Thế giới rơi vào khủng hoảng khi Nga vỡ nợ năm 1998, lần này có gì khác?
Ngày 27/6, phương Tây tuyên bố Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918 sau khi không thể trả lãi cho hai trái phiếu trong thời gian ân hạn 30 ngày kết thúc vào 26/6.
Tuy nhiên, không cần quay lại thời điểm năm 1918 để thấy ảnh hưởng của một vụ vỡ nợ tới nền kinh tế toàn cầu. Năm 1998, Nga cũng từng vỡ nợ, nhưng không phải nợ nước ngoài mà là nợ trong nước với trái phiếu bằng đồng ruble. Sự kiện này đã gây ra "cuộc khủng hoảng Moscow", ảnh hướng tới thị trường quốc tế.
Vào tháng 8/1998, sau nhiều năm biến động vì Liên Xô sụp đổ, chính phủ Nga vỡ nợ và buộc phải phá giá đồng ruble. Động thái này đã gây ra hỗn loạn ở Nga, làm tăng lạm phát, sự suy thoái kinh tế và các vụ đổ vỡ ngân hàng.
Các thị trường mới nổi bị tác động mạnh mẽ và các nhà đầu tư Mỹ hoảng sợ, đặc biệt là khi tin tức về sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management ở Mỹ xảy ra vào tháng 9/1998.
Tuy nhiên, vào hôm 27/6/2022, thị trường toàn cầu hầu như không phản ứng với vụ vỡ nợ của Nga. Tờ CNN đã tổng hợp những lý do giải thích cho hiện tượng này.
Đã được lường trước
Thông tin về việc Nga không thể thanh toán khoảng 100 triệu USD tiền trái phiếu chính phủ không phải là một cú sốc.
Trên thực tế, kết quả này đã được nhiều người dự đoán sau khi một nửa dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng và Bộ Tài chính Mỹ thu hồi quyền miễn trừ cho phép trái chủ Mỹ được thanh toán lãi trái phiếu.
Liên minh châu Âu cũng gây khó khăn cho Moscow trong việc hoàn thành nghĩa vụ nợ của mình bằng cách trừng phạt Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga (NSD), đơn vị có nhiệm vụ chi trả các khoản lãi trái phiếu.
Thị trường đã chuẩn bị sẵn sàng và chấp nhận lỗ với những lô trái phiếu hiện tại. Trong mắt nhiều nhà đầu tư, một vụ vỡ nợ đã xảy ra rồi. Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P cho rằng Nga đã “vỡ nợ có lựa chọn” vào tháng 4 vì thanh toán cho trái chủ bằng đồng ruble chứ không phải USD.
Ông Timothy Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management, cho biết: “Nga có thể đã rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 3 và tháng 4”.
Nhà đầu tư đã hạn chế rủi ro
Các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu giảm đáng kể mức đầu tư vào thị trường Nga sau sự kiện vỡ nợ năm 1998. Vào năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và phương Tây tăng cường trừng phạt Nga, quá trình này càng được đẩy nhanh.
Ông Ash cho biết: “Các rủi ro địa chính trị liên quan đến Nga ngày càng lớn kể từ năm 2014”.
Các thị trường mới nổi cũng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, trong khi tỷ trọng của Nga với nền kinh tế toàn cầu lại giảm. Bởi vậy, nguy cơ lan rộng từ sự suy thoái kinh tế của Moscow đã không còn quá lớn.
Nhiều nỗi lo lớn hơn
Thị trường quốc tế có thể không bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ nợ nhưng lại phản ứng mạnh mẽ với xung đột Ukraine, khiến giá nhiên liệu, thực phẩm tăng cao và đẩy lạm phát lên mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Các ngân hàng trung ương buộc phải mạnh tay hơn nữa để rút hỗ trợ cho nền kinh tế, gây ra phản ứng mạnh mẽ trên Phố Wall. Các nhà giao dịch hiện đang bị ám ảnh bởi tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hơn là việc Nga vỡ nợ.
Việc thắt chặt các điều kiện tài chính là lý do chính khiến S&P 500 rơi vào thị trường giá xuống, giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào đầu năm.
Chỉ số Sợ hãi & Tham lam của CNN vẫn nằm sâu trong lãnh thổ "sợ hãi" sau khi chạm ngưỡng "sợ hãi tột độ" một tuần trước.