|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed khó nhọc hơn khi tiền vẫn đầy túi người tiêu dùng

08:30 | 31/10/2022
Chia sẻ
Các khoản cứu trợ của Mỹ trong đại dịch đã tạo ra bộ đệm tiết kiệm vững chắc cho người tiêu dùng. Điều này khiến cuộc chiến chống lạm phát của Fed trở nên chông gai hơn.

 

Phía trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Wall Street Journal).

Phản ứng tài khoá của chính quyền Washington trong đại dịch đã khiến tình hình tài chính của người dân và doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ bất thường. Nhờ vậy, công chúng Mỹ được hưởng lãi suất cực thấp và sở hữu khoản tiền tiết kiệm khá lớn.

Tuy nhiên, điều đó lại đang khiến cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trở nên khó nhọc hơn, tờ Wall Street Journal nhấn mạnh.

Ngân hàng trung ương Mỹ đang cố gắng kìm hãm tốc độ tăng trưởng để ngăn lạm phát ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất mạnh tay trong năm nay. Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng thêm 75 điểm cơ bản khác tại cuộc họp tuần này - qua đó kéo lãi suất chuẩn lên phạm vi 3,75 - 4%.

Một số quan chức đã đề nghị làm chậm tốc độ tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 11. Song, cuộc tranh luận có thể che khuất một vấn đề quan trọng hơn: lãi suất cuối cùng sẽ tăng lên bao nhiêu.

Trong các dự báo kinh tế do Fed công bố tại cuộc họp tháng 9, hầu hết các quan chức đều dự đoán lãi suất chính sách sẽ chạm mức 4,6% vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng lãi suất sẽ phải lên cao hơn mức 4,6%, bởi người dân Mỹ vẫn chưa thực sự ngần ngại chi tiêu trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh.

Ông Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, nhận định: “Câu hỏi lớn đặt ra là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trụ vững bất chấp các đợt tăng lãi suất vừa qua, thì đưa lãi suất lên mức 4,6% liệu có đủ hay không. Có thể Fed sẽ phải nâng lãi suất lên cao hơn mức mà mình đã đề xuất”.

Mất đi động lực suy thoái

Fed khống chế lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế thông qua việc thắt chặt các điều kiện tài chính, chẳng hạn như chi phí đi vay cao hơn và giá cổ phiếu giảm xuống. Điều đó sẽ hạn chế chi tiêu, giảm bớt việc làm và thu nhập của người dân.

Các biện pháp thắt chặt tiền tệ thường có tác động lớn nhất lên các lĩnh vực kinh tế đặc biệt nhạy cảm với chi phí đi vay và khả năng cấp tín dụng của ngân hàng trung ương, Wall Street Journal giải thích thêm.

Tuy nhiên, vào năm 2020, nhờ vào các gói kích thích tài khoá hào phóng từ chính phủ, các hộ gia đình Mỹ đã nhận được những khoản tiền cứu trợ lớn.

Phản ứng của Washington đã làm gián đoạn động lực suy thoái thông thường là tình trạng thất nghiệp. Khi người lao động mất việc, cả thu nhập và chi tiêu của họ đều sụt giảm. Giờ đây, bảng cân đối kế toán của khu vực tư nhân lại đang rất vững vàng.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs ước tính, trong quý II năm nay, các hộ gia đình, doanh nghiệp phi tài chính và doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ ghi nhận tổng thu nhập thặng dư trên tổng chi tiêu tương đương 1,1% GDP.

So với mức trung bình ba năm, thước đo trên hiện đang ổn định hơn so với thời điểm trước bất kỳ cuộc suy thoái nào của Mỹ kể từ những năm 1950.

Theo ước tính của các nhà kinh tế tại Fed, các hộ gia đình Mỹ hiện có khoảng 1.700 tỷ USD tiền tiết kiệm mà họ tích luỹ được đến giữa năm 2021. Nếu thu nhập và chi tiêu tương đương mức trước đại dịch thì khoản tiền tiết kiệm sẽ không cao đến vậy.

Ngoài ra, nửa dưới của phổ phân phối thu nhập (tức những người thu nhập thấp hơn) đang nắm giữ khoảng 350 tỷ USD tiền tiết kiệm. Trung bình mỗi hộ gia đình thuộc nhóm này hiện có khoảng 5.500 USD.

Doanh nghiệp cũng được hưởng chi phí đi vay thấp hơn khi lãi suất xuống gần mức 0 trong năm 2020 và 2021. Theo Goldman Sachs, chỉ 3% trái phiếu rác sẽ đáo hạn trong năm tới và chỉ 8% đáo hạn trước năm 2025.

Các chính quyền bang và địa phương cũng “bơi” trong tiền mặt. So với thời điểm sau cuộc suy thoái 2007 - 2009, tình hình của nhiều địa phương hiện nay tốt hơn nhiều.

 

Tăng lãi suất lên bao nhiêu?

Trong khi thị trường nhà ở - một trong những bộ phận nhạy cảm với lãi suất nhất của nền kinh tế, đang bước vào giai đoạn suy thoái sâu, thì phần còn lại vẫn đang trụ vững.

Số dư thẻ tín dụng của người tiêu dùng đang tăng lên. Báo cáo thu nhập từ các công ty như United Airlines Holdings, Bank of America, Nestlé, Coca-Cola và Netflix cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng ổn định.

Ông Samuel Rines, Giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu thị trường Corbu, cho biết: “Đây không phải là mùa công bố kết quả kinh doanh mà Fed muốn thấy. Hiện tại, vị thế người tiêu dùng đang quá mạnh”.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trong tháng 9, chi tiêu của người tiêu dùng (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng 0,3% so với tháng 8 - đánh dấu sự đi lên so với những tháng trước đó.

Kết quả là, việc hạ nhiệt nền kinh tế có thể đòi hỏi Fed phải tăng lãi suất lên cao hơn. Bộ đệm tiết kiệm của các hộ gia đình “cho tôi thấy rằng chúng ta có thể phải giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian tương đối”, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas - Esther George, nhận định tại một hội thảo hồi đầu tháng 10.

Bà George là một trong số ít quan chức Fed ủng hộ việc giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng mức đỉnh lãi suất của Fed có thể phải lên cao hơn và phải được duy trì ở đó lâu hơn dự kiến.

Các nút thắt trên thị trường lao động cũng ủng hộ hướng đi trên. Tình trạng khan hiếm lao động đang kéo lương đi lên (qua đó làm tăng giá cả hàng hoá hơn hơn nữa), đồng thời có thể thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng ngay cả khi bộ đệm tiết kiệm xẹp bớt.

Theo một thước đo của Bộ Lao động Mỹ, tiền lương và phúc lợi của người lao động đã tiếp tục tăng nhanh trong quý III. Chỉ số chi phí - việc làm cho thấy tiền lương và phúc lợi cho lao động khu vực tư nhân đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Jason Furman - giáo sư Đại học Harvard, cho rằng Fed sẽ khó làm chậm nền kinh tế. Vị cố vấn của chính quyền Tổng thống Obama dự đoán lãi suất quỹ liên bang có thể leo lên mức 5,25% vào năm tới.

Kinh tế trưởng Steven Blitz của công ty nghiên cứu TS Lombard thì cho rằng lãi suất của Fed phải tăng lên 5,5%. Ông nói: “Một cuộc suy thoái đang chờ chúng ta vào năm 2023, nhưng Fed phải làm nhiều hơn nữa để tạo ra một cuộc suy thoái thực sự”.

Yên Khê