|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo 'thảm hoạ kinh tế' nếu Quốc hội không nâng trần nợ

08:00 | 08/05/2023
Chia sẻ
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có phương án khả dĩ nào để giải quyết vấn đề nợ công, ngoài việc Quốc hội nâng trần nợ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Getty Images).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết “không có phương án hợp lý nào” để giải quyết bế tắc về trần nợ ở Washington, ngoài việc Quốc hội nâng giới hạn đi vay.

Bà cũng cảnh báo rằng việc sử dụng Tu chính án thứ 14 sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, theo chia sẻ trên một chương trình mới đây của đài ABC.

“Chúng ta không nên đi xa đến mức phải xem xét liệu Tổng thống Biden có thể tiếp tục phát hành thêm nợ mà không cần Quốc hội nâng trần nợ hay không”, bà Yellen cho hay. “Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

Các học giả và chuyên gia kinh tế đang bất đồng ý kiến xoay quanh một đề xuất mới, trong đó cho rằng chính quyền ông Biden có thể phát hành thêm nợ bằng cách trích dẫn một điều khoản của Hiến pháp Mỹ.

Theo Bloomberg, điều khoản nói trên nêu rằng “không ai được nghi ngờ” tính hợp lệ của các khoản nợ công tại Mỹ.

Bà Yellen từ chối trả lời liệu ông Biden có thể sử dụng phương án đó, hết lần này đến lần khác bà nhấn mạnh rằng Quốc hội cần phải nâng trần nợ.

“Tất cả những gì tôi muốn trình bày là, nhiệm vụ của Quốc hội là giải quyết bế tắc này. Nếu họ không hành động, chúng ta sẽ gặp phải một thảm hoạ kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra.

Tổng thống Biden cũng như Bộ Tài chính Mỹ không thể thực hiện bất kỳ bước đi nào để ngăn chặn thảm họa đó”, bà Yellen cảnh báo.

 

 

Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác vào ngày 9/5 để thảo luận về trần nợ.

Khối nợ của chính phủ Mỹ đã vượt quá trần nợ 31.400 tỷ USD vào tháng 1. Bộ Tài chính đã phải dùng các thủ thuật kế toán đặc biệt để xoay xở ngân sách. Tuần trước, bà Yellen cảnh báo chính phủ có thể cạn tiền ngay vào ngày 1/6.

“Tôi không muốn cân nhắc các lựa chọn khẩn cấp”, bà Yellen nhấn mạnh trong chương trình của ABC. “Phải làm gì nếu Quốc hội không hoàn thành trách nhiệm của mình, đơn giản là chúng ta không có phương án hợp lý nào khác”.

Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, gợi ý rằng một thoả thuận nâng trần nợ ngắn hạn có thể là một lựa chọn để cân nhắc.

Bình luận của ông McHenry, một thành viên Đảng Cộng hoà, có phần tương tự với đề xuất của Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young hồi giữa tuần trước.

Trên chương trình của CBS vào cuối tuần, ông McHenry nói: “Chúng ta đã có sẵn mọi phương án. Điều quan trọng là phải làm sao giải quyết vấn đề tài khoá, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn”.

Hiện tại, ông Biden và các đảng viên Cộng hoà trong Quốc hội đang bất đồng quan điểm về các đề xuất chi tiêu.

Cuối tháng 4, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy công bố kế hoạch nâng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD, đủ để chặn đứng rủi ro vỡ nợ đến ngày 31/3/2024. Hạ viện hiện đã thông qua kế hoạch này.

Song, ông McCarthy kiến nghị giảm chi tiêu liên bang khoảng 4.500 tỷ USD trong 10 năm tới và loại bỏ nhiều chính sách đáng chú ý của ông Biden. Ông chủ Nhà Trắng phản đối, cho rằng hai bên nên tách bạch vấn đề ngân sách và chi tiêu.

Chia sẻ trên chương trình của MSNBC hôm 5/5, Tổng thống Biden cho biết ông chưa cân nhắc viện dẫn Tu chính án thứ 14 để ngăn chặn việc vi phạm trần nợ, nhưng không loại trừ khả năng này.

Việc viện dẫn tu chính án nói trên có vẻ sẽ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý có khả năng làm đảo lộn thị trường tài chính, Bloomberg lưu ý.

 

Khả Nhân