Toàn châu Âu gồng mình chuẩn bị cho nguy cơ Nga cắt khí đốt: Đốt củi, tắm ít đi, giảm nhiệt độ lò sưởi, ...
Trong những tuần gần đây, Nga đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung khí đốt tới các quốc gia châu Âu nhằm cản trở nỗ lực lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông. Tập đoàn Gazprom của Nga đã giảm 50% nguồn khí đốt chạy qua đường ống Nord Stream 1 với lý do phía Đức không thể trả lại thiết bị cần thiết cho bơm nhiên liệu.
Từ 11 đến 21/7, Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để bảo trì định kỳ. Theo Financial Times, phía Đức đang lo lắng rằng sau khi hết thời gian bảo trì, dòng chảy khí đốt vẫn sẽ không được nối lại.
Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố: "chiến dịch quân sự của Nga đang đẩy giá lương thực, năng lượng và hàng hóa lên cao". Ông cũng nói thêm rằng các nhà lãnh đạo đã đồng ý phối hợp chặt chẽ các phản ứng chính sách kinh tế của họ.
Hội nghị thượng đỉnh đã thống nhất một số bước cụ thể. Các nhà lãnh đạo giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu tìm nhiều cách hơn để đảm bảo "nguồn cung với giá cả phải chăng" vì "hành động vũ khí hóa khí đốt của Nga".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế đang được tiến hành. Theo bà von der Leyen, nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ trong năm nay tăng 75% so với năm ngoái và lượng khí đốt từ đường ống của Na Uy cũng tăng 15%.
Bà dự kiến sẽ trình bày kế hoạch chuẩn bị cho việc cắt giảm khí đốt nhiều hơn từ Nga với các nhà lãnh đạo vào tháng 7: "Hy vọng vào điều tốt nhất, chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đó là những gì EU đang làm ngay bây giờ."
Bà von der Leyen cho biết Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất và lựa chọn để thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới, bao gồm việc xem xét tách giá điện khỏi giá khí đốt.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các mô hình khác nhau, không chỉ để nghiên cứu hạn chế giá năng lượng và giá điện mà còn xem xét thiết kế thị trường, với câu hỏi: thị trường hiện nay có còn phù hợp với mục đích không?", bà cho biết.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là liệu các chính phủ có nên can thiệp vào việc áp khung giá hay không. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã giới hạn giá khí đốt trên thị trường điện trong nước.
Tuy nhiên, các quốc gia khác cảnh báo hành động này sẽ làm gián đoạn thị trường năng lượng và gây ra kiệt quệ ngân quỹ hơn nữa khi chính phủ phải trả chênh lệch giữa giá theo quy định và giá trên thị trường quốc tế.
"Mùa đông khó khăn"
Sau các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây chống lại Moscow, hàng chục quốc gia châu Âu cho đến nay đã bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế nguồn khí đốt từ Nga. "Việc Nga cắt nguồn khí đốt chỉ còn là vấn đề thời gian", một quan chức EU cho biết.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo đất nước của ông sẽ thiếu khí đốt nếu nguồn cung của Nga vẫn thấp như hiện tại và một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa vào mùa đông tới.
Ông nói với tạp chí Der Spiegel: “Các công ty sẽ phải ngừng sản xuất, sa thải công nhân, chuỗi cung ứng sụp đổ, mọi người sẽ lâm vào cảnh nợ nần để trả tiền sưởi ấm". EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt trước xung đột (với Đức là 55%).
"Nếu chúng ta không chú ý thì cả nền kinh tế EU sẽ đi vào suy thoái với tất cả hậu quả của nó", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo về một "mùa đông khó khăn" tiềm ẩn phía trước.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng châu Âu cần phải chuẩn bị ngay lập tức cho trường hợp Nga ngừng xuất khẩu khí đốt vào mùa đông năm nay.
Châu Âu cũng dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng như than và năng lượng tái tạo để bù đắp cho nguồn nhập khẩu khí đốt thiếu hụt. Tuy nhiên, động thái này bị nhiều tổ chức lên án vì phá vỡ các mục tiêu môi trường mà khối này từng cam kết.
Giảm nhiệt độ, tắm ít đi
Theo RT, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết “nếu người dân giảm nhiệt độ sưởi hoặc điều hòa đi hai độ C thì sẽ đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt từ Nord Stream 1”.
Người đứng đầu EC cho biết Brussels có các kế hoạch khẩn cấp để giảm thiểu tác động của bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào, bao gồm tiết kiệm năng lượng và ưu tiên các nhu cầu cấp thiết.
Trong khi đó, vào hôm 24/6, Bộ trưởng Robert Habeck một lần nữa kêu gọi người dân và doanh nghiệp cắt giảm việc sử dụng năng lượng: "Mỗi kilowatt giờ (kWh) đều sẽ giúp ích trong tình huống này".
Ông Habeck tuyên bố đã phải “giảm mạnh” thời gian tắm dưới vòi hoa sen để nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng cấp tính hiện nay.
Bộ trưởng cũng nói với tạp chí Der Spiegel rằng việc không sưởi ấm các căn hộ vào mùa đông sẽ giúp Đức vượt qua những khó khăn mà ông cho là do Nga gây ra.
Đốt củi sưởi ấm
Theo RT, người dân các nước như Latvia, Cộng hòa Séc và Ba Lan lại tìm đến một nguồn nhiên liệu cổ xưa nhất là củi. Cư dân Latvia đang xếp hàng để nhận được giấy phép của nhà nước để lấy củi, khi đất nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi từ bỏ các nguồn cung cấp của Nga.
Theo công ty quản lý rừng của Latvia, sự quan tâm đến các giấy phép lấy củi miễn phí đã tăng gấp 5 lần trong tháng qua.
Các nhà chức trách Ba Lan cũng đã cho phép người dân kiếm củi trong rừng để giữ ấm cho ngôi nhà của mình trong bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng tăng. Ba Lan đang lâm vào tình trạng khan hiếm than sau khi cấm nhập khẩu than từ Nga.
Trong khi đó, Đại sứ về An ninh Năng lượng của Cộng hòa Séc, ông Vaclav Bartuška đã hứa sẽ làm mọi cách để sưởi ấm và sản xuất điện nếu nguồn cung khí đốt trong mùa đông này không đáp ứng đủ.
“Nếu mùa đông này khí đốt bị cắt, chúng ta sẽ đốt bất cứ thứ gì có thể để giữ ấm cho người dân và sản xuất điện”, ông nói.