|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những điểm giống và khác nhau giữa First Republic và Silicon Valley Bank - hai vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất nước Mỹ 15 năm qua

17:13 | 04/05/2023
Chia sẻ
Trong chưa đầy hai tháng từ 10/3 đến 1/5/2023, Mỹ đã có ba ngân hàng thương mại phải đóng cửa là Silicon Valley, Signature và First Republic Bank. Trong số này, Silicon Valley và First Republic Bank đều là những vụ sụp đổ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008.

First Republic Bank đóng cửa vào ngày 1/5/2023, trở thành vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn nhất kể từ Washington Mutual vào tháng 9/2008. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Hôm 10/3, Silicon Valley Bank bị Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đóng cửa và tiếp quản, trở thành ngân hàng thương mại lớn nhất từng sụp đổ kể từ Washington Mutual vào tháng 9/2008. Hai ngày sau, vào hôm 12/3, Signature Bank cũng chịu chung số phận.

Hôm 1/5 mới đây, FDIC tiếp quản First Republic Bank sau nhiều nỗ lực giải cứu bất thành. Do có tổng tài sản lớn hơn, First Republic đã vượt qua Silicon Valley Bank để trở thành vụ sụp đổ lớn nhất 15 năm qua.

 

Những điểm tương đồng

Quy mô tài sản, địa điểm hoạt động

Vào cuối năm 2022, Silicon Valley Bank (SVB) có tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD còn First Republic Bank là 212 tỷ USD, tức là chỉ chênh nhau không đáng kể. Theo thống kê của Fed, Silicon Valley là ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ còn First Republic xếp thứ 14.

Cả hai ngân hàng này đều có trụ sở tại bang California và có tệp khách hàng khá tương đồng gồm những công ty và doanh nhân giàu có trong ngành công nghệ ở bờ Tây nước Mỹ.

Khi sụp đổ vào ngày 10/3, tổng tài sản của SVB giảm còn 167 tỷ USD, tiền gửi còn 119 tỷ USD do bị khách hàng rút tiền trong những ngày đầu tháng 3. FDIC cho biết First Republic có tổng tài sản 229 tỷ USD vào ngày 13/4, tiền gửi gần 104 tỷ USD.

Có lãi liên tục

Silicon Valley và First Republic Bank sụp đổ không phải vì thua lỗ. Cả hai ngân hàng này đều có lãi trong ít nhất 53 quý liên tục từ đầu năm 2010 đến nay. Tổng lợi nhuận sau thuế của Silicon Valley trong hơn 13 năm qua là 8,7 tỷ USD, còn của First Republic là 10,2 tỷ USD.

First Republic Bank báo lãi liên tục kể từ khi công bố báo cáo tài chính vào quý I/2010 đến nay.

Nợ xấu thấp

Năm 2023, các ngân hàng không cho vay dưới chuẩn và phát sinh nợ xấu như thời kỳ khủng hoảng 2008.

Tỷ lệ nợ xấu của Silicon Valley tại ngày cuối năm 2022 là 0,18%, một năm trước đó là 0,14%. Giá trị trích lập dự phòng nợ xấu là 636 triệu USD, tương đương 0,86% tổng giá trị cho vay và cao gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu.

Ở First Republic, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ thậm chí còn thấp hơn, chỉ là 0,08% vào ngày 31/3/2023. Vào cuối quý I năm ngoái, tỷ lệ này là 0,1%. Giá trị trích lập dự phòng cao gấp hơn 6 lần quy mô nợ xấu.

Lãi suất tăng làm tài sản mất giá

Cả Silicon Valley và First Republic Bank đều không thua lỗ và không có nhiều nợ xấu, nhưng cả hai ngân hàng này đều đầu tư vào các tài sản kỳ hạn dài, dễ mất giá trong môi trường lãi suất tăng.

Từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất quỹ liên bang 9 lần liên tiếp. Nếu đầu tư vào tài sản kỳ hạn ngắn như những quỹ thị trường tiền tệ (money market fund), các ngân hàng sẽ có thể nhanh chóng điều chỉnh theo diễn biến thị trường và giảm thiểu rủi ro lãi suất.

Ngược lại, các tài sản dài hạn với lãi suất thấp trở nên kém hấp dẫn và mất giá rất nhanh khi lãi suất tăng cao.

Năm 2023, Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ 2007.

Cùng bị rút tiền hàng loạt

Các khách hàng của Silicon Valley và First Republic Bank đều lo lắng khi thấy ngân hàng của mình nắm giữ nhiều tài sản mà giá trị thực tế trên thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị ghi nhận trên sổ sách, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.

Nếu có nhiều người cùng kéo đến rút tiền, ngân hàng sẽ buộc phải bán bớt tài sản theo giá thị trường để có tiền mặt, lỗ tiềm ẩn sẽ biến thành lỗ thật. Không ai muốn là người đến sau nên nhiều khách hàng tranh nhau rút tiền trước, tin đồn lan rộng và làn sóng tháo chạy càng mạnh mẽ.

Chỉ riêng ngày 9/3, khách hàng và nhà đầu tư đã rút tổng cộng 42 tỷ USD ra khỏi Silicon Valley, tương đương 1/5 tổng tài sản tại ngày cuối năm 2022. Ngày hôm sau 10/3, khách hàng muốn rút tiếp khoảng 100 tỷ USD, SVB buộc phải đóng cửa.

Hôm 16/3, First Republic Bank được 11 ngân hàng lớn nhất Phố Wall cứu trợ bằng cách gửi 30 tỷ USD với kỳ hạn 120 ngày. Tuy nhiên, các khách hàng khác rút đi tới hơn 100 tỷ USD trong quý I/2023, tương đương với hơn một nửa tổng tiền gửi của First Republic.

Trong thời đại công nghệ như ngày nay, tin đồn lan truyền với tốc độ chóng mặt qua các nhóm chat và mạng xã hội. Khách hàng không phải chạy đến ngân hàng rồi chờ gặp giao dịch viên để rút tiền như xưa kia mà có thể chuyển khoản qua ứng dụng di động trong vài giây. Vì vậy, tiền gửi của các ngân hàng có thể biến mất cực nhanh.

Khách hàng rút tiền khỏi các ngân hàng khu vực bị cho là rủi ro và có mức lãi suất bèo bọt chưa tới 1% để chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) ít bị thiệt hại khi Fed nâng lãi suất, đồng thời có lãi suất cao tới 4 – 5% mỗi năm.

Người gửi tiền được cứu, cổ đông cùng mất sạch

Khoảng 90% tiền gửi tại SVB vượt quá hạn mức bảo hiểm 250.000 USD của FDIC. Tuy nhiên, để tránh bất ổn lan rộng, Fed, Bộ Tài chính và FDIC đã thống nhất sẽ bảo hiểm tất cả tiền gửi tại SVB, khách hàng không lo mất số tiền vượt hạn mức 250.000 USD.

First Republic Bank được FDIC bán cho JPMorgan Chase và tất cả tiền gửi của khách hàng cũng được bảo đảm, khách hàng có thể rút ra toàn bộ tiền gửi của mình nếu muốn.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của SVB và First Republic cùng lao dốc và đến khi FDIC vào tiếp quản hoạt động thì cổ đông của cả hai ngân hàng này cùng mất trắng.

 

Nhiều điểm khác biệt

Nỗ lực giải cứu

Ngày 10/3, SVB là ngân hàng đầu tiên bị FDIC tiếp quản trong năm 2023. Sau SVB, các cơ quan quản lý, các ngân hàng khác và người gửi tiền mới buộc phải chú ý và không thể làm ngơ với nguy cơ khủng hoảng lan rộng.

Ngày 12/3, Fed vội thành lập Chương trình Cho vay Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) để cấp thêm thanh khoản cho các tổ chức tài chính gặp khó khăn, bên cạnh cửa sổ chiết khấu vẫn hoạt động như bình thường.

Đỉnh điểm vào ngày 15/3, Fed cho vay gần 153 tỷ USD thông qua cửa sổ chiết khấu. Với chương trình BTFP, tính đến ngày 26/4 vừa qua, Fed đang cho vay hơn 81 tỷ USD.

Tại ngày cuối quý I vừa qua, First Republic Bank đang vay 63,5 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu và 13,8 tỷ USD qua BTFP, tổng cộng nợ Fed hơn 77 tỷ USD.

Hôm 16/3, First Republic còn được 11 ngân hàng lớn nhất Phố Wall hỗ trợ 30 tỷ USD tiền gửi kỳ hạn 120 ngày để thể hiện lòng tin.

SVB ra đi đầu tiên và không nhận được hỗ trợ đặc biệt nào từ các ngân hàng khác. Khi SVB sụp đổ, Fed chưa lập ra chương trình hỗ trợ thanh khoản đặc biệt BTFP. SVB cố tìm cách vay nóng từ cửa sổ chiết khấu của Fed nhưng bất thành vì lý do đơn giản là đã hết giờ làm việc.

Cơ cấu tài sản

Như đã nói ở trên, tài sản của SVB và First Republic cùng mất giá khi lãi suất tăng, nhưng cơ cấu tài sản cụ thể của hai nhà băng này có điểm khác biệt căn bản.

Chiến lược hoạt động của First Republic tập trung vào cấp tín dụng thương mại và cho vay các cá nhân giàu có, trong đó có nhiều khoản cho vay mua nhà với số tiền vượt hạn mức 726.200 USD của Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA). Các khách hàng VIP này cũng gửi tiền và sử dụng các dịch vụ khác của First Republic.

Việc làm ăn với một số ít khách hàng giàu có giúp giảm chi phí vận hành của First Republic. Cùng với 100 tỷ USD tiền gửi, việc quản lý 100 khách hàng với số dư 1 tỷ USD/người sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc phục vụ 1 triệu khách hàng với số dư 100.000USD/người do nhu cầu về nhân sự, hệ thống dữ liệu, số lượng chi nhánh, … thấp hơn đáng kể.

Tại ngày 31/3, First Republic Bank có tổng dư nợ 173 tỷ USD, chiếm hơn 74% tổng tài sản. Danh mục chứng khoán chỉ chiếm khoảng 15%.

Về phần SVB, tại ngày cuối năm 2022, tỷ trọng của các khoản vay và danh mục chứng khoán trên tổng tài sản lần lượt là 35% và 55%.

Việc quá phụ thuộc vào một số ít khách hàng lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì những người gửi tiền trên hạn mức bảo hiểm 250.000 USD của FDIC thường rất dễ hoảng loạn và tháo chạy khi xảy ra biến cố.

Số phận cuối cùng

FDIC tiếp quản SVB vào ngày 10/3 nhưng phải tới ngày 26/3 mới chốt được thương vụ bán 72 tỷ USD tài sản của SVB cho First–Citizens Bank & Trust Company với giá được chiết khấu đi 16,5 tỷ USD. Còn lại 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác vẫn do FDIC quản lý.

Với First Republic, FDIC và các ngân hàng khác đã có nhiều thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị phương án giải quyết.

Khi ra thông báo tiếp quản hoạt động vào ngày 1/5, FDIC đồng thời cho biết đã đạt được thỏa thuận bán lại phần lớn tài sản của First Republic cho JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - với giá 10,6 tỷ USD.

JPMorgan Chase cũng tiếp nhận toàn bộ tiền gửi của First Republic, kể cả trên hạn mức bảo hiểm, khách hàng có thể rút toàn bộ tiền ra nếu muốn.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - JPMorgan Chase mua lại ngân hàng lớn thứ 14 - First Republic Bank.

Hồi tháng 3, JPMorgan Chase là một trong số 11 ngân hàng lớn đóng góp vào khoản tiền gửi 30 tỷ USD để hỗ trợ First Republic. Sau thương vụ mua lại, số tiền 5 tỷ USD mà JPMorgan Chase đã góp sẽ được cấn trừ, 25 tỷ USD còn lại sẽ được JPMorgan Chase trả thay cho First Republic.

FDIC đồng ý chia sẻ 80% tổn thất phát sinh từ danh mục cho vay thế chấp và vay thương mại của First Republic, JPMorgan Chase chịu 20% còn lại.

JPMorgan Chase thừa nhận tài sản của First Republic có chất lượng tương đối cao, các khoản vay an toàn, khách vay hoàn toàn có khả năng trở nợ. Tuy nhiên, đại gia ngân hàng này vẫn muốn FDIC đồng ý chia sẻ rủi ro để giảm yêu cầu về vốn chủ sở hữu khi tiếp nhận thêm tài sản của First Republic, từ đó làm tăng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) khi thực hiện thương vụ này.

Ngoài ra, JPMorgan Chase còn được vay 50 tỷ USD từ FDIC với lãi suất cố định, kỳ hạn 5 năm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Song Ngọc