Fed tăng lãi suất thêm 25 bps, ra tín hiệu sẽ dừng thắt chặt
Sau hai ngày họp 2 – 3/5, các thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã nhất trí nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản (bps). Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã ra quyết định nâng lãi suất trong 10 cuộc họp liên tiếp, đưa lãi suất quỹ liên bang từ khoảng 0 – 0,25% lên khoảng 5 – 5,25%, tương ứng với mức cao nhất kể từ tháng 8/2007.
Lãi suất quỹ liên bang là mức giá mà các ngân hàng phải trả khi vay mượn lẫn nhau theo kỳ hạn qua đêm, nhưng cũng gián tiếp ảnh hưởng nhiều hoạt động kinh tế khác như cho vay mua nhà, mua xe hơi, thẻ tín dụng, ….
Sự chú ý của nhà đầu tư hướng tới việc liệu Fed có dừng nâng lãi suất sau cuộc họp này hay không, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy yếu và cuộc khủng hoảng ngân hàng khiến Phố Wall lo sợ vẫn chưa có hồi kết.
Trong thông cáo sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhận định: “Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ đè nặng lên hoạt động kinh tế, thuê lao động và lạm phát”.
Khác biệt lớn nhất trong thông cáo lần này và thông cáo sau cuộc họp lần trước vào ngày 21 – 22/3 nằm ở phần định hướng chính sách trong tương lai.
Thông cáo hồi tháng 3 viết: “Ủy ban dự đoán rằng chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục cứng rắn để đạt đến mức thắt chặt cần thiết nhằm đưa lạm phát dần quay về ngưỡng 2%. Khi xác định mức độ tăng trong khoảng lãi suất mục tiêu, Ủy ban sẽ tính đến tác động thắt chặt lũy kế của chính sách tiền tệ, độ trễ khi chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như những diễn biến kinh tế và tài chính”.
Thông cáo ngày 3/5 viết: “Khi xác định mức độ cần thiết phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn nhằm đưa lạm phát về ngưỡng 2%, Ủy ban sẽ tính đến tác động thắt chặt lũy kế của chính sách tiền tệ, độ trễ khi chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như những diễn biến kinh tế và tài chính”.
Có thể thấy, trong thông cáo sau cuộc họp gần đây nhất, FOMC đã loại bỏ dự đoán rằng “chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục cứng rắn”, đồng thời không khẳng định cần “xác định mức độ tăng với khoảng lãi suất mục tiêu”. Thay vào đó, các quan chức Fed chỉ nói rằng sẽ đánh giá xem việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn là cần thiết hay không.
Trong cuộc họp báo chiều 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết “quyết định dừng tăng lãi suất vẫn chưa được đưa ra trong ngày hôm nay”, nhưng cũng lưu ý rằng những thay đổi trong câu chữ của thông cáo ngày 3/5 liên quan tới chính sách trong tương lai là “có ý nghĩa đáng kể”.
Biến động trong ngành ngân hàng
Quyết định nâng lãi suất ngày 3/5 được đưa ra trong lúc nền kinh tế Mỹ đang bấp bênh và nhiều nghị sỹ Đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối trong tuần này, hối thúc Fed dừng nâng lãi suất vì nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế và thiệt hại hàng triệu việc làm.
Trên thực tế, thị trường lao động vẫn vững vàng kể từ khi Fed bắt đầu thắt chặt tiền tệ vào tháng 3/2022. Trong khi đó, lạm phát vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Nhiều quan chức Fed đã nhận định rằng lãi suất nhiều khả năng sẽ phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài nếu kể cả khi các đợt nâng lãi suất đã chấm dứt.
“Lạm phát đã hạ nhiệt phần nào kể từ giữa năm ngoái, nhưng các áp lực lạm phát vẫn tiếp tục dâng cao và quá trình đưa lạm phát về 2% vẫn còn là một chặng đường dài”, ông Powell nói với các phóng viên chiều 3/5.
Trong quý I năm nay, GDP của Mỹ chỉ tăng trưởng 1,1%. Các điều kiện tín dụng thắt chặt vì Fed liên tục nâng lãi suất nhiều khả năng sẽ gây thêm áp lực với hoạt động kinh tế.
Ngoài lạm phát, Fed còn phải đối phó cuộc khủng hoảng đã khiến cho ba ngân hàng cỡ trung của Mỹ sụp đổ trong hai tháng qua. Hồi tháng 3, Silicon Valley Bank và Signature Bank phải đóng cửa. Hôm 1/5 vừa qua, First Republic Bank cũng bị cơ quan quản lý tiếp quản rồi bán lại cho JPMorgan Chase.
Thông cáo của FOMC tiếp tục khẳng định: “Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn an toàn và vững mạnh”.
Ông Powell cho biết thương vụ JPMorgan Chase mua lại First Republic Bank là một “ngoại lệ”. Tuy đây không phải là giải pháp lý tưởng nhưng vẫn là “một kết quả tốt” cho hệ thống ngân hàng, Chủ tịch Fed nhận định.