|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Cử tri mất niềm tin vào máy móc, quay lại với phiếu giấy

14:21 | 19/10/2022
Chia sẻ
Những sai sót về thông tin trực tuyến cùng với cáo buộc gian lận bầu cử của cựu Tổng thống Donald Trump đã làm xói mòn niềm tin của người dân vào độ tin cậy của các cuộc bầu cử tại Mỹ.

Theo khảo sát của ABC/Ipsos, chỉ có khoảng 20% người dân Mỹ tin tưởng vào hệ thống bầu cử. (Ảnh: Reuters)

Xu hướng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để bỏ phiếu đã thay đổi theo thời gian. Kể từ giữa những năm 2000, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu điện tử hoàn toàn không có giấy tờ đã giảm đáng kể tại Mỹ và các nước châu Âu, khi việc sử dụng phiếu giấy là cách an toàn nhất để kiểm tra kết quả bầu cử và phát hiện gian lận.

Tuy nhiên, máy móc vẫn được sử dụng trong quá trình bầu cử, ví dụ như máy quét quang học để đếm kết quả. Trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, các chuyên gia cho rằng hệ thống bỏ phiếu kết hợp với phiếu giấy kiểm tra bằng máy có thể là phương thức khiến cử tri tin tưởng hơn.  

Máy bỏ phiếu điện tử

Mỹ đã đầu tư rất lớn vào các máy bỏ phiếu điện tử sau khi cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2000 làm lung lay niềm tin vào phiếu giấy. 

Đến năm 2006, tỷ lệ cử tri đăng ký sử dụng máy bỏ phiếu không dùng giấy đã tăng lên, song các lá phiếu viết tay sau đó được quét bằng máy tử vẫn là hình thức được nhiều người lựa chọn nhất. Trong thập kỷ tiếp theo (2006-2016), khoảng 33% tổng số phiếu bầu được thực hiện trên các máy ghi nhận trực tiếp. 

Các máy bỏ phiếu điện tử lưu trữ các phiếu bầu trong bộ nhớ. Ông Douglas Jones, Giáo sư khoa học máy tính đã nghỉ hưu của Đại học Iowa, người đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu máy móc phục vụ bầu cử, nhận định việc thiếu hồ sơ giấy tờ cụ thể của máy bỏ phiếu điện tử đồng nghĩa với việc các quan chức phải tin tưởng rằng máy móc không bị trục trặc và không bị tin tặc tấn công.

Theo số liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Verified Voting, với tôn chỉ khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ trong công tác bầu cử, năm 2016, khoảng 22% số cử tri ghi danh đang sống trong khu vực sử dụng máy bầu cử hoàn toàn không có giấy tờ.  

Đến năm 2020, chưa đến 9% số cử tri ghi danh sống trong khu vực sử dụng máy bỏ phiếu điện tử, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi dữ liệu này lần đầu tiên được thống kê vào năm 2006. Số liệu đã cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng về sự can thiệp của nước ngoài vào các cuộc bầu cử và nhu cầu kiểm tra lại cách đếm phiếu. 

Verified Voting dự báo trong cuộc bầu cử giữ nhiệm kỳ vào tháng 11, tỷ lệ cử tri ghi danh sống trong khu vực sử dụng máy bỏ phiếu dự kiến ​​sẽ giảm xuống khoảng 5%.

 

Phiếu giấy

Giống như nhiều quốc gia, Mỹ chủ yếu sử dụng phiếu giấy trong bầu cử. Theo Verified Voting, gần 70% cử tri ghi danh sống trong khu vực sử dụng các lá phiếu viết tay. 

Khoảng 23% cử tri ghi danh sống ở các khu vực pháp lý sử dụng máy đánh phiếu. Phương thức này cho phép cử tri đưa ra lựa chọn điện tử và in ra một phiếu giấy, có thể quét bằng một thiết bị khác.

Theo các chuyên gia, phiếu giấy cho phép cử tri xác minh cách thức bỏ phiếu và các quan chức cũng thuận tiện trong công tác kiểm tra chéo kết quả sau bầu cử.

Trong vài năm, bang Georgia đã sử dụng máy bỏ phiếu không cần giấy tờ. Tuy nhiên, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, bang này đã thay thế máy bỏ phiếu điện tử bằng máy đánh phiếu, theo đó cử tri đưa ra lựa chọn trên máy và sau đó có thể xem lại lựa chọn của mình trên một lá phiếu in sẵn, sau đó được quét và đếm bằng một máy khác.

Nhờ những lá phiếu trên giấy, các quan chức bầu cử ở Georgia có thể kiểm phiếu bằng tay và xác nhận ông Joe Biden thực sự đã giành chiến thắng tại bang này, sau những cáo buộc gian lận mà ông Trump liên tục đưa ra.

Sự phổ biến của phiếu giấy không đồng nghĩa với việc máy móc sẽ biến mất khỏi các điểm bỏ phiếu. Hầu hết các khu vực vẫn sử dụng máy móc để lập biểu đếm cho các lá phiếu.

Ông Trump và những người ủng hộ ông đã cáo buộc về sự gian lận trong việc lập bảng đếm phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Họ thúc đẩy loại bỏ hoàn toàn máy móc và đếm phiếu bằng tay. Song, các quan chức bầu cử cho biết đây là phương án bất khả thi.

Sau nhiều cáo buộc gian lận bầu cử, cuộc khảo sát của ABC/Ipsos vào tháng 1 cho thấy chỉ có khoảng 20% người dân Mỹ tin tưởng vào hệ thống bầu cử.

Trà My