Các 'ông lớn' Nhật Bản sang Việt Nam tìm nhân tài bán dẫn
Từ 19 - 20/1, Đoàn công tác "Tổ hợp liên danh phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Kyushu” của Nhật Bản đã sang làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và FPT Semiconductor.
Đoàn bán dẫn Kyushu sang Việt Nam lần này bao gồm đại diện chính quyền, các doanh nghiệp lớn, viện trường như Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu, Tera Probe, Nisso, World Intec, Viện Công nghệ Fukuoka, Viện Công nghệ Quốc gia (KOSEN), Hiệp hội Bán dẫn và Đổi mới kỹ thuật số Kyushu (SIIQ) với nhu cầu hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
Đoàn công tác tìm kiếm nhân lực bán dẫn của Nhật Bản làm việc với NIC và tập đoàn FPT. (Ảnh: Đức Huy).
Chia sẻ tại sự kiện, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC, cho biết Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Ông Huy dẫn chứng: Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao. Đất nước cũng có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng, có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực STEM được đánh giá cao.
Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của NVIDIA, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
Nhật Bản cũng đã có sự hiện diện đáng kể của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, ví dụ như Renesas đang đặt cứ điểm nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới tại Việt Nam với gần 1.500 kỹ sư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vinh Quang - Sáng lập và Giám đốc điều hành CTCP Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) nhấn mạnh rằng Việt Nam - Nhật Bản đang là đồng minh tự nhiên trong ngành bán dẫn, đồng thời giới thiệu sáng kiến thành lập hai liên minh để hiện thực hóa và đẩy mạnh mối quan hệ đồng minh tự nhiên này:
“Liên minh số một là liên minh Giáo dục, tập trung vào việc thúc đẩy đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho cả hai quốc gia. FPT Semiconductor đang triển khai các hoạt động đào tạo như: mở các Co-Innovation Space tại Hà Nội và Đà Nẵng, thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn tại Đại học FPT và đã tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu ngay trong năm đầu tiên.
Liên minh số hai là liên minh Chuỗi sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời phát triển công nghệ và làm từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn cho cả Việt Nam và Nhật Bản".

Vùng Kyushu (được mệnh danh là Đảo Silicon) là thủ phủ về công nghệ cao, đặc biệt là điện tử và bán dẫn của Nhật Bản. Trong thời kỳ hoàng kim, sản xuất bán dẫn tại vùng Kyushu đóng góp phần lớn vào vị thế số 1 của Nhật Bản, chiếm một nửa thị phần ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang hết sức quyết tâm “tìm lại ánh hào quang” về công nghiệp bán dẫn, trong đó có việc vực dậy vùng Kyushu với việc thu hút, đầu tư 108 dự án với tổng giá trị khoảng 31 tỷ USD, trong đó có hai dự án nhà máy sản xuất chip tỷ đô của tập đoàn TSMC - dẫn đầu thế giới về sản xuất chip.
Nhật Bản có một lợi thế quan trọng so với các đối thủ. Nước này đang tái thiết ngành công nghiệp chip, chứ không phải xây dựng từ đầu.
Vào những năm 1980 và đầu thập niên 1990, Nhật Bản từng thống trị ngành bán dẫn. Năm 1988, các công ty Nhật kiểm soát 50% doanh số chip toàn cầu. Trong số 10 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Nhật Bản có tới 6 đại diện, bao gồm NEC, Toshiba và Hitachi. Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), đến năm 2019, Nhật Bản chỉ còn chiếm 10% sản lượng chip toàn cầu.

Các công ty chip hàng đầu thế giới năm 1989 và năm 2023. (Đồ hoạ: Đức Huy).
Một trong những nguyên nhân lớn nhất là xung đột thương mại với Mỹ. Cuối những năm 1980, dưới áp lực từ Washington, Nhật Bản đồng ý hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn, chủ yếu là chip DRAM, sang Mỹ. Trong khi đó, các công ty chip Mỹ dần chuyển sang hợp tác với TSMC để sản xuất theo thiết kế của họ. Điều này khiến Nhật Bản mất dần vị thế trong ngành.
Ngoài ra, sự suy yếu của các tập đoàn điện tử tiêu dùng Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến ngành bán dẫn. Trước đây, những công ty như Toshiba và Hitachi không chỉ sản xuất chip mà còn dẫn đầu thị trường điện tử tiêu dùng. Khi các sản phẩm công nghệ Nhật Bản mất thị phần vì cạnh tranh giá với Trung Quốc, nhu cầu đối với chip Nhật cũng giảm theo.
Giáo sư Shuhei Yamada tại Đại học J.F. Oberlin (Tokyo) nhận định với Nikkei Asia: “Ngành điện tử tiêu dùng và ngành bán dẫn Nhật Bản đã kéo nhau đi xuống, khiến cả hai cùng suy yếu".
Một lý do khác là tính biến động của thị trường chip nhớ. Ngành bán dẫn thường có chu kỳ silicon, trong đó thị trường liên tục tăng trưởng rồi suy thoái cứ mỗi 3-4 năm. Khi công nghệ chip có bước tiến mới, các nhà sản xuất phải đầu tư mạnh vào thiết bị mới để bắt kịp xu hướng.
Những tập đoàn chip lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đầu tư ngay cả khi thị trường khó khăn. Nếu chờ đến lúc kinh tế phục hồi, họ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, các công ty điện tử Nhật Bản không thể duy trì cuộc chơi này. Trong các giai đoạn suy thoái, đầu tư vào bán dẫn bị xem là “một canh bạc”, rủi ro hơn nhiều so với ngành điện tử tiêu dùng. Đây là lý do Nhật Bản dần đánh mất vị thế trong ngành chip, theo ông Hamajima từ SEMI Japan.
Dù đánh mất vị thế, Nhật Bản vẫn kiểm soát nhiều lĩnh vực quan trọng trong chuỗi cung ứng chip. Đây có thể là lợi thế giúp nước này tái thiết ngành công nghiệp bán dẫn.
Các công ty như Tokyo Electron và Shin-Etsu vẫn chiếm thị phần lớn trong nhiều lĩnh vực liên quan đến sản xuất chip. Điều này bao gồm tấm wafer silicon, chất cản quang (photoresist) và thiết bị chế tạo chip.
Vincent Liu, CEO của LCY Chemical, một trong những nhà cung cấp chính của TSMC, Intel và Micron, nhận định: “Nhật Bản có thể đã mất đi vị thế trong sản xuất chip, nhưng các công ty cung cấp vật liệu, hóa chất và thiết bị của họ vẫn rất bền bỉ. Họ vẫn giữ được tay nghề và tư duy sản xuất vốn có".