|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba thử thách lớn khiến Fed khó đưa nền kinh tế ‘hạ cánh mềm’

15:32 | 08/05/2023
Chia sẻ
Để thực hiện được mục tiêu “hạ cánh mềm” nền kinh tế, tức là kiềm chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái, Fed sẽ phải vượt qua ba thử thách là nguy cơ thắt chặt tín dụng, bế tắc về trần nợ ở Washington, và hiệu ứng thời tiết cực đoan.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Số liệu việc làm cuối tuần trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vào tháng 4 giảm xuống còn 3,4%, mức thấp nhất trong hơn 5 thập kỷ trở lại đây. Toàn nền kinh tế tạo ra thêm 253.000 việc làm phi nông nghiệp, khả quan hơn nhiều so với dự báo 185.000 của các nhà kinh tế.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho rằng việc thị trường lao động tiếp tục diễn biến tích cực là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể sẽ hạ cánh mềm, kể cả sau khi ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất thêm 5 điểm % trong một năm.

“Rất có thể lần này thực sự sẽ khác”, ông Powell phát biểu trước các phóng viên hôm 3/5 sau khi thông báo tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp. Chủ tịch Fed muốn nói rằng lần này kinh tế Mỹ có khả năng sẽ không bị suy thoái như những chiến dịch nâng lãi suất trước kia. 

Tuy nhiên theo Bloomberg, việc thị trường lao động liên tục tăng trưởng nóng đồng nghĩa với việc Fed sẽ phải giữ lại suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để chế ngự lạm phát, và chính sách này sẽ khiến rủi ro suy thoái càng gia tăng.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4/2023 của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Để giấc mơ hạ cánh mềm của ông Powell trở thành hiện thực, nền kinh tế Mỹ sẽ phải vượt qua ba trở ngại lớn có khả năng gây ra suy thoái trong nửa cuối năm nay, đó là:

Nguy cơ co thắt tín dụng: Do ảnh hưởng tổng hợp của việc Fed thắt chặt tiền tệ và các vụ sụp đổ ngân hàng, dòng chảy tín dụng nhiều khả năng sẽ chậm lại, các doanh nghiệp nhỏ và lĩnh vực bất động sản thương mại sẽ chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề.

Bế tắc về trần nợ ở Washington: Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thể thống nhất về vấn đề trần nợ công, dẫn tới nguy cơ căng thẳng tài khóa nghiêm trọng. Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, thiệt hại với nền kinh tế và các thị trường tài chính có thể sánh ngang với giai đoạn khủng hoảng 2008, Bloomberg nhận định.

Tác động khó đoán của hiệu ứng El Niño: Hiệu ứng El Niño đang ngày càng mạnh lên và đe dọa gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đẩy giá lên cao và khiến Fed phải chú tâm hơn vào lạm phát.

Nếu bộ ba thách thức kể trên đẩy nền kinh tế vào suy thoái, ông Powell và các đồng nghiệp khó có thể làm được gì nhiều. Giảm lãi suất là công cụ chính để Fed chống suy thoái, nhưng trong bối cảnh phải chống lạm phát thì hạ lãi suất lại rất khó triển khai.

 

Fed nâng lãi suất từ 0% lên 5% trong giai đoạn tháng 3/2022 – 3/2023. Chiến dịch thắt chặt tiền tệ nhanh nhất 4 thập kỷ luôn có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy, trong lịch sử gần đây, chưa khi nào lãi suất tăng nhanh đến vậy mà không gây ra suy thoái.

“Tôi không thấy có ví dụ nào về “hạ cánh mềm” trong khoảng 5 – 6 thập kỷ mà Fed điều hành chính sách vĩ mô vừa qua. Tôi cũng không thấy có lý do gì để nghĩ rằng tình hình hiện nay sẽ khác biệt”, Giáo sư James Galbraith của Đại học Texas nhận định.

 

Tín dụng thắt chặt

Khi lãi suất tăng, chi phí vay vốn cũng đi lên và giá tài sản giảm xuống, hệ quả là tiêu dùng chậm lại và doanh nghiệp cắt giảm việc làm. Đối với các ngân hàng trung ương, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và tiền lương đi xuống chính là cơ chế giúp hạ nhiệt lạm phát.

Nói cách khác, suy thoái không phải là tác dụng phụ bất ngờ của quá trình chống lạm phát, suy thoái chính là cách để chống lạm phát. Do đó, khi Fed mới bắt đầu nâng lãi suất vào đầu năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo suy thoái trong nửa cuối năm 2023.

Những bất ổn trong ngành ngân hàng thời gian gần đây càng làm cho tình hình thêm đáng ngại. Silicon Valley, Signature và gần đây nhất là First Republic Bank đã sụp đổ, nhưng Fed vẫn nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào hôm 3/5. Không ai biết chính xác điều gì có thể khiến Fed dừng tay.

Sự sụp đổ của các ngân hàng khuếch đại tác động của lãi suất tăng trong việc hạn chế dòng chảy tín dụng. Hồi tháng 3, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng việc các ngân hàng hạn chế cho vay để củng cố thanh khoản có tác động tương tự như một đợt nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %).

Từ cuối năm ngoái, Khảo sát Nhà Quản lý Tín dụng tại các ngân hàng do Fed thực hiện cho thấy tiêu chuẩn cho vay đang được thắt chặt. Xu hướng này tăng tốc trong quý I/2023, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

 

Những bất ổn trong hệ thống ngân hàng có xu hướng lớn dần theo thời gian. Những phát biểu trấn an rằng Silicon Valley Bank (SVB) chỉ là trường hợp cá biệt giờ đây không còn đáng tin khi rủi ro đã lan rộng ra các ngân hàng khác.

Tổng tài sản của các ngân hàng sụp đổ trong 5 tháng đầu năm 2023 đã lớn hơn cả năm 2008, 2009 hoặc 2010.

Bế tắc về trần nợ

Trong khi bất ổn trong ngành ngân hàng chưa lắng xuống, tại Washington, tranh cãi về trần nợ công cũng chưa được giải quyết và đang có xu hướng leo thang lên mức nguy hiểm hơn những giai đoạn trước đây.

Hôm 1/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Quốc hội: Chính phủ Mỹ có thể sẽ cạn tiền vào đầu tháng 6. Bộ Tài chính đã tìm đủ cách xoay xở để tránh vỡ nợ sau khi Mỹ chạm trần nợ công 31.400 tỷ USD vào tháng 1, những biện pháp này chỉ là tạm thời và không thể kéo dài thêm nữa.

Hôm cuối tuần 7/5, bà Yellen tiếp tục cảnh báo nếu Quốc hội không sớm nâng trần nợ công, nước Mỹ sẽ phải hứng chịu “thảm họa kinh tế và tài chính”.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ đàm phán về nợ công vào ngày 9/5 nhưng những kỳ vọng về khả năng đạt được đột phá là không cao. Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã thông qua một dự luật bao gồm nhiều điều khoản cắt giảm chi tiêu, Đảng Dân chủ của ông Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận những điều khoản này.

Trong kịch bản tích cực nhất, các thị trường tài chính sẽ trải qua một giai đoạn nhiều căng thẳng và biến động trong lúc chờ hai bên đạt được thỏa thuận. Trong kịch bản xấu nhất, chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ, hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo và kinh tế Mỹ suy thoái sâu, Bloomberg nhận định.

 

Biến số El Niño

Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán xác suất 62% hệ thống thời tiết cực đoạn El Niño sẽ phát triển trong giai đoạn tháng 5 – 7/2023, xác suất tăng lên thành 80% vào mùa thu. Hiện tượng El Niño mạnh lên có thể gây thêm lạm phát.

Bão, lụt có thể sẽ tấn công California và các bang phía nam nước Mỹ, gây tổn hại tới sản lượng lương thực và năng lượng. Trên toàn cầu, tình trạng hạn hán tại châu Á và mưa to ở Nam Mỹ và châu Phi cũng ảnh hưởng mùa màng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hiệu ứng El Nino mạnh lên có thể khiến lạm phát giá hàng hóa tăng thêm 4 điểm %. Như vậy, hiệu ứng thời tiết có khả năng khiến cho dư địa giảm lãi suất thêm eo hẹp.

Đức Quyền - Song Ngọc

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.