|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường dự đoán Mỹ sẽ suy thoái, chuyên gia chỉ trích hai đợt tăng lãi suất của Fed gần đây là ‘điên rồ’

15:21 | 09/05/2023
Chia sẻ
Giám đốc Yardeni của công ty nghiên cứu Yardeni Research cho biết Mỹ vẫn còn cơ may tránh được suy thoái nếu Fed chịu dừng tăng lãi suất ngay lập tức, còn thị trường thì đang dự kiến nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Hình minh họa: MarketWatch). 

Fed sẽ giảm lãi suất?

Một số nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh cứng” trong năm nay do tình trạng thắt chặt  tín dụng sau cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Số khác thì lạc quan hơn khi cho biết chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng việc làm vẫn vững mạnh.

Ông Edward Yardeni, Giám đốc cấp cao của công ty nghiên cứu Yardeni Research, nói với tờ MarketWatch: “Thẳng thừng mà nói, hai đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Fed thật điên rồ. Các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ tạo ra rắc rối cho chính mình về sau”.

 

Tâm lý lo ngại vẫn đang bủa vây ngành ngân hàng Mỹ sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank. Dữ liệu từ thị trường trái phiếu cho thấy tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng sẽ buộc Fed phải giảm lãi suất, dù Chủ tịch Jerome Powell đã bác bỏ ý kiến này trong cuộc họp ngày 3/5.

Ông Yardeni nhận xét: “Ông Powell đã cố gắng hết sức để thuyết phục những người tham gia thị trường rằng Fed sẽ không hạ lãi suất mà sẽ giữ nguyên chúng trong một khoảng thời gian. Thị trường cho rằng nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng”.

Song, ông Yardeni đang “kỳ vọng vào một cuộc hạ cánh mềm, qua đó cho phép Fed duy trì lãi suất chính sách” ở mức hiện tại đến hết năm 2023. Lãi suất mục của Fed hiện nằm trong khoảng 5-5,25%. Ông nhận định: “Nếu Fed chịu dừng lại lúc này thì chúng ta vẫn còn hy vọng tránh được suy thoái”.

Ông Yardeni ước tính có 60% khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và 40% khả năng hạ cánh cứng. Ông dự kiến chỉ số S&P 500 sẽ chạm đáy vào ngày 12/10, sau đó tiến lên mốc 4.600 điểm vào cuối năm, cao hơn 11% so với mức đóng cửa ngày 5/5.

Ông David Bianco, Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ của tập đoàn DWS, có ý kiến bi quan hơn. Ông dự đoán chỉ số S&P 500 gần như sẽ “đi ngang” trong năm nay và biến động trong khoảng 3.700-4.000 điểm.

Ông cho rằng chỉ số S&P 500 có thể lùi về khoảng dưới của phạm vi nêu trên, trong bối cảnh thị trường đang lngại về trần nợ công và lộ trình chính sách của Fed. Sau đó, S&P 500 sẽ quay trở lại ngưỡng 4.000 điểm vào cuối năm “nếu tình hình diễn ra thuận lợi”.

Theo ông Yardeni, chỉ số S&P 500 có lẽ sẽ tiếp tục dao động quanh ngưỡng 4.000 điểm trong mùa hè năm nay. Nguyên do là thị trường “cần hiểu rõ hơn về dự định của Fed trong phần còn lại của năm 2023” và tranh cãi về trần nợ phải được giải quyết trước hạn chót đang đến gần.

Giới chức Fed đã báo hiệu rằng họ muốn kéo lãi suất lên phạm vi kìm hãm nền kinh tế và giữ nguyên mức đó trong một khoảng thời gian. Ông Yardeni bình luận: “Tôi nghĩ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, Fed đã đạt được mức lãi suất như mong muốn”.

Khảo sát các cán bộ ngân hàng mà Fed mới công bố cho thấy, nhiều nhà băng tại Mỹ đã siết chặt điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.

Suy thoái trên diện rộng?

Theo ông Bianco của DWS,  thị trường trái phiếu có vẻ đang trông đợi rằng một cuộc suy thoái ít nhất là ở mức độ trung bình sẽ giúp giải quyết vấn đề lạm phát ở Mỹ.

Ông nói, Fed sẽ không giảm lãi suất trừ khi “xảy ra một cuộc suy thoái rõ rệt có quy mô lớn hơn mức thông thường, đi kèm với sự suy giảm nhanh chóng của lực lượng lao động”. Ông nói thêm rằng suy thoái thông thường ở Mỹ là GDP giảm 2% kể từ đỉnh trong vòng khoảng một năm.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã chậm lại trong ba quý liên tiếp. 

Ông Bianco dự kiến một cuộc suy thoái “nông” sẽ bắt đầu trong năm 2023. Ông cảnh báo: “Kịch bản khả quan nhất của tôi là Fed không còn phải làm bất cứ việc gì từ đây cho đến hết năm".

Suy thoái luân phiên?

Ông Yardeni cho rằng nước Mỹ đã ở trong “một cuộc suy thoái luân phiên, các ngành bị ảnh hưởng bởi áp lực suy thoái vào những thời điểm khác nhau”. Trái lại, nhiều nhà đầu tư khác lo sợ về sự sụt giảm đồng loạt trên diện rộng của các lĩnh vực kinh tế, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ, cuộc suy thoái luân phiên tấn công thị trường nhà ở dành cho một gia đình vào năm ngoái khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, nhưng phân khúc nhà ở dành cho nhiều gia đình (chẳng hạn như chung cư) vẫn “khá mạnh mẽ”.

Sau đó, các nhà bán lẻ bắt đầu chứng kiến suy thoái sau khi mắc kẹt với đống hàng tồn kho đã tích trữ trong đại dịch, trong khi người tiêu dùng chuyển chi tiêu sang dịch vụ.  

Ông Yardeni nói thêm: “Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ bởi nền kinh tế dịch vụ đã hoạt động rất tốt”.

 

Báo cáo Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 của Mỹ là 3,4%, mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại. Nền kinh tế có thêm 253.000 việc làm trong tháng vừa qua, cao hơn ước tính của các nhà kinh tế do Wall Street Journal khảo sát, tiền lương cũng đi lên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 10/5. Số liệu CPI tháng 3 cho thấy lạm phát cao vẫn đang đeo bám nền kinh tế. Ông Bianco nhận xét: “Lạm phát đã đi xuống từ mức đỉnh kỷ lục, nhưng vẫn còn quá cao và tồn tại trong quá lâu”.

Giang