‘Kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chỉ là vấn đề thời gian’
Chia sẻ tại một sự kiện do CNBC tổ chức ngày 28/9, tỷ phú Ken Griffin, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Citadel, nói: “Mọi người ai cũng thích dự báo suy thoái, và sẽ có một cuộc suy thoái. Vấn đề chỉ là khi nào sẽ xảy ra và nghiêm trọng đến đâu”.
Theo vị tỷ phú này, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái sớm nhất vào năm 2023. Ông Griffin đánh giá chính sách nâng lãi suất là một “công cụ vụng về” để hạ nhiệt nền kinh tế, nhưng thừa nhận rằng Fed có rất ít sự lựa chọn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Từ tháng 3 đến nay, Fed đã nâng lãi suất 5 lần liên tiếp, trong đó có ba lần thêm 75 điểm cơ bản (bps) liền nhau. Tổng cộng, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất thêm 300 bps trong 6 tháng qua.
Tuy có cái nhìn tăm tối về triển vọng kinh tế Mỹ, ông Griffin cho rằng Fed cần phải kiên trì với chiến dịch thắt chặt tiền tệ. “Chúng ta phải đi tiếp trên con đường đã chọn để đảm bảo rằng chúng ta có thể thiết lập lại kỳ vọng lạm phát”.
Vị tỷ phú nhận định lạm phát tại Mỹ có một phần là do yếu tố tâm lý và Fed không nên để người dân Mỹ nghĩ rằng lạm phát trên 5% là tình trạng bình thường mới.
Ngoài ông Griffin, nhiều tên tuổi khác trong ngành tài chính Mỹ cungx cho rằng nền kinh tế sẽ phải chịu đau để kiểm soát được giá cả. Tuần trước, chính Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng: “Lãi suất lên cao hơn, tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động suy yếu sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng đồng thời sẽ gây ra những đau đớn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp”.
“Đây là những cái giá mà chúng ta không may sẽ phải trả để giảm lạm phát. Nếu thất bại trong việc lập lại sự ổn định của giá cả sẽ còn gây ra những nỗi đau khủng khiếp hơn nhiều”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thêm nhiều chuyên gia cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu 30/09/2022 - 12:38
Cùng ngày 28/9, một tỷ phú đầu tư khác là ông Stanley Druckenmiller còn có cái nhìn tiêu cực hơn: “Chúng ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng”, đồng thời cho rằng ông sẽ “sốc nặng” nếu kinh tế Mỹ không suy thoái vào năm sau.
“Kịch bản trung tâm của chúng tôi là nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng trước khi kết thúc năm 2023”, ông Druckenmiller nói. “Tôi sẽ sốc nặng nếu chúng ta không suy thoái vào năm 2023. Tôi không biết thời điểm chính xác nhưng chắc chắn là trong năm 2023. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đợt suy thoái này nghiêm trọng hơn bình thường”.
Tỷ phú này tin rằng chính sách nới lỏng định lượng hào phóng và lãi suất gần 0 trong một thập kỷ qua đã tạo ra một bong bóng tài sản. “Mọi nhân tố từng tạo ra một thị trường giá lên giờ đây không chỉ đã chấm dứt mà còn đảo chiều hàng loạt. Chúng ta đang gặp vấn đề nghiêm trọng”.
Nhà đầu tư 69 tuổi Druckenmiller cho rằng Fed đã phạm sai lầm lớn khi nhận định lạm phát chỉ là tạm thời và do các yếu tố chuỗi cung ứng và nhu cầu gắn liền với đại dịch.
Việc giá cả tăng phi mã trong một năm qua có một phần nguyên nhân quan trọng là các chính sách tài khóa và tiền tệ dễ dãi mà Mỹ tung ra nhằm giải cứu nền kinh tế.
Theo ông Ken Griffin, hoàn cảnh của Mỹ và châu Âu có điểm khác nhau và châu Âu có thể đang ở trong một cuộc suy thoái rồi vì giá năng lượng quá cao. Ông Griffin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn tại vị đã cố gắng giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.
“Châu Âu tin tưởng Nga trong vai trò nhà cung cấp năng lượng chính”, tỷ phú CEO của quỹ đầu cơ Citadel nói. “Tổng thống Trump nói không với đường ống Nord Stream là vì ông đang cố giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga. Và ông ấy đã đúng”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Báo Trung Quốc nói Mỹ hưởng lợi lớn khi đường ống Nord Stream bị phá hỏng 30/09/2022 - 16:53
Quỹ đầu cơ của ông Griffin nằm trong nhóm có hiệu suất tốt nhất toàn ngành trong năm nay. Quỹ chủ lực Wellington với nhiều chiến lược khác nhau đem về lợi nhuận 28% kể từ đầu 2022 đến cuối tháng 9.
Trái lại, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến hết sức tiêu cực. S&P 500 và Dow Jones đã giảm lần lượt 24,8% và 20,9% so với đầu năm, Nasdaq còn sụt sâu hơn khi mất 32,4% trong 9 tháng qua.
Riêng trong tháng 9, S&P 500 và Dow Jones lao dốc lần lượt 9,3% và 8,8%, cùng đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 khi COVID-19 mới đổ bộ vào Mỹ. Nasdaq sụt 10,5% do cổ phiếu công nghệ cắm đầu khi lợi suất trái phiếu lên cao.
Tính cả quý III, S&P 500 giảm 5,3%, Nasdaq và Dow Jones đi xuống lần lượt 4,1% và 6,7%. Đây là quý sa sút thứ 3 liên tiếp của cả ba chỉ số này.