Lạm phát tiêu dùng của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4, thị trường dự đoán Fed nhiều khả năng không tăng lãi suất vào tháng 6
Lạm phát hạ nhiệt
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm nay (ngày 10/5) cho thấy, trong tháng 4, chỉ số CPI đã tăng 0,4% so với tháng trước. Kết quả này phù hợp với ước tính của Dow Jones.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 4,9%, thấp hơn một chút so với dự báo 5% của Dow Jones. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Hồi tháng 3, CPI cao hơn cùng kỳ 5%.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 3 và 5,5% so với một năm trước, nhìn chung đều tương quan với kỳ vọng của các nhà phân tích tại Dow Jones.
Đà tăng của chi phí nhà ở, xăng dầu và xe ô tô cũ đã thúc đẩy CPI lên cao hơn. Song, sự sụt giảm của giá dầu nhiên liệu, xe ô tô mới và thực phẩm nấu tại nhà đã giúp CPI không tăng vượt kỳ vọng.
Cụ thể, chi phí nhà ở, hiện chiếm hơn 30% thước đo CPI, tăng lần lượt 0,4% so với tháng 3 và 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng hàng tháng đã chững lại nhưng vẫn là dấu hiệu cho thấy động lực lạm phát quan trọng này đang đi lên.
Do chi phí nhà ở được kỳ vọng là sẽ giảm trong tương lai gần, Fed đang tập trung vào lạm phát “siêu cốt lõi”, tức chỉ số giá tiêu dùng không tính chi phí năng lượng, lương thực và nhà ở.
Thước đo nêu trên đã tăng 0,4% trong tháng 4, cao hơn một chút so với con số 0,3% của tháng 3. So với một năm trước, lạm phát siêu cốt lõi đi lên 3,7%, không đổi so với số liệu tháng 3.
Trong khi đó, mức tăng 4,4% của ô tô và xe tải cũ đã đảo ngược xu hướng giảm gần đây của nhóm mặt hàng này. Giá thực phẩm đi ngang, trong khi giá năng lượng tăng 0,6%, chủ yếu do mức tăng 3% của giá xăng.
Trong 6 chỉ số về hàng tạp hoá mà Cục Thống kê Lao động Mỹ sử dụng để tính giá thực phẩm, 4 chỉ số cho thấy sự sụt giảm.
Giá sữa sụt 2%, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 2/2015. Giá trứng, một trong các mặt hàng tăng mạnh nhất trong rổ thực phẩm một năm qua, đi xuống 1,5%.
Tin vui cho thị trường
Theo ghi nhận của CNBC, thị trường tài chính hiện phản ứng tích cực với báo cáo trên. Hợp đồng tương lai chứng khoán tăng điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc xuống thấp hơn.
Bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại hãng phân tích LPL Financial, đánh giá: “Báo cáo hôm nay cho thấy chiến dịch kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có hiệu quả, dù chậm hơn họ mong muốn. Song, đối với thị trường tài chính, báo cáo này là một kết quả tích cực”.
Chỉ số CPI đã hạ nhiệt đáng kể kể từ khi đạt đỉnh 9% vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã mạnh tay nâng lãi suất trong một năm qua.
Bắt đầu từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, tổng cộng 5 điểm %. Lãi suất quỹ liên bang hiện đang ở mức cao nhất trong gần 16 năm, trong khoảng 5 - 5,25%.
Nhìn chung, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cung cấp cả tin tốt lẫn tin xấu về lạm phát, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc động thái lãi suất tiếp theo, tờ CNBC lưu ý.
Sau báo cáo CPI tháng 4, các nhà đầu tư dự đoán xác suất Fed nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 chỉ vào khoảng 20%, dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group chỉ ra.
Chỉ số CPI được công bố chỉ vài ngày sau khi Bộ Lao động phát hành báo cáo việc làm tháng 4. Tháng vừa qua, Mỹ đã tạo thêm 253.000 việc làm, cao hơn kỳ vọng của nhà đầu tư và chứng tỏ thị trường lao động vẫn nóng bất chấp chiến dịch của Fed.
Bộ Lao động sẽ công bố báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 vào ngày 11/5. Các nhà phân tích dự đoán PPI toàn phần sẽ tăng 0,3% so với tháng trước và chỉ số lõi tăng 0,2%.