|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ rơi rụng là bằng chứng cho thành công của Fed

11:00 | 01/11/2022
Chia sẻ
Gần 25% doanh nghiệp Mỹ đã công bố kết quả kinh doanh quý III không đáp ứng được kỳ vọng của giới phân tích. Chuyên gia cho rằng tin xấu đối với lợi nhuận của một số công ty lớn nhất nước Mỹ là điều cần thiết cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Andrew Harrer). 

Tốt hay dở?

Tuần trước, Alphabet - công ty mẹ của Google, nói với các nhà đầu tư rằng nhu cầu dành cho quảng cáo đã bắt đầu suy yếu. Trong hai năm qua, quảng cáo đã góp phần giúp doanh thu Alphabet tăng 50%. Vậy đây là tin tốt hay xấu? Chưa bao giờ cuộc tranh luận này lại có ý nghĩa to lớn đến vậy đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.

Rõ ràng nhu cầu quảng cáo giảm sút là tin xấu với các cổ đông Alphabet, đặc biệt là khi họ phải chứng kiến 70 tỷ USD vốn hóa doanh nghiệp bị xóa sổ trong nháy mắt. Phần đông các nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ đều thua lỗ trong tuần trước. Chỉ số Nasdaq 100 sụt 2,3% chỉ trong phiên 26/10.

Và thông tin từ Google rõ ràng không giúp ích cho những ai muốn nuôi hy vọng rằng nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái, bởi thị trường quảng cáo là chỉ báo nổi tiếng cho tương lai.  

Nhưng không phải ai cũng là cổ đông của các công ty công nghệ. Nhiều người khác đang lo ngại rằng lạm phát sẽ tồn tại dai dẳng bất chấp các biện pháp của chính phủ. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và là người quyết tâm làm mọi thứ có thể để dập tắt cơn lốc giá cả, là một trong số đó.

Đối với Fed, tin dữ về doanh nghiệp có thể sẽ trở thành tin tốt, bởi chúng là tín hiệu cho thấy nhu cầu đang hạ nhiệt, và cuối cùng sẽ có lợi cho sự ổn định kinh tế cũng như cho cả thị trường.

Ông Art Hogan, Giám đốc đầu tư tại công ty tài chính B. Riley, nói với Bloomberg: “Không ai muốn sống trong một thế giới mà hung tin lại hóa tin lành, nhưng tin dữ mà chúng ta vừa nhận được về một số công ty lớn nhất theo vốn hoá trong S&P 500 là điều cần thiết. Chúng ta phải thấy rằng mọi thứ đang chậm lại – phải tin rằng các đợt tăng lãi suất của Fed đang phát huy tác dụng”.

 

Giới đầu tư luôn thích những báo cáo tài chính đẹp đẽ. Nhưng cỗ máy kiếm tiền của giới doanh nghiệp Mỹ lại là một trong những thủ phạm chính thúc đẩy sự bùng nổ của lạm phát trong thời gian qua.

Nghiên cứu của ông Josh Bivens, Giám đốc cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế, phát hiện rằng biên lợi nhuận dày lên của doanh nghiệp là yếu tố tạo ra hơn một nửa mức tăng của lạm phát trong năm 2021.

Trong khi đó, chi phí lao động gia tăng chiếm chưa đến 8%. Ngược lại, trong giai đoạn 1979-2019, tác động của chi phí lao động đến lạm phát lớn hơn hẳn biên lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều trong năm 2022 là thị trường chứng khoán và nhà đầu tư cũng nên cảm nhận một phần nỗi đau của thế giới.

Chiến dịch chống lạm phát của Fed đang đe dọa nền kinh tế, các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đang đẩy thị trường năng lượng vào cảnh náo loạn. Trong bối cảnh này, ít ai nghĩ các quan chức cần thấy xót thương khi chứng khoán bị đẩy vào thế kẹt. 

Nhiều người cũng có thái độ thờ ơ tương tự đối với sự suy yếu của một trụ cột từng chống đỡ cho giá cổ phiếu - lợi nhuận doanh nghiệp. Dữ liệu Wells Fargo tổng hợp cho thấy gần 25% doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III không đáp ứng được kỳ vọng của giới phân tích – mức cao trong lịch sử.

Ngay cả các ước tính của giới chuyên gia cũng cho thấy tâm lý bi quan. Chỉ 5 tháng trước, lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp Mỹ được dự báo sẽ tăng 9,7%. Ước tính mới được đưa ra hai tuần trước là 2,5%.

 

Chứng khoán tăng điểm

Nhà đầu tư đang trừng phạt các công ty không đáp ứng được kỳ vọng của họ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Trung bình cổ phiếu của những công ty đó đã sụt hơn 4% - mức giảm lớn nhất trong một thập kỷ đối với những công ty báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng. 

Nhưng nhìn từ khía cạnh khác, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ có thể cho thấy rằng phần đông các nhà đầu tư không nghĩ sự sa sút của lợi nhuận doanh nghiệp là điềm xấu.

Lợi suất trái phiếu đã đi xuống 5 ngày liên tục. Một trong những ngày trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm mạnh nhất diễn ra cùng ngày Amazon công bố kết quả kinh doanh. Tính chung trong tuần vừa rồi, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và phiên bản có trọng số bình quân của chỉ số S&P 500 đều tăng mạnh.

 

Ông John Stoltzfus, Giám đốc đầu tư tại ngân hàng Oppenheimer & Co bình luận: “Lợi nhuận doanh nghiệp sa sút có thể là điều khó chịu, nhưng thực tế là một số người coi đó là điều cần thiết. Fed muốn nền kinh tế chậm lại và đó là lý do thị trường đi lên thay vì đi xuống”.

Microsoft báo cáo tăng trưởng doanh thu hàng quý thấp nhất trong 5 năm trở lại, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sức mạnh của đồng USD.

Alphabet cho biết tăng trưởng doanh thu của công ty con Google bị lạm phát ngáng trở. Amazon dự kiến doanh thu trong mùa nghỉ lễ năm nay – tức quý IV – sẽ yếu hơn thông thường bởi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn.

Cổ phiếu Texas Instruments, nhà sản xuất những con chip dùng trong đủ loại thiết bị từ đồ gia dụng cho đến tên lửa, sụt giảm sau khi công ty đưa ra dự báo thấp hơn ước tính của giới phân tích. Các dự báo của Texas Instruments thường được coi là chỉ báo cho nhu cầu trong toàn nền kinh tế.

Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, tin xấu không bao giờ là điều tốt. Nhưng ông Anthony Saglimbene, chuyên gia thị trường toàn cầu của Ameriprise nói rằng theo góc độ kinh tế, tin xấu có thể mang ý nghĩa tích cực hơn bởi nó cho thấy Fed đang tạo ra được tác động hạ nhiệt lên nền kinh tế.

Ông nói với tờ Bloomberg: “Các doanh nghiệp S&P 500 sẽ muốn tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể. Hoạt động kinh tế càng chậm lại, họ càng khó làm được điều này”. 

Giang