|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Việt Nam đang tiến tới xã hội không tiền mặt'

10:30 | 08/11/2024
Chia sẻ
Đây là đánh giá có trong Báo cáo e-Conomy SEA lần thứ 9 từ Google, Temasek và Bain & Company.

Theo báo cáo mới được Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam đang tiến đến xã hội không tiền mặt với tốc độ nhanh chóng, được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ của các ví điện tử và thanh toán QR.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm chuẩn hóa hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng tương tác giữa các phương tiện thanh toán, điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt trong giao dịch hàng ngày.

Thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, từ 105 tỷ USD vào năm 2022 lên 149 tỷ USD vào năm 2024, và dự kiến đạt 300 - 350 tỷ USD vào năm 2030.

Đây là minh chứng cho sự ưa chuộng ngày càng cao của người tiêu dùng Việt đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số.  Các doanh nghiệp thương mại điện tử và ngành dịch vụ tài chính đã đóng góp quan trọng vào việc phổ biến thanh toán số nhờ khả năng tiếp cận khách hàng rộng rãi.

Trong đó, thương mại điện tử là một động lực nổi bật đóng góp vào xu hướng này. Năm 2024, dự kiến thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 22 tỷ USD - gấp đôi so với năm 2022. Cùng với đó, lĩnh vực du lịch trực tuyến đạt mức tăng trưởng nhanh chóng, với GMV từ 3 tỷ USD năm 2022 lên 5 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2030.

Thương mại điện tử là một thành tố đẩy nhanh quá trình không tiền mặt tại Việt Nam. (Ảnh: Thành Vũ).

Cả hai lĩnh vực này đều được hỗ trợ mạnh mẽ từ xu hướng tiêu dùng số hóa và nhu cầu tăng cao từ các thành phố lớn và các khu vực đô thị hóa nhanh. Đây cũng là hai lĩnh vực chủ đạo đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng hai chữ số của nền kinh tế số Việt Nam.

Từ giá trị 25 tỷ USD vào năm 2022, kinh tế số của Việt Nam đã đạt 36 tỷ USD năm 2024 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 16%. Với đà này, nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 90 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài ra, với mục tiêu trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực, chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào AI và công nghệ bán dẫn. Hành động này không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn cải thiện các dịch vụ công.

Theo e-Conomy SEA 2024, sự quyết liệt và chủ động của chính phủ trong việc xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật số sẽ là nhân tố then chốt giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi đầu trong khu vực. Hai thành phố lớn là TP HCM và Đà Nẵng đang có nhu cầu sử dụng trí tuệ nhân tạo cao hơn mức trung bình cả nước.

Người dân ở đây quan tâm và tìm kiếm nhiều thông tin về AI, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục, tiếp thị và y tế. Đó là dấu hiệu cho thấy công nghệ AI đã bắt đầu gắn liền với cuộc sống và kinh tế tại các khu vực trọng điểm của Việt Nam. 

Bên cạnh AI, Việt Nam cũng không ngừng thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn và các lĩnh vực phần mềm, dịch vụ mới nổi, nhờ vào triển vọng dài hạn và nhu cầu ngày càng tăng. Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được dự báo sẽ thu hút đầu tư hơn 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng AI trong nửa đầu năm 2024.

Điều này không chỉ phản ánh tiềm năng của khu vực mà còn là tín hiệu tích cực để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khi chính phủ tích cực triển khai các chương trình hợp tác quốc tế và cải thiện quy định về IPO nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Dòng chảy nền kinh tế số

Báo cáo đưa dự báo nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 2,5 lần từ 4 tỷ USD năm 2022 lên 11 tỷ USD năm 2024. Doanh thu cũng dự kiến tăng 14%, đạt 89 tỷ USD.

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong nền kinh tế số dự kiến đạt 263 tỷ USD năm 2024, tăng 15% so với năm trước.

Báo cáo phân tích sâu 6 lĩnh vực số và nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tăng trưởng nền kinh tế số. Đông Nam Á đang trở thành trung tâm AI với hơn 30 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng AI trong nửa đầu năm 2024, điển hình là Singapore - một trong mười nước có quan tâm cao về AI.

Với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone cao, và năng lực số tốt, khu vực Đông Nam Á sẵn sàng cho các ứng dụng AI từ quản lý du lịch đến phát hiện gian lận.

Một số con số nổi bật khác bao gồm thương mại điện tử dự kiến đạt 159 tỷ USD GMV năm 2024, trong đó 70% tăng trưởng đến từ khách hàng hiện tại. Doanh thu từ thương mại điện tử có thể tăng 13% lên 35 tỷ USD, đặc biệt nhờ video commerce - chiếm 20% GMV, tăng mạnh từ dưới 5% năm 2022.

Lĩnh vực giao đồ ăn tăng trưởng nhờ quảng cáo trong ứng dụng và mô hình đăng ký, với doanh thu dự kiến tăng 54% lên 1,7 tỷ USD. Ngành vận tải đã vượt mức trước đại dịch, với doanh thu tăng 36% lên 1,5 tỷ USD. Ngành du lịch trực tuyến cũng phục hồi mạnh, chủ yếu nhờ du lịch nội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến đạt 46 tỷ USD GTB, tăng 21% so với năm trước.

Truyền thông trực tuyến, gồm video-on-demand và trò chơi, cũng phát triển với GMV ước đạt 30 tỷ USD, tăng 11% nhờ sự phổ biến của nội dung chơi game và livestream. Dịch vụ tài chính số tăng trưởng 22%, từ 22 tỷ USD năm 2022 lên 33 tỷ USD năm 2024, chủ yếu nhờ thanh toán số và cho vay.

Ví điện tử và mã QR trở nên phổ biến, trong khi sự thay đổi hành vi đầu tư thúc đẩy dịch vụ quản lý tài sản trực tuyến. Việc phát triển bảo mật số trở nên thiết yếu do sự gia tăng của tội phạm mạng.

Báo cáo cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào Đông Nam Á tăng cao, với 50% nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực mới. Dù thị trường vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, các công ty giai đoạn đầu vẫn tiến gần đến lợi nhuận, giúp tăng niềm tin về triển vọng dài hạn của khu vực này.

Thành Vũ

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.