|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed khó hạ lãi suất vào tháng 7 và đó là tin tốt cho thị trường chứng khoán Mỹ

17:03 | 15/05/2023
Chia sẻ
Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất, có thể là ngay tại cuộc họp tháng 7. Song, các nhà phân tích cảnh báo rằng điều này không tốt cho giá cổ phiếu.

Phố Wall mong muốn Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp sớm hạ lãi suất. (Ảnh minh hoạ: Barron's/Getty Images).

Phố Wall đang trông mong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ tăng lãi suất đã làm chao đảo thị trường và thử thách tinh thần nhà đầu tư trong suốt một năm qua.

Tại cuộc họp tháng 5, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái. Lãi suất chuẩn tại Mỹ hiện đang nằm trong phạm vi 5 - 5,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2007.

Ngân hàng trung ương Mỹ cũng để ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất, khiến nhà đầu tư kỳ vọng rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6 và hạ lãi suất vào tháng 7.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán Fed sẽ không cắt giảm lãi suất sớm như vậy, ít nhất là nếu nền kinh tế vẫn còn nóng. Theo họ, việc Fed tạm dừng chu kỳ thắt chặt sẽ tốt cho thị trường hơn là một đợt hạ lãi suất.

Fed khó hạ lãi suất vào tháng 7

Chia sẻ với CNN, các chuyên gia cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất sớm vì hai lý do chính: lạm phát vẫn ở mức cao và nền kinh tế vẫn vững mạnh.

Dù giá cả đang dần ổn định trở lại, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 4,2% so với cùng kỳ vào tháng 3.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Thị trường nhà ở đang hạ nhiệt, nhưng lượng tồn kho thấp và nhu cầu lớn đang kéo giá nhà ở một số khu vựclên cao hơn.

Nói cách khác, hiện chưa có dữ kiện nào đủ thuyết phục để ngân hàng trung ương Mỹ xoay trục chính sách.

Bà Kara Murphy, CIO tại hãng quản lý tài sản Kestra Investment Management, cho hay: “Fed hiếm khi hạ lãi suất mà không có một cuộc khủng hoảng nào đó buộc họ phải làm vậy”.

Lần gần nhất Fed giảm lãi suất là sau cuộc họp khẩn cấp hồi tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường gấu đầu tiên sau 11 năm và gây hoang mang rằng nền kinh tế toàn cầu có thể suy thoái sâu.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank trong năm nay đã dấy lên lo ngại rằng lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ đối mặt với nhiều bất ổn hơn và các tiêu chuẩn tín dụng sẽ bị thắt chặt lại.

Song, bất ổn chủ yếu xuất hiện ở các ngân hàng khu vực. Chính phủ, Fed và các cơ quan quản lý đều khẳng định lĩnh vực ngân hàng của Mỹ vẫn ổn định.

Theo chiến lược gia cấp cao Liz Ann Sonders của Charles Schwab, nếu cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng có diễn biến xấu, thị trường lao động đổ sụp hoặc nền kinh tế lao dốc thì Fed mới có thể hạ lãi suất vào tháng 7.

“Fed sẽ đánh mất uy tín mà họ đang có nếu không vì lý do gì mà đột ngột chuyển từ tăng sang giảm lãi suất”, bà Sonders nhấn mạnh.

 

Liệu hạ lãi suất có lợi cho cổ phiếu?

Ngay cả khi Fed sớm hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ cũng khó có thể tăng điểm ngay lập tức.

Lịch sử cho thấy giá cổ phiếu thường diễn biến ảm đạm sau khi ngân hàng trung ương Mỹ giảm lãi suất. Trong khi đó, nếu Fed tạm ngừng tăng lãi suất, cổ phiếu sẽ phản ứng tích cực hơn.

Báo cáo đầu tháng 5 của Credit Suisse chỉ ra, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 16,9% trong 12 tháng sau lần tăng lãi suất cuối cùng của chu kỳ thắt chặt và giảm 1% trong 12 tháng sau khi Fed giảm lãi suất lần đầu.

“Giả sử tháng 5 vừa qua là đợt tăng lãi suất cuối cùng của chu kỳ này, thị trường chứng khoán sẽ giao dịch tốt hơn trong phần còn lại của năm. Song, nếu Fed nới lỏng chính sách vào tháng 7, khả năng tăng giá sẽ hạn chế hơn”, các nhà phân tích của Credit Suisse nhận định.

Việc cắt giảm lãi suất sớm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 1972 đến 1974, Chủ tịch Fed khi đó là ông Arthur Burns đã tăng mạnh lãi suất. Sau đó, ông hạ lãi suất khi nền kinh tế Mỹ suy thoái.

Sau đó, khi lạm phát tăng cao trở lại, Fed dưới sự dẫn dắt của huyền thoại Paul Volcker đã có hành động quyết liệt là kéo lãi suất lên cao để chế ngự áp lực giá.

Lãi suất quỹ liên bang hiệu lực đạt đỉnh 22% vào tháng 7/1981 và chu kỳ thắt chặt của Fed đã gây ra các cuộc suy thoái liên tiếp, kéo tỷ lệ thất nghiệp lên gần 10%, theo CNN.

Trong một bài phát biểu vào tháng 8 năm ngoái tại Jackson Hole, Chủ tịch Jerome Powell đã thừa nhận những sai lầm của ông và đồng nghiệp. Kể từ đó, Fed đã báo hiệu rằng họ có thể sẽ không hạ lãi suất trong năm nay và tái khẳng định cam kết khống chế lạm phát.

Ông Marco Pirondini, người đứng đầu bộ phận phân tích chứng khoán Mỹ của công ty quản lý tài sản Amundi, cho hay: “Tôi không nghĩ lần này Fed sẽ vội vàng cắt giảm lãi suất”.

Song, bà Nicole Webb, Phó Giám đốc cấp cao tại Wealth Enhancement Group, không loại trừ khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay.

Theo vị phó giám đốc, cuối cùng, Fed cũng sẽ muốn giảm lãi suất, nhưng nhiều khả năng là sẽ không giảm với tốc độ lịch sử như khi họ nâng lãi suất trong năm qua.

“Fed có thể từ từ đưa lãi suất xuống mức 2,5% mà không để con quái vật lạm phát ngóc đầu dậy lần nữa. Tôi thực sự tin điều đó là có thể”, bà Webb nói.

Yên Khê