|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những công cụ sẽ giúp Fed đảm bảo ổn định tài chính trong trường hợp Mỹ vỡ nợ

16:22 | 03/05/2023
Chia sẻ
Fed đã vạch ra một kế hoạch nhằm đối phó với khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ, bao gồm tăng hợp đồng repo, ngừng thắt chặt chính sách, bơm thanh khoản thông qua cửa sổ chiết khấu và cô lập những trái phiếu bị vỡ nợ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Leah Millis/Reuters).

Theo Reuters, nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ đang cao hơn bao giờ hết sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng chính phủ sẽ thiếu tiền để thanh toán các hóa đơn của mình sớm nhất vào ngày 1/6.

Trong trường hợp Mỹ rơi vào khủng hoảng nợ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có nhiệm vụ hạn chế những tác động đối với sự ổn định tài chính. Trong những lần bế tắc về trần nợ trước đây (vào năm 2011 và 2013), nhân viên của Fed và các nhà hoạch định chính sách đã xây dựng một kịch bản để ứng phó với khủng hoảng.

Công cụ của Fed

Những phản ứng cơ bản của Fed đối với căng thẳng trên thị trường liên quan tới trần nợ đã được vạch ra trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 8/2011.

Nếu căng thẳng thị trường trở nên rõ ràng, tác động tới lãi suất ngắn hạn, Fed có thể tạm thời tăng số lượng hợp đồng “repo” - hoạt động mua bán chứng khoán ngắn hạn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày. Động thái trên có thể sẽ cần thiết để Fed thực hiện chính sách tiền tệ nếu căng thẳng trên thị trường đẩy lãi suất mục tiêu ra khỏi phạm vi đã đặt ra.

Một công cụ khác có thể là tạm dừng “thắt chặt định lượng”, hay còn gọi là QT, được Fed sử dụng để thu hẹp bảng cân đối kế toán. Dù là một phần trong động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát của Fed, nhưng QT cũng đang rút khoảng 95 tỷ USD khỏi thị trường tài chính.

Fed có thể bơm số tiền trên trở lại thị trường bằng cách giữ bảng cân đối kế toán không đổi cho đến khi bế tắc về trần nợ kết thúc.

 

Fed cũng sẽ tìm đến cửa sổ chiết khấu (discount window) để thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng với những ngân hàng khác. Một vụ vỡ nợ sẽ không ngay lập tức ảnh hưởng tới toàn bộ số chứng khoán Kho bạc Mỹ trị giá 24.000 tỷ USD mà sẽ lây lan từ từ, khi các trái phiếu đến hạn thanh toán lãi và gốc.

Vào năm 2011, các nhân viên của Fed, do Giám đốc Bộ phận các Vấn đề Tiền tệ, ông Williams English dẫn đầu, đã khẳng định rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể chấp nhận bất kỳ chứng khoán Kho bạc vỡ nợ nào làm tài sản thế chấp cho các chương trình như cửa sổ chiết khấu hay repo.

Động thái này “có vẻ phù hợp chừng nào vỡ nợ phản ánh sự bế tắc chính trị, chứ không phải sự bất lực của Mỹ trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Do đó, tất cả các khoản thanh toán cho chứng khoán bị vỡ nợ có lẽ sẽ được thực hiện sau một thời gian ngắn”, ông English nói với các quan chức vào năm 2011.

Tuy nhiên, ông English cho rằng Fed sẽ chấp nhận trái phiếu thế chấp ở mức giá thị trường - nhiều khả năng sẽ bị suy giảm do tình trạng vỡ nợ. Sau sự sụp đổ của một loạt ngân hàng vào tháng 3 vừa qua, Fed đã cho phép các ngân hàng thế chấp chứng khoán bị giảm giá theo mệnh giá, chứ không phải thị giá.

Rút trái phiếu ra khỏi thị trường

Bước cuối cùng và cũng là nhạy cảm nhất đối với Fed liên quan tới việc loại bỏ hoàn toàn những trái phiếu bị vỡ nợ ra khỏi thị trường. Fed có thể thực hiện nhiệm vụ này thông qua những giao dịch mua lại hoàn toàn, làm tăng bảng cân đối kế toán, hoặc “hoán đổi” những chứng khoán được kỳ vọng vẫn còn khả năng thanh toán với những trái phiếu đã vỡ nợ.

Trong cuộc họp năm 2011, ông English đã cảnh báo cách tiếp cận trên “sẽ đẩy Fed vào một tình huống chính trị căng thẳng và đặt ra câu hỏi về sự độc lập của tổ chức này với hoạt động quản lý nợ của Bộ Tài chính Mỹ”.

Khi vấn đề nổi lên trở lại trong một cuộc tranh cãi về trần nợ vào năm 2013, Chủ tịch Jerome Powell, người khi đó vẫn còn là một thành viên của Hội đồng Thống đốc, đã phản đối ý tưởng trên. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng này.

Sau khi tán thành một loạt các lựa chọn ít rủi ro hơn vào tháng 10/2013, Chủ tịch tương lai của Fed cho biết: “tôi thấy [lựa chọn] 8 và 9 thật đáng ghét”. Ông Powell đang đề cập đến nghiệp vụ hoán đổi và mua lại hoàn toàn những trái phiếu vỡ nợ.

“Tôi hy vọng [nhận định này] sẽ được đưa vào biên bản họp. Nhưng tôi không muốn phải nói những gì mình sẽ và sẽ không làm, nếu chúng ta thực sự phải đối phó với một thảm họa”, ông Powell nói.

Chủ tịch Fed khi đó, ông Ben Bernanke đã châm biếm: “Vì vậy, ông (Powell) sẵn sàng chấp nhận sự ‘đáng ghét’ này trong một số trường hợp nhất định” và khiến những người khác trong cuộc họp bật cười. Ông Powell đã trả lời: “Có, trong một số trường hợp nhất định”. 

Minh Quang