Nút thắt trong tham vọng tự chủ ngành bán dẫn của Trung Quốc
Theo một Giám đốc điều hành của một cơ quan giáo dục tại Trung Quốc, lĩnh vực bán dẫn của quốc gia này, một ngành chiến lược mà Bắc Kinh muốn giảm bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đang phải đối mặt với một thách thức: Thiếu nhân tài.
Chen Ying, một đối tác của Huike Edutech, đơn vị chuyên giúp sinh viên đại học kết nối với các ngành công nghiệp như sản xuất chip, nói với tờ South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn rằng chỉ có một số ít sinh viên muốn cống hiến hết mình cho lĩnh vực bán dẫn.
“Học sinh, sinh viên ngày này có cái nhìn tương đối thức tế. Họ có thể cảm thấy công việc trong ngành bán dẫn là rất vất vả và không được trả lương cao", ông Chen Ying cho biết.
Năm 2020, Huike thành lập liên doanh với Empyrean Technology, công ty hàng đầu Trung Quốc về phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) được sử dụng trong thiết kế chip, để đào tạo nhân tài trong tương lai và Chen Ying nhìn thấy rất nhiều việc cần làm ở phía trước.
Ông Chen cho biết: “Vẫn còn khoảng cách về vi mạch tích hợp [chuyên môn] giữa Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Khoảng cách có thể rộng tới một hoặc hai thế hệ, khi nói đến phần mềm và sản xuất EDA. Chúng tôi muốn sử dụng chuyên môn của mình để giúp tạo ra sự khác biệt”.
Lãnh đạo Huike nói thêm rằng các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vẫn phổ biến hơn với sinh viên so với các khóa học về chất bán dẫn vì những lĩnh vực này hiện đang mang lại triển vọng nghề nghiệp tốt và rõ ràng hơn.
Nhận định của ông Chen được củng cố bởi nghiên cứu trước đó. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) dự đoán rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khoảng cách nhân tài lên tới 200.000 người trong giai đoạn 2022-2023 khi nhu cầu nhân tài trong toàn ngành tăng lên 760.000 người.
Theo báo cáo của CSIA, vào năm 2020, đã có khoảng 210.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành vi mạch tích hợp (IC) hoặc các lĩnh vực liên quan ở Trung Quốc, nhưng chỉ có 13,8% trong số này chọn làm việc đúng chuyên ngành sau khi ra trường.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với phương Tây, Bắc Kinh đã gắn chặt chất bán dẫn, công nghệ đóng vai trò thiết yếu trong mọi thứ, từ ô tô đến máy tính và tên lửa, như một lĩnh vực chiến lược đòi hỏi đầu tư lâu dài vào giáo dục và kỹ năng.
Vào năm 2016, một chỉ dẫn chung của Bộ Giáo dục và 6 cơ quan khác đã đề xuất rằng các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp hợp tác với nhau về các khóa học liên quan tới vi mạch trực tuyến và cung cấp nhiều cơ hội thực tập hơn cho sinh viên.
Năm 2019, Bộ Giáo dục cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cam kết xây dựng IC thành một khóa học cấp bằng đầu tiên. Vào năm 2021, IC đã được nâng lên thành “ngành học cấp một”, trong đó sinh viên tốt nghiệp có thể theo học tiến sĩ.
Năm ngoái, ít nhất 12 trường đại học Trung Quốc đã thành lập một “trường vi mạch” chuyên dụng, trong đó có hai trường hàng đầu là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (PKU).
Một sinh viên đại học từ PKU’s School of Integrated Circuits nhận định rằng việc giảng dạy các khóa học về IC còn thua xa so với công nghệ tiên tiến nhất trong thế giới thực. “Lấy ví dụ về khóa học “Công nghệ sản xuất vi mạch”, kiến thức được giảng dạy trên lớp chậm hơn 15 hoặc 20 năm so với thực tế”, sinh viên này cho biết.
“Tôi vẫn muốn trở thành một kỹ sư thiết kế chip. Bằng đại học cơ bản về IC sẽ đưa tôi đến với một công việc công nghệ thấp hoặc có thu nhập thấp”, người sinh viên này nói thêm và chỉ ra rằng cần phải học thêm bằng tiến sĩ nếu muốn có một công việc tốt hơn.
Người lao động không có bằng cấp vẫn có thể làm việc trong ngành chip
Thực tế không phải mọi công việc trong ngành chip đều yêu cầu trình độ học vấn cao. Báo cáo của CSIA cho biết vào năm 2020, số lượng các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm tra chip lần lượt là 199.600, 181.200 và 160.200 người. Điều đó có nghĩa là các công việc sản xuất cấp thấp hơn cũng như đóng gói & kiểm tra chiếm 63% số việc làm.
Tỷ lệ đó phù hợp với mô hình việc làm tại Semiconductor Manufacturing International Corp, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Vào cuối năm 2019, 47,7% lực lượng lao động của họ không có bằng cử nhân trở lên, theo bản cáo bạch của công ty.
Li Pei, một nhà phân tích của JW Insights cho biết: “Hầu hết lao động trong lĩnh vực vi mạch là công nhân không thiết kế chip. Vì thiết kế chip đã thu hút được nhiều quỹ trong những năm gần đây, nên việc trả lương đã trở nên cạnh tranh hơn”.
Chuyên gia Li nói thêm rằng khi hợp tác trong ngành với các viện giáo dục, những doanh nghiệp bán dẫn có xu hướng liên kết với các trường đại học danh tiếng để đào tạo nhân tài, và kết quả là “các trường cao đẳng nghề không nhận đủ nguồn lực”.