CEO Tập đoàn Hana Micron: 'Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ cao'

Diễn đàn đầu tư Việt Nam tại Hàn Quốc. (Nguồn: NIC)
Ngày 20/2 tại, Seoul, Hàn Quốc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức “Diễn đàn đầu tư Việt Nam” nhằm thúc đẩy hợp tác và đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao của Việt Nam.
Đây là Diễn đàn chuyên đề bán dẫn dành cho Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc, trong bối cảnh hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện (2022), Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết kế, nhân lực và hậu kiểm.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Lee Dong-Chul, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hana Micron (chuyên về sản xuất chất bán dẫn và đóng gói chip Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 930,5 triệu USD vào Việt Nam để thúc đẩy hoạt động đóng gói chip) nhìn nhận Việt Nam đang là một môi trường đầu tư năng động với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ, hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý.
"Đây là những lý do khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ cao", ông Lee Dong-Chul nêu rõ.
Về phía Việt Nam, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, năm 2024 đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Nghị định 182 ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ Đầu tư đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây không chỉ là động lực quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Với lợi thế về thị trường tiềm năng, nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách hỗ trợ hấp dẫn, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn công nghệ lớn mở rộng sản xuất và đầu tư.
Trong năm 2025, NIC tiếp tục phối hợp cùng các đối tác tiềm năng để triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp, quảng bá tiềm năng của Việt Nam tới các đối tác quốc tế. Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đây chính là thời điểm vàng để các “đại bàng” công nghệ chọn Việt Nam làm điểm đến chiến lược.
"Việt Nam đã chủ động xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước và tạo hành lang pháp lý thuận lợi để chào đón các doanh nghiệp toàn cầu hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”, ông Võ Xuân Hoài khẳng định.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, cũng diễn ra Triển lãm SEMICON Korea 2025 là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng trong ngành bán dẫn, khẳng định cam kết phát triển lĩnh vực công nghệ cao và tăng cường hợp tác quốc tế. Với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức nghiên cứu, sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 38,23 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng gần 9,4% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 25,58 tỷ USD, chiếm gần 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn với đầy đủ các công đoạn trong chuỗi giá trị, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực chính gồm thiết kế chip bán dẫn; và đóng gói, lắp ráp và kiểm thử chip bán dẫn thuê ngoài (OSAT).
Công đoạn thiết kế bao gồm khoảng 40 doanh nghiệp, đa số đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc như Qorvo, Renesas, Microchip NVIDIA, Synopsys, Marvell,... Công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói bán dẫn đã thu hút được một số Tập đoàn hàng đầu thế giới với các dự án đầu tư lớn như Intel (4,1 tỷ USD), Amkor (1,6 tỷ USD), Hana Micron (673 triệu USD), Hayward Quatz Technology (110 triệu USD).