|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ là người chiến thắng thực sự của cuộc chiến năng lượng toàn cầu?

11:09 | 29/06/2022
Chia sẻ
Nga có thể bắt bí phương Tây trong ngắn hạn nhưng lại đánh mất vị thế siêu cường năng lượng. Mỹ gặp rắc rối trước mắt nhưng lại ở vị thế tốt hơn nhiều trong dài hạn.

(Hình minh họa: katehon.com). 

Cú sốc giá dầu những năm 1970 đã dạy cho các chính trị gia phương Tây bài học đắt giá về quyền lực của các cường quốc năng lượng. 50 năm sau, phương Tây một lần nữa phải nếm trái đắng.

Nga đang chống lại các đòn trừng phạt của phương Tây bằng cách hạn chế nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Viễn cảnh Nga đóng van khí đốt hoàn toàn khiến châu Âu như “ngồi trên đống lửa”. Đức và các nền kinh tế lớn khác đang cân nhắc tiết kiệm năng lượng trong mùa đông năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thì đau đầu bởi giá xăng phi mã ngay trước kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Khi tranh cử, ông đã hứa sẽ biến Arab Saudi thành "kẻ bị ruồng bỏ". Song, hiện giờ, để khắc phục tình thế, ông đã phải đi ngược với lời thề cũ và phải cố làm thân với nước này. Tháng sau, Tổng thống Mỹ sẽ tới Riyadh để thuyết phục phía Saudi bơm thêm dầu.

Bài học có vẻ đơn giản và đáng buồn. Ở năm 2022 – cũng như năm 1973, các nhà sản xuất dầu lớn vẫn có thể buộc các cường quốc chính trị hàng đầu thế giới tuân theo ý mình. Nhưng khi nhìn xa hơn thì ta sẽ thấy địa chính trị của năng lượng phức tạp hơn nhiều.

Nga có thế mạnh trong ngắn hạn nhưng vị thế của nước này sẽ xấu đi đáng kể trong ba năm tới. Mỹ có rắc rối lớn trong ngắn hạn nhưng lại có thế mạnh trong dài hạn.

Liên minh châu Âu (EU) mới là bên có vấn đề ngắn và trung hạn lớn nhất. Bất chấp những phát biểu hùng hồn về đa dạng hóa và giảm khí thải nhà kính, châu Âu vẫn không tìm được chiến lược năng lượng mới khả thi. Nga và EU đang mắc kẹt trong cuộc chạy đua với thời gian.

Nga và châu Âu cùng thiệt

Theo tờ Financial Times, mục tiêu của Nga là gây ra khủng hoảng kinh tế ở châu Âu trong năm nay, qua đó làm giảm sự hỗ trợ của EU tới Ukraine. Chính phủ Hungary đã vội vàng thúc giục các bên nhanh chóng ngừng bắn ở Ukraine, viện dẫn nguy cơ thảm họa kinh tế.

Châu Âu chỉ còn vài tháng trước mùa đông để chuẩn bị cho việc mất đi nguồn cung của Nga. Có thể chiến lược gây sức ép của Moscow sẽ thành công. Nhưng đó chỉ là chuyện trước mắt. Còn về lâu dài, chiến lược này lại phá hủy một trong những trụ cột quyền lực chính của Nga.

Châu Âu đã nhận được bài học cay đắng từ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và quyết tâm sẽ không bao giờ bị tổn thương lần nữa. Một quan chức Đức cấp cao nói: “Trước cuộc chiến, Nga có nguồn doanh thu dầu khí ổn định trong hơn 30 năm. Giờ họ chỉ còn ba năm”.

Ngay cả trong ngắn hạn, việc cắt xuất khẩu khí đốt sang châu Âu cũng là trò chơi nguy hiểm với Nga. Khoảng 1 tỷ euro mỗi ngày vẫn đang chảy vào kho bạc của Nga, chủ yếu từ châu Âu.

Nếu ông Putin hy sinh nguồn thu này thì năng lực quân sự của Nga sẽ suy giảm nhanh chóng. Nga có thể tìm kiếm thị trường khác cho dầu mỏ một cách tương đối dễ dàng – Ấn Độ và Trung Quốc đang vung tay nhập khẩu dầu giảm giá của Nga.

Nhưng khí đốt của Nga được xuất khẩu bằng đường ống và mọi đường ống lớn đều hướng về châu Âu. Việc xây dựng các đường ống mới đến Trung Quốc sẽ mất nhiều năm. Do đó, Nga có thể mắc kẹt với đống tài sản không bán được.

Sự sốt sắng của châu Âu trong việc giải phóng bản thân khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga được thể hiện qua lịch trình công du của các nhà lãnh đạo.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, vừa mới đến Israel và Ai Cập để ký thỏa thuận khí đốt mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây tới thăm Senegal và xúc tiến việc phát triển một mỏ khí đốt mới ở nước này.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là châu Âu có thể thay thế năng lượng của Nga một cách nhanh chóng và thuận lợi hay không. Một số tên tuổi lớn trong ngành năng lượng ngờ vực về khả năng này.

Khả năng cao là châu Âu sẽ bị đặt vào tình thế khó chịu trong 5 năm tới: Nhu cầu dành cho năng lượng của Nga giảm thiểu nhưng không được loại bỏ hoàn toàn, người tiêu dùng đối mặt với giá cả cao dai dẳng và các ngành công nghiệp phải xoay xở với nguồn cung không đảm bảo.

Mỹ và Arab Saudi đắc lợi

Ngược lại, Mỹ ở trong vị thế dài hạn thoải mái hơn nhiều. Theo ông Dan Yergin, nhà phân tích hàng đầu trong ngành năng lượng, Mỹ đã vượt Nga và trở thành nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.  

Giá năng lượng cao gây hại cho ví tiền của người tiêu dùng Mỹ, nhưng là vận may cho ngành dầu đá phiến. Một bài học rút ra từ chiến sự Nga-Ukraine là việc một quốc gia phụ thuộc vào năng lượng của đối thủ địa chính trị là điều rất nguy hiểm. Giờ Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng lớn, còn Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhưng chỉ riêng sản lượng từ Mỹ thì không đủ để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ khỏi đà tăng phi mã của giá dầu thế giới. Mong muốn cô lập Nga và cả Iran, Venezuela của Mỹ đã củng cố vị thế của Arab Saudi. Ngay cả Mỹ cũng không thể “ruồng bỏ” mọi nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới cùng một lúc. Và khác với Nga hay Iran, Arab Saudi là đồng minh lâu năm của Mỹ.

Mối nguy thực sự tới vị thế của Arab Saudi không đến từ yếu tố địa chính trị mà là môi trường. Nỗ lực giảm thiểu khí thải đồng nghĩa với việc có thể sẽ đến lúc thế giới không còn mua hàng mà Arab Saudi bán.

Giang