|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tu chính án thứ 14: Cánh cửa giúp Mỹ thoát khỏi bế tắc trần nợ nhưng cũng đầy rẫy rủi ro

15:20 | 16/05/2023
Chia sẻ
Tu chính án thứ 14 được xem như một giải pháp để chính phủ Mỹ tiếp tục trả nợ mà không cần đến sự trợ giúp của Quốc hội. Tuy nhiên, lựa chọn này đi kèm nhiều rủi ro về pháp lý cũng như có thể gây  bất ổn trong dài hạn.

Theo CNN, trong bối cảnh bế tắc xoay quanh vấn đề trần nợ vẫn tiếp diễn và nguy cơ Mỹ vỡ nợ ngày càng cao, Tu chính án thứ 14 nổi lên như một giải pháp giúp chính phủ loại bỏ giới hạn đi vay mà không cần thông qua Quốc hội.

Gần đây, Tổng thống Joe Biden đã nêu ý tưởng kích hoạt Tu chính án thứ 14 để giải quyết vấn đề trần nợ. Chia sẻ với truyền thông, ông nói: "Tôi đã xem xét Tu chính án thứ 14. Và một người mà tôi vô cùng kính trọng, ông Larry Tribe cũng nghĩ rằng [viện dẫn tu chính án này] là hợp pháp".

Vậy làm thế nào mà một tu chính án 145 tuổi, được tạo ra với mục đích trao quyền công dân cho những người nô lệ lại là có thể đóng vai trò như lối thoát cho cuộc khủng hoảng trần nợ công?

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong khi chủ trì các cuộc đàm phán về giới hạn nợ với các lãnh đạo Quốc hội ngày 9/5/2023. (Ảnh: Reuters).

Cơ hội thoát bế tắc

Tu chính án có thể hiểu là một sửa đổi trong hiến pháp của một quốc gia. Một số chuyên gia, bao gồm giáo sư Larry H. Tribe của Trường Luật Harvard, chỉ ra Khoản 4 của Tu chính án thứ 14 là cơ sở để nhiều người lập luận rằng tổng thống có thẩm quyền yêu cầu thanh toán các khoản nợ của Mỹ, bất kể trần nợ Quốc hội được đặt ra ở mức nào.

“Tại Mỹ, giá trị pháp lý của các khoản nợ công, được pháp luật cho phép, bao gồm những khoản nợ phát sinh để trả phụ cấp và thưởng cho nỗ lực trấn áp các cuộc nổi dậy hoặc phản loạn, sẽ không bị chất vấn", Khoản 4, Tu chính án thứ 14, có viết.

Ông Paul Schiff Berman, giáo sư luật tại Đại học George Washington, cho biết: “Văn kiện này nói rằng không ai được nghi ngờ giá trị pháp lý của các khoản nợ công tại Mỹ.

Nếu không nâng trần nợ, bạn đang thách thức tính pháp lý của nợ công. Và vì vậy, có thể cho rằng, sự thất bại của Quốc hội [trong việc nâng trần nợ] sẽ là vi hiến theo Tu chính án thứ 14".

Giáo sư luật hiến pháp Garrett Epps của Đại học Oregon cho biết các nhà lập pháp soạn thảo tu chính án thứ 14 đã khẳng định mạnh mẽ rằng một khi chính phủ Mỹ đã vay tiền thì sẽ phải trả lại.

Khoản 4 được lập ra để ngăn cản các đảng phái tranh cãi về vấn đề thanh toán nợ nần sau cuộc Nội chiến Mỹ. Tuy nhiên, quy định này cũng áp dụng cho cuộc khủng hoảng trần nợ hiện nay.

Ông Epps, người từ lâu đã ủng hộ việc sử dụng Tu chính án 14 trong trường hợp Quốc hội từ chối nâng trần nợ, bày tỏ: “Chính phủ liên bang bắt buộc phải trả nợ đầy đủ và đúng hạn”.

Theo Bộ Tài chính, tổng nợ công của Mỹ tính đến ngày 12/5 là 31.459 tỷ USD, cao hơn trần nợ là 31.381,5 tỷ USD.

Rủi ro khi áp dụng

Tu chính án 14 được lập ra trong thời Nội chiến và còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng. Ông Biden có thể phải hầu tòa nếu viện dẫn quy định này.

Ông Berman nói: “Trên thực tế, khoản nợ sẽ tiếp tục được trả bởi nhánh hành pháp cho tới khi và trừ khi một tòa án ra lệnh cho chính phủ dừng lại”.

Sử dụng Tu chính án thứ 14 có thể là một giải pháp ngắn hạn để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ sau ngày 1/6. Tuy nhiên, những vụ kiện tụng kéo theo sau sẽ tạo ra sự bất ổn về kinh tế cũng như những yếu tố khó lường khác.

Giáo sư Larry Tribe từ Trường Luật Harvard nhận định: “Sử dụng Tu chính án thứ 14 có thể đảo lộn thị trường trái phiếu và khiến chủ nợ yêu cầu một khoản phí bảo hiểm để tiếp tục cho Mỹ vay. Nhưng không có con đường nào để thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan mà không có rủi ro”.

Dù từng nhắc tới Tu chính án 14, ông Biden thừa nhận công cụ này sẽ không thể giải quyết vấn đề hiện nay. Bộ Trưởng Tài chính Janet Yellen, người đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sau ngày 1/6, cũng dội gáo nước lạnh vào ý tưởng trên.

“Rõ ràng sẽ có kiện tụng. Đó không phải là một giải pháp trong ngắn hạn”, bà Yellen nói khi được hỏi về Tu chính án thứ 14. “Về mặt pháp lý, [giải pháp này] có khả thi hay không vẫn còn phải bàn cãi”.

Bà cũng từ chối coi Tu chính án thứ 14 là một trong những lựa chọn trong trường hợp Quốc hội không nâng trần nợ.

“Chúng ta có nhiều phương án để cân nhắc nếu rơi vào tình huống đó. Nhưng suy tính từng lựa chọn thì chúng ta có thể thấy là không có giải pháp thay thế hoàn hảo để thoát khỏi thảm cảnh", bà nói.

"Phương án hợp lý duy nhất là tăng trần nợ và tránh những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra nếu chúng ta phải đưa ra những lựa chọn đó”, vị bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Yellen tại một sự kiện của các nước G7 mới đây. (Ảnh: Kazuhiro Nogi/Reuters).

Viện dẫn Tu chính án thứ 14 cũng có thể dẫn đến việc tổng thống lạm dùng quyền lực, thông qua việc cho phép cơ quan hành pháp bỏ qua Quốc hội, theo ông Philip Wallach, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Giải pháp trên có thể chấp dứt vĩnh viễn khả năng đàm phán về trần nợ của các nhà lập pháp với tổng thống.

"Mỗi khi thực hiện những hành động trao quyền cho tổng thống và gây bất lợi cho Quốc hội cũng như quy trình chính trị, bạn cần tự hỏi, liệu tôi có chấp nhận hậu quả của hành động này vào lần tới, khi đảng còn lại đang ngồi tại Nhà Trắng hay không", ông Wallach cảnh báo.

Các chính quyền trước đây đã từng cân nhắc việc kích hoạt Tu chính án thứ 14, nhưng cho rằng giải pháp này không khả thi. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cũng phản đối khả năng sử dụng Tu chính án 14, coi ý tưởng này là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden thất bại trong việc thương lượng.

Minh Quang