Ngành bán dẫn Hàn Quốc đang bước vào thời kỳ khủng hoảng
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cho thấy các chuyên gia trong ngành công nghiệp cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đang gặp khủng hoảng, theo Korea Times.
Cụ thể, theo cuộc khảo sát với 30 chuyên gia, có tới 76,7% số người được hỏi cho biết ngành sản xuất chip đang "rơi vào tình trạng khủng hoảng" và 58,6% trong số đó dự đoán rằng triển vọng của ngành sẽ tiếp tục “ảm đạm” sau năm 2024. Trong số những chuyên gia được hỏi, chỉ có duy nhất một người nhận định rằng ngành bán dẫn tại Hàn Quốc đang “không ở trong tình trạng khủng hoảng”.
Theo Korea Times, có rất nhiều lý do để các cơ quan chức năng thực hiện cuộc khảo sát một cách nghiêm túc. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc trong tháng 8 đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó kết thúc chặng đường tăng trưởng kéo dài 26 tháng.
Điều này chắc chắn là một phần nguyên nhân khiến 43,4% số người được hỏi coi tình hình của ngành hiện tại là "tồi tệ nhất trong 10 năm qua". Trước đó, trong tháng 7, tổng lượng hàng tồn kho chất bán dẫn của Hàn Quốc đã tăng 80% so với một năm trước.
Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, đã công bố mức tồn kho cao kỷ lục có trị giá 52.000 tỷ won (37,6 tỷ USD), theo sau là ông lớn SK hynix với lượng tồn kho có giá trị lên tới 12.000 tỷ won.
Nhu cầu về chất bán dẫn đang giảm trên toàn thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Giá chip DRAM và chip nhớ flash NAND, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, đang giảm dần. Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại cho rằng sự bùng nổ chất bán dẫn, yếu tố góp phần vào sự phục hồi kinh tế của Hàn Quốc sau đại dịch COVID-19, dường như đã kết thúc.
Cuộc cạnh tranh giữa ba cường quốc Mỹ - Hàn Quốc - Trung Quốc
Đáng lo ngại hơn là ngành sản xuất chip nội địa đang tỏ ra quá chậm chạp trong việc bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường toàn cầu. Trung Quốc đang rất nỗ lực để bắt kịp Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Tuần trước, Apple xác nhận đã quyết định sử dụng chip nhớ từ Tập đoàn Yangtze Memory Technologies của Trung Quốc cho các mẫu iPhone được sản xuất trong tương lai. Quyết định này sẽ là một lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, những đơn vị đang vật lộn để duy trì thị phần trên toàn cầu và tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ của họ so với các đối thủ.
Không chỉ Trung Quốc mà Mỹ cũng đang dốc toàn lực để vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Chính phủ Mỹ đã thành lập bộ luật CHIPS và Đạo luật Khoa học nhằm kêu gọi các khoản đầu tư với tổng giá trị lên tới 52,7 tỷ USD để đưa công nghệ chip, sản xuất và đổi mới đến với nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang nỗ lực thu hút các khoản đầu tư khổng lồ từ những gã khổng lồ sản xuất chip toàn cầu như Samsung Electronics và Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) để tạo ra chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng quốc gia này. Chính quyền ông Biden cũng đang cố gắng thành lập một liên minh ngành bán dẫn, hay còn được gọi là Chip 4, với Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Tất nhiên, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhận thức rõ rằng “một cuộc cạnh tranh trên thị trường chất bán dẫn toàn cầu” đã bắt đầu. Hàn Quốc cũng đã thành lập một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, chính phủ quốc gia này cũng đã công bố một loạt các gói hỗ trợ nhằm kêu gọi khoản vốn đầu tư có giá trị lên tới 340.000 tỷ won cho lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã hứa sẽ mở rộng khoản ưu đãi về thuế cũng như dỡ bỏ các quy định nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các công ty bán dẫn trong nước.
Về vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc và Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã trình Quốc hội dự luật hỗ trợ cho lĩnh vực chất bán dẫn. Tuy nhiên, theo Korea Times, đáng tiếc là các nhà lập pháp hiện vẫn chưa đưa ra cân nhắc về dự luật này.
Vì vậy, dự luật này chưa có cơ hội được thông qua trong kỳ họp Hội đồng toàn thể thường kỳ đang diễn ra. Theo Korea Times, các chuyên gia đã kêu gọi các nhà lập pháp của PPP cũng như Đảng Dân chủ Cầm quyền (DPK) sớm thông qua dự luật để giúp ngành bán dẫn Hàn Quốc có thể vượt qua tình trạng khủng hoảng và tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.