|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế giới đột ngột chuyển từ thiếu hụt tới dư thừa chip bán dẫn

11:17 | 31/10/2022
Chia sẻ
Nhu cầu sụt giảm và các lệnh trừng phạt đã khiến nguồn cung chip bán dẫn vượt quá nhu cầu. Các doanh nghiệp bán dẫn đang gặp khó khăn trong việc quyết định liệu có nên tăng sản lượng hay không.

Theo New York Times, chỉ vài tháng trước, dường như những nhà sản xuất chip bán dẫn đang đứng trên đỉnh thế giới. Nhu cầu cao và sự phụ thuộc lớn vào các nhà sản xuất nước ngoài khiến lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ thông qua gói trợ cấp trị giá 52 tỷ USD và tháng 7. 

Các công ty như Intel, Micron, Texas Instruments và GlobalFoundries đều cam kết mở rộng quy mô sản xuất tại Mỹ, đặt cược vào nhu cầu ngày một gia tăng và các khoản trợ cấp liên bang.

Nhưng gần đây, hàng tồn kho của một số loại chip bán dẫn đang tăng lên. Các kế hoạch đầu tư táo bạo đang đối mặt với tình trạng suy giảm đột ngột của nhu cầu, hạn chế xuất khẩu tới Trung Quốc, lạm phát gia tăng và viễn cảnh thiếu hụt một số loạt chip và dư thừa số khác.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện đang phải trả lời câu hỏi liệu có nên tăng sản lượng, trong bối cảnh không rõ sự sụt giảm doanh số sẽ kéo dài trong bao lâu.

“6 tháng trước, tôi nói rằng chúng tôi đang trong giai đoạn tăng trưởng siêu tốc”, ông Rene Haas, Giám đốc điều hành của ARM cho biết. Giờ đây, “chúng tôi đang tạm ngừng”.

 

Nhu cầu điện thoại, máy tính giảm

Caixin Global trích dẫn ước tính của Strategy Analytics cho biết: Các lô hàng điện thoại thông minh 5G toàn cầu sẽ giảm khoảng 150 triệu chiếc vào năm 2022 và nhu cầu về chip điện thoại 5G sẽ giảm 100 triệu đến 120 triệu chiếc.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang kẹt lại với hàng tồn kho cao tới 200 triệu chiếc vào cuối tháng 6, theo ước tính của Strategy Analytics. Nhiều nhà sản xuất đã chuẩn bị hàng tồn kho đủ dùng cho 6 tháng dựa trên kỳ vọng lạc quan từ năm 2021, ông Xie Ruifeng, nhà phân tích tại ICwise nói.

Ông Sravan Kundojjala, Phó Giám đốc dịch vụ công nghệ linh kiện điện thoại thông minh tại Strategy Analytics, cho biết các nhà sản xuất điện thoại đã tích trữ linh kiện sau khi gặp tình trạng thiếu chip, với lượng tồn kho tập trung ở chip 5G tầm trung và tầm thấp.

Những nhà sản xuất này cũng đã tích lũy một lượng lớn các linh kiện như chip tần số vô tuyến (RFID). Ông Sravan dự đoán rằng tình trạng nguồn cung dư thừa có thể kéo dài đến giữa năm 2023. 

Nhu cầu về chip trong điện thoại thông minh và máy tính cá nhân (PC) chiếm hơn một nửa năng suất của các xưởng đúc (foundry) trên toàn cầu. Hiện tại, nguồn cung chip ô tô vẫn đang thiếu hụt. Lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 10% tổng thị trường. Một nhà phân tích cho biết điện thoại thông minh và PC có tác động quyết định đến ngành công nghiệp bán dẫn.

Tập đoàn tư vấn Gartner ước tính tổng lượng PC xuất xưởng trên toàn thế giới đạt 72 triệu chiếc trong quý II/2022, đánh dấu sự sụt giảm mạnh nhất trong gần 9 năm, mất đi 13% so với cùng kỳ năm trước. Các ước tính sơ bộ cho thấy trong quý III/2022, mức độ sụt giảm còn nghiêm trọng hơn.

Theo ước tình sơ bộ của Gartner, trong quý III/2022, ngành bán lẻ PC sẽ có doanh số sụt giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng yếu

TSMC, công ty đúc chip hàng đầu thế giới, đang đối mặt với việc giảm đơn hàng từ 4 khách hàng lớn nhất của mình. JPMorgan Chase cho biết trong một báo cáo vào đầu tháng 9 rằng AMD, Nvidia, Qualcomm và MediaTek đã cắt giảm đơn đặt hàng chip với TSMC.

TSMC đã báo cáo mức tăng lợi nhuận kỷ lục trong quý III/2022. Hãng sản xuất này cũng đồng thời cảnh báo về sự sụt giảm có thể xảy ra với ngành bán dẫn vào năm 2023, và cắt giảm dự báo chi phí tài sản cố định 10% vào năm 2022. 

Các doanh nghiệp bán dẫn khác cũng đang đối mặt những điều kiện khó khăn. AMD hạ dự báo doanh thu quý III, với lý do thị trường PC suy yếu, Intel, Nvidia và Micron đều đưa ra triển vọng không mấy lạc quan.

Trong báo cáo quý III/2022 vừa công bố, Intel cho biết doanh thu đã giảm 20% và công ty phải trả 664 triệu USD nhằm hạ chi phí, bao gồm cả việc sa thải nhân viên.

Doanh thu của Intel đã sụt giảm mạnh trong hai quý liên tiếp.

Nvidia, hãng sản xuất chip đồ họa hàng đầu cho các ứng dụng như trò chơi điện tử và AI - cũng đã chứng kiến doanh số suy yếu. Công ty này ước tính rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến doanh thu trong quý hiện tại giảm 400 triệu USD.

SK Hynix của Hàn Quốc hôm 26/10 đã báo cáo doanh thu giảm 20% và cho biết hoạt động kinh doanh chip nhớ “đang đối mặt với tình trạng thị trường xấu đi chưa từng có”.

Các biện pháp trừng phạt có thể còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với các công ty bán thiết bị sản xuất chip, vốn chủ yếu dựa vào doanh số bán hàng cho nhà máy ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Lam Research, công ty sản xuất công cụ khắc silicon để làm chip, ước tính rằng các lệnh trừng phạt lên Trung Quốc sẽ làm giảm doanh thu năm 2023 từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ USD. Ông Doug Bettinger, Giám đốc tài chính của Lam Research, cho biết: “Chúng tôi đã mất đi một số khách hàng mang lại rất nhiều lợi nhuận tại Trung Quốc, và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài”.

Applied Materials, nhà sản xuất công cụ chế tạo chip lớn nhất, cũng cho biết doanh số bán hàng sẽ bị ảnh hưởng do các hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Hôm 26/10, KLA, một nhà sản xuất công cụ khác, cho biết doanh thu trong năm tới có thể sẽ giảm từ 600 triệu đến 900 triệu USD.

Để giảm lượng hàng tồn kho, một số hãng chip đã bắt đầu giảm giá. Sau khi bị Samsung hủy đơn đặt hàng, UNISOC có thể hạ giá bán từ 20% đến 30% trong nửa cuối năm. Ví dụ, một chip UNISOC 4G được bán với giá gần 17 USD vào năm ngoái hiện có giá khoảng 9 USD.

Theo ước tính của Isaiah Research, Qualcomm sẽ hạ giá thế hệ chip điện thoại di động 5G tầm trung mới từ 10% đến 15% trong nửa cuối năm. MediaTek dự kiến cũng sẽ có mức giảm giá tương tự đối với một số chip 5G.

Sẽ tới lúc cần đến

Thị trường đang lo ngại rằng các nhà máy được xây dựng trong bối cảnh thiếu hụt chip lịch sử kể từ nửa cuối năm 2020 sẽ dần đi vào hoạt động vào cuối 2022. Ngành công nghiệp chip toàn cầu có thể sẽ bước vào thời kỳ dư thừa công suất liên tục.

Vào tháng 9, Tổng thống Joe Biden đã tới Ohio để dự lễ động thổ nhà máy 20 tỷ USD của Intel. Hôm 27/10, ông Biden đến Syracuse, New York, nơi Micron cam kết sẽ chi 100 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để xây dựng một khu phức hợp sản xuất chip nhớ. Ông gọi dự án này là "một trong những khoản đầu từ quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Hôm 27/10, Tổng thống Joe Biden đến thăm Syracuse, New York, nơi Micron dự định xây dựng nhà máy. (Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters).

Các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết ngành bán dẫn sẽ cần đến những nhà máy này vào một lúc nào đó. Nhưng hiện nay, ngành bán dẫn đang đối mặt với sự giảm đột ngột và mạnh mẽ của nhu cầu chip.

Mircon đã hạ gần 50% chi tiêu cho nhà máy và trang thiết bị của năm tài chính này. Các nhà sản xuất chip thường đưa ra các kế hoạch khác nhau. Do nhà máy sẽ cần ba năm để để hoàn thiện, xây dựng chậm trễ có thể khiến các doanh nghiệp thiếu năng lực sản xuất khi doanh số phục hồi.

"Triển vọng dài hạn với bộ nhớ và lưu trữ vẫn mạnh mẽ", ông Mark Murphy, Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc tài chính của Micron nói. Sự cắt giảm chi phí tài sản cố định trong ngắn hạn là phản ứng cần thiết để "đưa cung về phù hợp nhu cầu".

Tình hình của Intel còn phức tạp hơn. Công ty này có kế hoạch mở rộng nhà máy tại Arizona, Oregon, New Mexico, Ireland và Israel, cũng như mở nhà máy mới tại Ohio và Đức.

Intel cũng đặt mục tiêu cạnh tranh với TSMC trong lĩnh vực gia công và tự đúc chip. Intel dự kiến sẽ xây dựng nhà máy và không vội vàng mua sắm trang thiết bị tốn kém.

Theo ông Dale Gai, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research, nhu cầu đĩa bán dẫn (wafer) vào năm 2023 dự kiến sẽ không đổi hoặc giảm nhẹ, trong khi công suất dự kiến sẽ tăng khoảng 7%.

Ông Gai cho biết nhu cầu về chip điện thoại thông minh tiên tiến tiếp tục mở rộng, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của các thương hiệu cao cấp bao gồm cả iPhone. Nhu cầu toàn ngành có thể chạm đáy vào năm 2024.

Minh Quang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.