|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thân ai nấy lo: Anh lên kế hoạch cắt khí đốt tới châu Âu

11:27 | 30/06/2022
Chia sẻ
Một trong những đồng minh thân thiết có thể sẽ quay lưng với Liên minh châu Âu vào lúc khủng hỏang năng lượng đang trở nên tồi tệ nhất.

Anh sẵn sàng cắt khí đốt tới EU

Theo Financial Times, Anh sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho lục địa Châu Âu nếu nước này bị thiếu hụt năng lượng nghiệm trọng.

Trong khi các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ Nga cắt đứt nguồn cung, kế hoạch đóng van khí đốt từ Anh tới Hà Lan và Bỉ có thể làm suy yếu nỗ lực quốc tế về hợp tác năng lượng.

Việc ngừng dòng chảy nhiên liệu qua hệ thống đường ống kết nối giữa Anh và châu Âu là một trong những giải pháp ban đầu trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp của London. Nếu nguồn cung của công ty năng lượng National Grid bị hạn chế trong những tháng tới, kế hoạch này có thể sẽ được thực hiện.

Anh cung cấp khí đốt cho châu Âu trong mùa hè và nhận lại vào mùa đông. (Ảnh: Financial Times. Việt hóa: Minh Quang).

Ông Bart Jan Hoevers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khai thác hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu nói: “Tôi khuyến nghị Anh xem xét lại việc ngừng cung cấp khí đốt tới châu Âu trong trường hợp khủng hoảng".

“Đường ống khí đốt mang lại lợi ích cho châu Âu trong mùa hè nhưng giúp đỡ Anh trong mùa đông”, ông cho biết.

Anh sẽ kiểm tra sức chịu đựng của kế hoạch ứng phó với khủng hoảng khí đốt vào tháng 9. Công ty National Grid cho biết kế hoạch này đã được thử nghiệm hàng năm, và cuộc tập dượt lần này sẽ "phản ánh tình hình" khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

Anh sẽ đóng van khí đốt như một phần của kế hoạch khẩn cấp 4 bước nếu tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng dẫn đến mất áp suất trên hệ thống đường ống. 

Các biện pháp khẩn cấp khác bao gồm ngừng cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp lớn và kêu gọi các hộ gia đình giảm tiêu thụ.

Đức và Hà Lan trong tháng này cũng đã khởi động kế hoạch khẩn cấp của riêng mình, bao gồm khởi động lại các nhà máy điện than và thúc giục ngành công nghiệp hạn chế sử dụng khí đốt sau khi Nga giảm 60% lưu lượng qua đường ống Nord Stream 1.

Kể từ tháng 3, hai đường ống dẫn dưới biển nối Anh với Bỉ và Hà Lan đã hoạt động hết công suất, vận chuyển 75 triệu m3 khí đốt (bcm) mỗi ngày sang lục địa này. Châu Âu đang gấp rút xây dựng kho dự trữ trước nguy cơ Nga cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt.

Anh đã lấp gần đầy kho khí đốt của mình, trong khi Đức, Bỉ, Pháp, Italy và Hà Lan đang chật vật kiếm đủ nhiên liệu cho mùa đông. 

Thân ai nấy lo

Anh không có nhiều kho dự trữ, nên lượng khí đốt thừa, bao gồm cả những lô hàng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cũng được chuyển tới lục địa khi trong những tháng mùa hè.

Nhưng trong những tháng mùa đông lạnh lẽo, ví dụ như cơn bão “Quái vật phương Đông” vào năm 2018, Anh nhận lại khoảng 20-25% lượng khí đốt thông qua đường ống với EU.

Ông Hoevers cảnh báo rằng các biện pháp khẩn cấp của đa số quốc gia đều không phù hợp để đối phó với khủng hoảng địa chính trị. 

Các kế hoạch kiểu này thường chỉ được thiết kế nhằm chống chịu lại “những gián đoạn ngắn hạn”, như trục trặc tại mỏ khí đốt hoặc cảng nhập khẩu chứ không phải việc mất nguồn cung trong dài hạn.

Khắp châu Âu “cần có những thỏa thuận chính trị để biết rằng các nước có thể mong đợi gì được ở láng giềng trong tình huống khủng hoảng trầm trọng”, ông cho biết.

Chính phủ Anh “hoàn toàn tự tin” về an ninh năng lượng trong mùa đông, khẳng định rằng mình sở hữu “một trong những hệ thống năng lượng đáng tin cậy và đa dạng nhất trên thế giới”.

London tin rằng một tình huống khẩn cấp về khí đốt là “khó có thể xảy ra”. Đáp lại, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Maroš Šefčovič đã kêu gọi London thể hiện "sự đoàn kết".

Ông nói: “Các đối tác của chúng ta ở Anh biết khá rõ những lợi thế trong lĩnh vực hợp tác năng lượng. Bạn có thể bán năng lượng nhưng sẽ có lúc cần mua năng lượng từ các đối tác của mình.”

Khác với EU, Anh không phụ thuộc nhiều vào Nga về khí đốt.

Đức tịch thu tàu của Gazprom

Theo The Telegraph, Chính phủ Đức đã chiếm quyền kiểm soát ba tàu chở khí hóa lỏng từ tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.

Dynagas LNG Partners cho biết cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức đã kiểm soát ba tàu “trong một khoảng thời gian không xác định” sau khi Berlin nắm quyền sở hữu Gazprom Germania vào tháng 4. Gazprom Germania là chi nhánh của tập đoàn năng lượng Gazprom tại Đức.

Con tàu OB River thuộc sở hữu của Dynagas, được Gazprom thuê lại. (Ảnh: FleetMon).

Hai tàu của Dynagas, có tên Amur River và Ob River, được Gazprom thuê cho đến năm 2028, trong khi tàu Clean Engergy được thuê đến năm 2026. Tất cả hiện đã được Berlin tiếp quản.

Chính phủ Đức đã tiếp quản Gazprom Germania, công ty kiểm soát cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất của đất nước, để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài. Sau khi đổi chủ, doanh nghiệp này được đổi tên thành Securing Energy for Europe (Bảo đảm Năng lượng cho Châu Âu).

Gazprom cho biết không còn sở hữu công ty con Gazprom Germania nhưng từ chối tiết lộ cơ cấu sở hữu mới của doanh nghiệp này.

Minh Quang