|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh thu công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD trong năm 2024

10:06 | 07/02/2025
Chia sẻ
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu công nghiệp công nghệ số năm 2024 của Việt Nam đạt 152 tỷ USD, trong đó, doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt 18,7 tỷ USD.

Chiều 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Uỷ ban và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Báo cáo tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu công nghiệp công nghệ số năm 2024 của Việt Nam đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm trước. Trong đó công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như: Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ.

Thương mại điện tử cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt 28 tỷ USD vào năm 2024, tăng 36%. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%.

Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm cán cân tài chính quốc gia. Năm 2024, cả nước đã xử lý 5,5 tỷ hóa đơn, tăng gần 40%; thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 19,5%.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai Đề án 06.

Cụ thể, Thủ tướng cho rằng hiện nay, kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

Về phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tảng số quốc gia trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án ứng dụng internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực, như: sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh,…

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, 5 triệu hộ kinh doanh. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thu thuế hộ gia đình bằng phương thức điện tử.

Thủ tướng cũng yêu cầu đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm nay, đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, cáp quang băng thông rộng tốc độ cao,… Đặc biệt, các nhà mạng phải phủ sóng 5G trên toàn quốc và đi sớm hơn một bước về internet vệ tinh.

Đối với việc phát triển nhân lực chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm cả việc đào tạo chung mang tính phổ cập và cả đào tạo chuyên gia, thu hút nhân tài, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; trong đó đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Anh My