|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư bi quan và rút ròng hơn 360 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Mỹ nhưng Fed có thể thay đổi cục diện

08:18 | 15/05/2023
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư đang có cái nhìn bi quan về thị trường chứng khoán Mỹ. Song, phe còn lại cho rằng đó là tin tốt cho thị trường và là thời điểm phù hợp để gom cổ phiếu.

Trader trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Tâm lý bi quan lan rộng

Theo cuộc khảo sát mới nhất của Bank of America, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây đã làm giảm sút sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu Mỹ.

Nhiều nhà quản lý quỹ vốn đã bất an vì lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng cao và tăng trưởng kinh tế chững lại thì giờ đây lại càng thêm lo lắng bởi rắc rối của ngành ngân hàng.

Theo Wall Street Journal, các nhà quản lý quỹ tại Mỹ đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống mức thấp nhất so với trái phiếu kể từ năm 2009.

Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức đã rút ròng khoảng 333,9 tỷ USD từ thị trường chứng khoán trong 12 tháng qua.

Hàng tỷ USD đã chảy vào các khoản đầu tư tương đương tiền mặt (cash equivalents), nâng tổng tài sản trên thị trường tiền tệ lên mức kỷ lục 5.300 tỷ USD, theo dữ liệu tính đến ngày 10/5 của Viện Doanh nghiệp Đầu tư.

 

Chiến lược gia Jack Janasiewicz của công ty quản lý tài sản Natixis Investment Managers nói rằng cho đến nay, việc lựa chọn cổ phiếu một cách thận trọng không đem đến nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường biến động.

Theo vị chuyên gia, các nhà quản lý quỹ tránh xa thị trường chứng khoán càng lâu thì họ càng khó chấp nhận rủi ro và gia tăng lợi nhuận cho danh mục đầu tư của mình hơn.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có cùng góc nhìn bi quan với các nhà đầu tư tổ chức, theo khảo sát hàng tuần của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ.

Kết quả khảo sát cho thấy 41% nhà đầu tư nhỏ lẻ dự đoán giá cổ phiếu sẽ giảm trong 6 tháng tới. Tỷ lệ này đã giảm so với mức đỉnh gần đây là 61% vào tháng 9 năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mức trung bình lịch sử 31%.

Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence cho thấy, các nhà đầu tư cá nhân đã rút thêm 28 tỷ USD từ thị trường chứng khoán trong một năm qua.

Đối với nhiều người, tâm lý u ám đó giống như một dấu hiệu của hy vọng. Phố Wall tin rằng lúc thị trường bi quan là thời điểm để làm điều ngược lại. Warren Buffett cũng từng khuyên nhà đầu tư “hãy tham lam khi người khác sợ hãi”.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 0,3% trong tuần qua và hầu như không tăng mấy kể từ cuối tháng 3. Đà tăng mạnh mẽ hồi đầu năm, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu công nghệ, đã bị đình trệ.

Tuần này, nhà đầu tư sẽ có thêm góc nhìn về sức khoẻ của nền kinh tế khi chính phủ công bố doanh số bán lẻ tháng 4 và các nhà bán lẻ Walmart, Home Depot và Target phát hành báo cáo tài chính.

Bà Nancy Tengler, CIO của công ty quản lý tài sản Laffer Tengler Investments, cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, khi tâm lý bi quan trở nên phổ biến như vậy, thì trong quá khứ, đó luôn là thời điểm tuyệt vời để tìm kiếm món hời”.

Chất xúc tác để thị trường lạc quan trở lại

Theo giới phân tích, có một chất xúc tác tiềm năng để thị trường phục hồi: các nhà đầu tư có thể đi trước Cục Dự trữ Liên bang (Fed) một bước.

Sau khi nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 5, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư trên thị trường lãi suất tương lai hiện kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay mùa thu năm nay.

Ông Mark Haefele, CIO tại UBS Global Wealth Management, cho biết điều đó có thể kích thích nhà đầu tư rót tiền vào thị trường trước các đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng của Fed.

Các đợt hạ lãi suất thường được xem là động lực thúc đẩy cổ phiếu, bởi khi đó cổ phiếu sẽ tương đối hấp dẫn so với trái phiếu.

 

“Dữ liệu về vị thế của các nhà đầu tư cho thấy có rất nhiều tiền đang chờ thời điểm để quay trở lại thị trường. Khả năng đó có thể khiến nhà đầu tư sớm tìm lại khẩu vị rủi ro...”, ông Haefele nói.

“....khi giá cổ phiếu sụt giảm đáng kể, đó có thể là cơ hội để nhà đầu tư mua vào trước khi Fed cắt giảm lãi suất lần đầu. Mong muốn đi trước Fed một bước của nhà đầu tư có thể ngăn chứng khoán Mỹ giảm hơn 10%”, ông nói tiếp.

Ngân hàng trung ương Mỹ chưa phát đi tín hiệu nào về việc hạ lãi suất và nếu Fed sớm hạ lãi suất, nhiều người tin rằng nguyên nhân là do ngành ngân hàng tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng hoặc nền kinh tế đột ngột rơi vào suy thoái - cả hai đều có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, giữa lúc thị trường bi quan và ngần ngại rót tiền, có một nhóm nhà đầu tư vẫn không ngừng gom hàng trong năm nay: các quỹ phòng hộ. Các quỹ này đã mua ròng 30,8 tỷ USD kể từ đầu năm.

Khả Nhân