|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kế hoạch thay thế khí đốt Nga của châu Âu 'quá lạc quan' và thậm chí gây hại cho nền kinh tế toàn cầu

14:27 | 30/06/2022
Chia sẻ
Các quan chức EU liên tục đưa ra những bản kế hoạch đầy lạc quan trong việc thay thế nguồn khí đốt từ Nga.. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sáng kiến này khó đạt mục tiêu và thậm chí gây thêm áp lực cho nền kinh tế thế giới.

"Quá lạc quan"

Theo CNBC, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách khi Gazprom giảm dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 đi 60% với lý do không nhận được thiết bị thay thế bởi các lệnh trừng phạt.

Ủy viên Năng lượng Ủy ban Châu Âu, bà Kadri Simson sẽ gặp các bộ trưởng EU vào ngày 4/7 để bàn bạc về các giải pháp phối hợp tiềm năng, bao gồm giảm nhu cầu và đưa ra các kế hoạch dự phòng nếu tình huống xấu đi.

Tuy nhiên, kế hoạch hiện tại của EU nhằm thay thế năng lượng của Nga có vẻ sẽ không thành công.

Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt từ Nga. Các đề xuất thay thế khí đốt của khối vào cuối năm 2022 bao gồm đa dạng hóa khí hóa lỏng (LNG), năng lượng tái tạo, hiệu quả sưởi ấm, đa dạng hóa đường ống, biomethane, năng lượng mặt trời mái nhà và máy bơm nhiệt …

Tổng cộng, các giải pháp trên có thể thay thế khoảng 102 bcm mỗi năm, theo dữ liệu từ Kế hoạch REPowerEU của EC, được tổng hợp trong một báo cáo gần đây của công ty tư vấn kinh tế TS Lombard.

Ông Christopher Granville, giám đốc khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi của TS Lombard, cho biết mục tiêu thay thế khí đốt của Gazprom trong năm nay của Ủy ban Châu Âu là “quá lạc quan”.

Ông Granville nói: “Ngoài thời gian cần thiết để triển khai các thiết bị tiếp nhận LNG của Đức, Nga cũng là một nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn. Châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức để tìm nguồn cung cấp LNG phù hợp”.

Tỷ lệ khí đốt nhập khẩu của Nga sang EU đã giảm từ 45% vào tháng 4/2021 xuống 31% vào tháng 4/2022, với tỷ lệ khí đốt đường ống giảm từ 40% năm ngoái xuống 26% trong năm nay.

Tuy nhiên, tổng lượng LNG nhập khẩu đã đạt mức kỷ lục, với 12,6 bcm tới châu Âu trong tháng 4, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước mặc dù tỷ trọng đến từ Nga giảm. Nỗ lực đa dạng hóa của Châu Âu đang bắt đầu có kết quả.

Các nước công nghiệp lớn của EU vẫn chưa đạt đủ mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt.

Chuẩn bị trả nhiều tiền hơn

Một phát ngôn viên năng lượng của Ủy ban châu Âu nói với CNBC rằng Gazprom và Moscow đang sử dụng năng lượng như một “công cụ tống tiền”.

“Sau quyết định đơn phương của Gazprom về việc ngừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia và công ty, cũng như lượng tồn kho thấp hơn trung bình ở châu Âu trong năm qua, động thái mới nhất của Nga nhắc nhở chúng ta một lần nữa về sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng”, người phát ngôn cho biết.

“Moscow giúp củng cố quyết tâm của EU trong việc đạt được các mục tiêu REPowerEU để loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Các lệnh trừng phạt đối với than và dầu sẽ có hiệu lực trong năm nay và với Kế hoạch REPowerEU, EU sẽ đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong khối, tiết kiệm năng lượng và chuyển sang các nhà cung cấp thay thế đáng tin cậy hơn", người phát ngôn nói thêm.

Châu Âu đang gấp rút xây dựng các cảng tiếp nhận LNG.Hệ thống FSRU là các cảng tiếp nhận LNG nổi.

EC và các thành viên đã ký Biên bản ghi nhớ với Ai Cập và Israel vào tuần trước về xuất khẩu LNG từ phía đông Địa Trung Hải.

“Chúng tôi đã đồng ý một tuyên bố chung với Na Uy nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng lâu dài sâu sắc hơn”, người phát ngôn của Ủy ban nói với CNBC. “Chúng tôi cũng đang làm việc cùng với các nhà cung cấp năng lượng thay thế khác như Mỹ, Qatar và Azerbaijan”.

Tuy nhiên, ông Granville dự đoán rằng có thể có những tác động đáng kể về chi phí khi châu Âu tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt ở những nơi khác.

″[EU] trung bình sẽ trả nhiều tiền hơn cho dầu và khí đốt [không phải của Nga] so với các nước khác. Các nước châu Á sẽ mua nhiều dầu hơn của Nga với giá chiết khấu”, ông Granville dự đoán. “LNG do Châu Âu nhập khẩu từ Mỹ sẽ đắt hơn giá mà người tiêu dùng Mỹ phải trả do phải cộng thêm chi phí vận chuyển và hóa lỏng/tái khí hóa”.

Ảnh hưởng toàn cầu

Một trở ngại tiềm tàng khác đối với nền kinh tế EU là khả năng cấm vận hoàn toàn đối với khí đốt của Nga. 

Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura nhấn mạnh rằng, “nếu tình hình tiếp tục leo thang ... thì hoàn toàn có khả năng EU sẽ đi xa tới mức cấm nhập khẩu khí đốt của Nga”.

“Với việc G-7 hiện đã quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhiều khả năng Moscow có thể mở rộng phạm vi cắt khí đốt sang các quốc gia EU khác như một biện pháp trả đũa”, ông Kiuchi nói. “Trong trường hợp đó, EU thậm chí có thể đánh phủ đầu, bằng cách tuyên bố cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga”.

Bằng cách đưa khí đốt vào lệnh trừng phạt, nền kinh tế khu vực đồng Euro có thể chứng kiến ​​sự suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng của Đức chuyển sang âm, ông Kiuchi gợi ý.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ ra rằng việc leo thang các lệnh trừng phạt hiện có từ các quốc gia công nghiệp phát triển, đặc biệt nếu kéo theo những hạn chế về xuất khẩu năng lượng, có thể dẫn đến giá nhiên liệu cao hơn, làm xấu đi tâm lý doanh nghiệp, hộ gia đình và gây gián đoạn thị trường tài chính.

IMF dự đoán rằng một chuỗi các sự kiện như vậy có thể làm giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tới 2 điểm %.

Minh Quang