Tham vọng tự chủ ngành chip của Trung Quốc gặp khó: Số lượng công ty bán dẫn đóng cửa đạt kỷ lục trong 8 tháng đầu năm
Theo dữ liệu mới nhất từ một dịch vụ đăng ký kinh doanh tại Trung Quốc, một số lượng kỷ lục các tổ chức doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực chất bán dẫn đã không còn tồn tại trong 8 tháng đầu năm, theo South China Morning Post.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha, có tới 3.470 công ty, bao gồm cả các tổ chức sử dụng từ tiếng Trung có chữ “chip” trong tên đăng ký, thương hiệu hoặc hoạt động của họ đã hủy đăng ký trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay. Con số này thậm chí vượt qua con mức 3.420 công ty đã đóng cửa vào năm 2021 và 1.397 công ty không còn tồn tại vào năm 2020.
Zheng Lei, một giáo sư chuyên ngành tại Viện Tài chính Thâm Quyến thuộc Đại học Hong Kong cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực cần sử dụng rất nhiều vốn”. Ông chỉ ra rằng một số công ty chip mới đăng ký có thể gặp khó khăn trong việc kinh doanh trước sự cạnh tranh gay gắt cũng như điều kiện thị trường khắc nghiệt hiện nay.
Làn sóng đóng cửa các công ty trong ngành bán dẫn xảy ra sau khi các mảng khu vực công và tư nhân của Trung Quốc “điên cuồng” đầu tư trong hai năm qua để giúp thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp chất bán dẫn của chính quyền Bắc Kinh. Quốc gia tỷ dân này này đã có thêm con số khổng lồ, khoảng 47.400 doanh nghiệp liên quan đến ngành chip mới gia nhập thị trường vào năm 2021. Trước đó một năm, con số doanh nghiệp ngành chip mới ra nhập thị trường ghi nhận ở mức 23.100 công ty.
Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết những “điểm nghẽn” chiến lược của đất nước, đặc biệt là các mạch tích hợp (IC), thì việc các công ty chip đóng cửa gần đây là một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.
Những lý do dẫn tới sự tăng trưởng chậm này là vì tâm lý người tiêu dùng nội địa suy yếu do các lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19, căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington đang đè nặng lên lĩnh vực bán dẫn cùng một số nguyên nhân khác.
Theo Zhong Lin, người sáng lập công ty thiết kế chip GSR Electronics ở tỉnh Phúc Kiến, trong một bài đăng ngày 6/9 trên tài khoản WeChat “Semiconductor Industry Observations”, làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực chip Trung Quốc đã “kết thúc”. Ông Zhong chỉ ra rằng nhiều công ty khởi nghiệp liên quan tới lĩnh vực chất bán dẫn sẽ bị phá sản khi nguồn vốn của nhà đầu tư cạn kiệt do thiếu triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.
Ví dụ, công ty khởi nghiệp thiết kế chip Nurlink gần đây đã gây xôn xao vì không trả lương cho nhân viên của mình vào tháng 5 và tháng 6. Điều đó xảy ra chưa đầy một năm sau khi công ty hoàn thành vòng gọi vốn trị giá 200 triệu nhân dân tệ (28,73 triệu USD).
Việc phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải, nơi có nhiều nhà sản xuất đa quốc gia và trong nước, cũng làm mờ đi triển vọng của nhiều hãng chip Trung Quốc. Nhiều công ty được phép hoạt động trong thời kỳ đó đã hoạt động với công suất rất thấp trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị phá vỡ và lĩnh vực logistics bị gián đoạn.
Vào tháng 8, ông Yu Xiekang, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cho biết hai tháng phong tỏa, kết thúc vào ngày 1/6, đã khiến nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng tại Trung Quốc lao dốc. Điều này làm kìm hãm sự tăng trưởng của ngành bán dẫn Trung Quốc trong nửa đầu năm.
Theo dữ liệu chính thức từ Hải quan Trung Quốc, khối lượng nhập khẩu IC của quốc gia này đã giảm hơn 12% trong 8 tháng đầu năm do nhu cầu suy yếu và sản xuất bị gián đoạn.
Trung Quốc đặt tham vọng tự chủ ngành chip
Trước đó, tờ Financial Times cho biết những hạn chế mới nhất trong việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn của Mỹ tới Trung Quốc đã gặp phải phản ứng gay gắt. Tuy nhiên đằng sau những tuyên bố ngoại giao, Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra một gói tài trợ mới nhằm thúc đẩy ngành sản xuất bán đã trong nước.
Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực sản xuất chip, với các quỹ đầu tư của chính phủ ủng hộ những công ty khởi nghiệp hứa hẹn có thể thay thế sản phẩm nước ngoài.
Những khoản tiền khổng lồ này đã dẫn đến các cáo buộc về lãng phí, tham nhũng và quản lý yếu kém. Nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup vỡ nợ vào năm 2020 mặc dù nhận được hàng chục tỷ USD hỗ trợ của chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng một chuỗi các thất bại lớn sẽ không thể ngăn cản Bắc Kinh trong nỗ lực tự chủ trong ngành bán dẫn, khi Washington đang tăng tốc độ bao vây lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc với những biện pháp kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn.
Công ty quản lý tài sản HWAS Assets cho biết những động thái trên sẽ chỉ thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyển sang các nhà sản xuất chip trong nước để chuẩn bị trước cho kịch bản bị cắt đứt khỏi nhà cung ứng nước ngoài.