Chứng khoán Mỹ giảm điểm giữa nhiều bất ổn trên thị trường trái phiếu
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 90 điểm, tương đương 0,3%, và dừng ở gần 30.334 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,8% và 0,61%.
Trong phiên 20/10, đã có lúc Dow Jones vọt lên hơn 400 điểm nhưng đà tăng không duy trì được lâu khi lợi suất tăng. Biểu đồ dưới đây cho thấy đây là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ
Theo CNBC, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,239%, cao nhất kể từ năm 2008. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng vượt mốc 4,6%, duy trì tình trạng đảo ngược của đường cong lợi suất.
Mặt bằng lợi suất liên tục đi lên là lực cản lớn đối với thị trường chứng khoán kể từ đầu năm nay trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần nâng lãi suất nhằm cố kiềm chế lạm phát đang ở vùng đỉnh 4 thập kỷ.
Tỷ phú David Einhorn, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Greenlight Capital, viết trong thư gửi nhà đầu tư: “Đường lối chính thức của các cơ quan quan lý hiện nay là làm cho thị trường chứng khoán đi xuống, khiến cho người dân nghèo đi và mua sắm ít hơn, dẫn tới giá cả dừng tăng. Đồng thời, chính sách tài khóa hoàn toàn án binh bất động. Chừng nào những chính sách này còn tiếp diễn thì nhà đầu tư nên kỳ vọng giá cổ phiếu tiếp tục giảm và lạm phát sẽ còn đi lên”.
Kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp giúp hạn chế đà giảm của thị trường. Cổ phiếu AT&T và IBM vọt lên lần lượt 7,7% và 4,7% sau khi hai tập đoàn này thông báo doanh thu và lợi nhuận quý III đều cao hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Cổ phiếu Tesla rớt hơn 6% sau khi đại gia xe điện này thông báo doanh thu quý III thấp hơn dự kiến, đồng thời cảnh báo nguy cơ không hoàn thành mục tiêu số xe bàn giao của cả năm 2022.
Việc lợi suất tăng không ngừng nghỉ là lý do chính khiến nhiều chuyên gia cho rằng thị trường cổ phiếu không thể tăng một cách bền vững, kể cả khi lợi nhuận quý III tích cực hơn kỳ vọng.
CNBC dẫn lời ông Michael Shaoul, CEO công ty quản lý tài sản Marketfield Asset Management, nhận định: “Phán đoán của chúng tôi là lợi nhuận quý III sẽ đủ tích cực để giữ cho thị trường dao động trong một khoảng giao dịch, nhưng không đủ để đẩy các chỉ số quay lại đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 8. Cộng thêm tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ, chúng tôi cho rằng thời gian không đứng về phía thị trường. Chúng tôi lưu ý rằng lợi suất ở Mỹ tiếp tục tăng lên đỉnh mới, giúp cho giá trị USD tăng mạnh so với các loại tiền tệ khác”.
Thực tế trong ngày 20/10, giá trị một USD vượt mốc 150 yen Nhật, cao nhất kể từ tháng 8/1990.
Ông Michael Schumacher, Giám đốc Chiến lược Vĩ mô tại Wells Fargo Securities, nhận định: “Tôi nghĩ mức 4% là hợp lý. 4,22% là con số xa rời thực tế. Chúng ta không cần lợi suất kỳ hạn 10 năm biến động như giá cổ phiếu meme. Tình trạng này không lành mạnh”.
Thị trường tài chính đang dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất quỹ liên bang trong hai cuộc họp tháng 11 và tháng 12 tới đây và lợi suất trái phiếu cũng sẽ tăng theo. Ông Gargi Chaudhuri, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại châu Mỹ của BlackRock’s iShares cho rằng chừng nào lợi suất còn đi lên thì giá cổ phiếu còn sa sút.
Ngày 20/10, hợp đồng tương lai lãi suất quỹ liên bang cho tháng 5/2023 lần đầu tiên vượt mốc 5%, cho thấy các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên tới mức này rồi mới dừng lại. Hiện tại, lãi suất quỹ liên bang đang ở trong khoảng 3 – 3,25%.