|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ châu Âu chia rẽ và 'hỗn loạn' vì thiếu khí đốt trong mùa đông lạnh giá

11:34 | 01/07/2022
Chia sẻ
Người đứng đầu công ty điện lực RWE của Đức cảnh báo rằng sự đoàn kết của EU sẽ bị thử thách vào mùa đông năm nay khi nguồn khí đốt của Nga bị cắt, và sẽ có "hỗn loạn" trên khắp lục địa trừ khi khối này hành động ngay để thiết lập các quy tắc về chia sẻ năng lượng.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Markus Krebber, Giám đốc điều hành công ty điện lực RWE của Đức, nói: “Tôi thực sự lo sợ rằng sự đoàn kết của châu Âu sẽ bị thử thách nghiêm trọng nếu chúng ta không giải quyết vấn đề chia sẻ năng lượng trước khi khủng hoảng xảy ra”. 

Ông nói thêm rằng những nước nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) như Đức và Hà Lan có thể bị cáo buộc tích trữ nhiên liệu nếu không đối xử bình đẳng với doanh nghiệp và hộ gia đình của các quốc gia thành viên EU.

“Tôi không lo ngại rằng chúng ta không thể tìm được thỏa thuận, nhưng tốt hơn là nên thảo luận về các biện pháp khẩn cấp khi vẫn còn nhiều thời gian”, ông Krebber nói. "Nếu không thể điều hành [việc phân phối khí đốt] thì châu Âu sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn".

Nhà cung cấp điện lớn nhất của Đức, RWE bị ảnh hưởng bởi Gazprom cắt giảm 60% lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Berlin phải khẩn cấp hồi sinh các nhà máy điện than để lấp chỗ trống năng lượng. RWE hiện chỉ nhận được 40% lượng khí đốt theo hợp đồng đã ký với Nga.

Nhận xét của ông Krebber minh họa cho những lo ngại ở EU rằng nguồn cung khí đốt có thể cần phải được phân bổ giữa các quốc gia trong mùa đông này. 

Các quốc gia có kho dự trữ khí đốt lớn của châu Âu cũng là những nước có ngành công nghiệp phát triển, yêu cầu nhiều năng lượng.

"Kế hoạch đoàn kết"

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần này cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải chuẩn bị cho việc ngừng hoàn toàn khí đốt của Nga khi Moscow trả đũa các lệnh trừng phạt.

Một "kế hoạch đoàn kết" toàn châu Âu về việc cung cấp khí đốt sẽ được Ủy ban châu Âu vạch ra. Các nhà ngoại giao ở Brussels hy vọng kế hoạch này sẽ sẵn sàng vào cuối tháng Bảy.

Theo S&P Global, vào ngày 27/6, Hội đồng Châu Âu đã thông qua quy định nhằm đảm bảo rằng các kho chứa khí đốt ở EU được lấp đầy trước mùa đông và dự trữ có thể được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên "trên tinh thần đoàn kết."

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những kế hoạch của riêng mình. Tờ Financial Times cho biết Anh sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho lục địa Châu Âu nếu nước này bị thiếu hụt năng lượng nghiệm trọng.

Việc ngừng dòng chảy nhiên liệu qua hệ thống đường ống kết nối giữa Anh và châu Âu là một trong những giải pháp ban đầu trong kế hoạch khẩn cấp của London và có thể làm suy yếu các nỗ lực của châu Âu trong việc hợp tác chia sẻ năng lượng.

Mặc dù không còn là thành viên EU, Anh vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với liên minh này. Hiện mỗi ngày Anh đang chuyển khoảng 75 triệu m3 khí đốt sang Hà Lan và Bỉ thông qua đường ống xuyên biển.

Các nước châu Âu sẽ phải cố gắng để đạt mục tiệu lấp đầy kho dự trữ khí đốt.

Không có cơ chế chung

Hôm 23/6, Đức đã tiến một bước gần hơn đến việc phân bổ năng lượng, bắt đầu giai đoạn hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp và cảnh báo rằng họ sẽ phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ cần thiết để đáp ứng nhu cầu cao điểm vào mùa đông nếu nguồn cung của Nga không được phục hồi. 

Kế hoạch phân bổ nguồn cung khí đốt trong mùa đông này và khuyến khích các hộ gia đình hạn chế tiêu thụ đang được Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức thực hiện ở cấp quốc gia.

Ông Krebber, CEO công ty điện lực RWE, cho biết cần phải có một khuôn khổ toàn châu Âu để khí đốt đến được các quốc gia ở xa, không có cảng biển như như Cộng hòa Séc và Hungary, đồng thời đảm bảo sự công bằng về cách mỗi quốc gia xác định khách hàng ưu tiên.

“Nếu không, các nhà khai thác đường ống khí đốt sẽ không biết dựa trên cơ sở nào để đưa ra quyết định”, ông nói thêm. "Cần giữ bao nhiêu khí đốt cho mình và gửi bao nhiêu cho đồng minh".

Ông Krebber cho biết các quy tắc cần được chính thức hóa trên khắp các quốc gia EU về những gì cần được ưu tiên trong trường hợp thiếu khí đốt trầm trọng. Một cuộc khủng hoảng chính trị có thể nổ ra nếu các quốc gia có các giới hạn khác nhau về hệ thống sưởi hoặc các tiêu chí ưu tiên cung cấp khí đốt.

Ông nói: “Bạn cần một định nghĩa thống nhất về khách hàng được bảo vệ. Bạn cần các quy trình ra quyết định, bắt đầu từ việc thu thập thông tin. Nếu không có thông tin liên quan, bạn không thể đưa ra quyết định chính xác”.

Italy đã giới hạn nhiệt độ sưởi và làm mát vào tháng 4, với các tòa nhà công cộng không được phép sưởi trên 19 độ C vào mùa đông và không làm mát bằng điều hòa không khí dưới 25 độ C vào mùa hè. Tuy nhiên, phần lớn các nước EU vẫn chưa đưa ra các hạn chế tương tự.

Sụp đổ chính trị

Đã có những cuộc chiến pháp lý trong quá khứ về việc các quốc gia thành viên xác định đâu là khách hàng cần được bảo vệ như nhà ở, bệnh viện và trường học.

Ông James Waddell, một nhà phân tích tại Energy Aspects, cho biết có khả năng xảy ra một sự sụp đổ chính trị lớn nếu các quốc gia cảm thấy bị đối xử không công bằng.

Ông nói thêm: “Dòng chảy tự do của năng lượng là một trong những trụ cột chính của EU. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng, khả năng hệ thống phải chịu căng thẳng chính trị nghiêm trọng là có thật, bởi các quốc gia sẽ cố gắng ưu tiên công dân của mình trước tiên”.

Tuy nhiên, ông Andrei Ilaș, đồng sáng lập của doanh nghiệp năng lượng Romania nrgi.ai, cảnh báo không nên cố gắng tạo ra một nền kinh tế “chỉ huy và kiểm soát” đối với ngành năng lượng.

Ông Ilaș nói: “EU sợ sự hỗn loạn và cãi vã chính trị, nhưng sự kiểm soát từ trên xuống sẽ không hiệu quả". “Đóng cửa thị trường sẽ rất nguy hiểm, vì bạn cần các tín hiệu giá để cho biết cần chuyển năng lượng tới đâu".

Ông Krebber cảnh báo rằng Đức sẽ không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung của Nga bằng các giải pháp như nhập khẩu LNG hoặc sản xuất điện từ gió và mặt trời cho đến mùa đông năm 2024-2025.

“Có lẽ tình hình sẽ dần ổn đinh sau mùa đông 2023-24 . . . Và có thể thay thế hoàn toàn khí đốt Nga một mùa đông sau đó", ông nói.

Châu Âu sẽ tăng cường đốt than để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt.

Ông Krebber bảo vệ quyết định của Đức trong việc tiếp tục ngừng hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, dự kiến ​​đóng cửa trước cuối năm nay, nói rằng những thách thức về kỹ thuật và an toàn không thể được giải quyết trước mùa đông. Ông cho rằng công suất 3 Gigawatt (GW) của ba nhà máy này không đáng với những nỗ lực phải bỏ ra.

“Những nhà máy này đã hoạt động trong một thập kỷ, chúng được tối ưu hóa về mặt kỹ thuật, thương mại cho đến cuối năm 2022. Việc tiếp nhiên liệu sẽ mất 12 đến 15 tháng", ông cho biết. “Đã có than đá để bù đắp cho khí đốt rồi”.

Minh Quang