm trên cả nước. Hiện nay, chưa đến 9% số việc làm tại Mỹ là trong lĩnh vực sản xuất.
Nhà kinh tế Betsey Stevenson của Đại học Michigan nhận định: "Mọi Tổng thống đều muốn thúc đẩy lĩnh vực chế tạo nhưng tương lai của thị trường việc làm là trong lĩnh vực dịch vụ".
Thách thức vẫn còn
Trong nỗ lực mở rộng công suất, lĩnh vực chế tạo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và khan hiếm lao động.
Thiếu hụt chất bán dẫn là một trong những thách thức mà các nhà máy phải đối mặt trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Hiện nay, những khó khăn này đã dịu bớt, song chuỗi cung ứng vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường.
Bà Betty Jane Parrott, người sở hữu công ty cơ khí Milwaukee Metal Products, cho biết bà luôn phải cố gắng duy trì đủ linh kiện trong kho và sẽ không bán linh kiện nếu không có nguồn cung bổ sung. Bên cạnh đó, theo bà Parrott, tuyển dụng lao động lành nghề cũng là một vấn đề khó khăn.
Bà nói: “Nhiều người trong thế hệ Baby Boomer (những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964) với nhiều năm kinh nghiệm đã nghỉ hưu trong giai đoạn dịch COVID-19. Chúng tôi đã tìm kiếm những thợ hàn có trình độ trong suốt một năm, song những người có tay nghề cao rất khó tìm.”
Trong khi một số cơ sở sản xuất đã chuyển ra nước ngoài, các nhà máy tại Mỹ cũng sử dụng nhiều máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất và cần ít nhân công hơn.
Ngày nay, để làm việc trong nhà máy, người lao động cần có nhiều kỹ năng và cách thức xử lý đối với các thiết bị hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, theo số liệu mới từ Fed, sản lượng chế tạo vẫn tăng, song có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa đang chậm lại.
Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Quản lý Nguồn cung cho hay đơn đặt hàng mới của các nhà máy đã giảm trong tháng trước và nhà quản lý trở nên thận trọng hơn trong việc thay thế công nhân khi họ nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.
Trước đà tăng của lãi suất vay thế chấp, doanh số bán nhà giảm, nhu cầu đối với một số hàng hóa như đồ nội thất và thiết bị gia dụng cũng giảm theo. Ngoài ra, sự mạnh lên của đồng USD cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các nhà máy, khi hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nước ngoài.