Căng thẳng cuộc chiến ngành bán dẫn: Công ty chip Trung Quốc ngừng sử dụng lao động Mỹ sau các quy định mới
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc là Naura Technology Group đã yêu cầu các nhân viên Mỹ đang làm việc trong công ty của họ ở Trung Quốc ngừng tham gia phát triển linh kiện và máy móc để tuân thủ các hạn chế mà phía Washington đưa ra với sự tham gia của công dân Mỹ vào các cơ sở sản xuất bán dẫn quan trọng ở Trung Quốc đại lục, theo các nguồn tin thân cận với Naura Technology Group.
Nguồn tin trên cũng cho biết thêm rằng trong một thông báo nội bộ, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đã yêu cầu các kỹ sư người Mỹ của họ ngừng làm việc với các dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty.
Thông báo được đưa ra sau khi Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ công bố quy định về viêc hạn chế “khả năng tiếp cận của công dân Mỹ trong việc hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất” chip tại một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn đặt tại Trung Quốc mà không có giấy phép.
Công ty Naura Technology Group được niêm yết tại Thâm hiện tại chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này. Những lao động người Mỹ đang làm việc tại công ty này cũng chưa trả lời các bình luận.
Hạn chế mới nhất đối với sự tham gia của công dân Mỹ vào công cuộc phát triển các sản phẩm trong ngành chip ở Trung Quốc là một phần của quy định lớn hơn do chính phủ Mỹ ban hành, bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và rộng rãi, nhằm làm chậm lại ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ đang rút nhân viên người Mỹ của họ khỏi các cơ sở sản xuất ngành bán dẫn tại Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của nước này là Yangtze Memory Technologies, theo các nguồn tin được tờ The Wall Street Journal tổng hợp.
Đầu tuần này, đại diện của Naura cho biết trong một hồ sơ trên thị trường chứng khoán rằng công ty con của họ, Beijing Naura Magnetoelectric Technology, là một trong những đơn vị nằm trong danh sách chưa được xác minh của Bộ Thương mại Mỹ.
Phía Naura Technology đã hạ thấp hành động của phía Mỹ khi nói rằng công ty con của họ chỉ chiếm 0,5% tổng doanh thu hàng năm. Giá cổ phiếu của Naura đã giảm khoảng 20% trong tuần này.
Quyết định của chính phủ Mỹ áp dụng với tất cả cá nhân người Mỹ. Đây là một phần trong các lệnh trừng phạt thương mại nhằm mục đích chống lại Trung Quốc, qua đó đánh dấu sự căng thẳng leo thang so với các biện pháp trước đó, vốn chỉ bao gồm lệnh cấm vận hàng hóa và công nghệ.
Quyết định mới nhất này cũng đang gây ra làn sóng chấn động khắp ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, nơi nhiều doanh nhân, giám đốc điều hành cấp cao và nhà khoa học là công dân Mỹ.
Một đánh giá về hồ sơ C-suite được công bố bởi các công ty chip Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn chứng khoán cho thấy nhiều cái tên nổi tiếng trong ngành bán dẫn của Trung Quốc có quốc tịch Mỹ, và hầu hết trong số họ là công dân nhập tịch sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã học tại các trường đại học của Mỹ hoặc làm việc trong ngành công nghiệp chip của Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, không có công ty Trung Quốc nào công bố số lượng hoặc tỷ lệ nhân viên Mỹ trong bảng lương của họ. Theo tiết lộ từ phía Naura, tất cả Giám đốc điều hành cấp cao của công ty đều là công dân Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, hiện chưa rõ có bao nhiêu nhân viên mang quốc tịch Mỹ đang làm việc tại Naura, nơi chuyên sản xuất máy lắng đọng hơi hóa chất, một công đoạn cần thiết trong sản xuất chip liên quan đến việc lắng các màng mỏng lên các tấm silicon.
Mỹ liên tục đưa ra các hạn chế với ngành chip Trung Quốc
Trước đó, vào tháng 8, phía Washington đã dự tính lệnh cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho các xưởng đúc chip NAND flash tiên tiến của Trung Quốc, điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên phân khúc ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của Trung Quốc bị chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu.
Tới tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ dự định công bố các quy định mới dựa trên những hạn chế được thông báo trong một bức thư đầu năm nay gửi đến ba doanh nghiệp, gồm KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc.
Các quy tắc mới cũng sẽ hệ thống hóa những hạn chế trong các lá thư của Bộ Thương mại gửi tới Nvidia Corp và Advanced Micro Devices (AMD) vào tháng trước, yêu cầu hai ông lớn này tạm dừng vận chuyển một số chip AI đến Trung Quốc, trừ khi họ có giấy phép.
Hành động thành lập bộ quy tắc mới được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách ngăn cản những bước tiến của Trung Quốc trên thị trường bán dẫn toàn cầu.
Jim Lewis, một chuyên gia công nghệ tại Center for Strategic and International Studies cho biết: "Chiến lược hiện tại là “bóp nghẹt” Trung Quốc, và Mỹ phát hiện ra rằng chip có thể giúp họ làm được điều đó. Trung Quốc không thể tạo ra thứ này, họ không thể sản xuất trang thiết bị”.