|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai lý do khiến ngân hàng thương mại Mỹ mất hàng trăm tỷ USD tiền gửi vào tay các quỹ thị trường tiền tệ

18:37 | 12/04/2023
Chia sẻ
Các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) đang tỏ ra vượt trội so với các ngân hàng thương mại Mỹ khi hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn hơn và rủi ro thấp hơn đáng kể trong bối cảnh Fed liên tục nâng lãi suất.

 

Trong 4 tuần từ 1/3 đến 29/3, tổng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại Mỹ giảm 474 tỷ USD. Cùng khoảng thời gian này, tổng tài sản ròng của các quỹ thị trường tiền tệ ở Mỹ tăng thêm 304 tỷ USD. Nếu tính đến ngày 5/4 mới đây, giá trị tăng thêm là 353 tỷ USD.

Theo Financial Times, các nhà phân tích cho rằng dòng chảy của tiền từ các ngân hàng thương mại sang các quỹ thị trường tiền tệ sẽ không sớm dừng lại và nhiều khả năng sẽ khiến hệ thống ngân hàng, vốn dĩ đã khó khăn sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank, phải chịu áp lực thanh khoản lớn hơn.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo việc dòng tiền dồn vào các quỹ thị trường tiền tệ (money market fund - MMF) là một trong những điểm yếu đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính. “Các quỹ thị trường tiền tệ đã làm lộ rõ điểm yếu của hệ thống đối với các đợt rút tiền ồ ạt và bán tháo tài sản. Các rủi ro về ổn định tài chính mà các quỹ thị trường tiền tệ và quỹ mở đặt ra vẫn chưa được xem xét thấu đáo”.

Vậy tại sao các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) lại thu hút được hàng trăm tỷ USD tiền gửi khi nhiều người rút khỏi các ngân hàng thương mại? Câu trả lời nằm ở bản chất hoạt động của MMF.

 

Ba loại quỹ thị trường tiền tệ

Có nhiều loại quỹ thị trường tiền tệ khác nhau, và không phải quỹ nào cũng đang hút tiền. Thậm chí, nhà đầu tư đang rút tiền khỏi một số quỹ MMF này để chuyển sang MMF khác. Có ba loại quỹ thị trường tiền tệ chính.

Loại thứ nhất là quỹ MMF chính phủ và Kho bạc, với đặc điểm là hầu như toàn bộ (99%) tài sản được giữ dưới dạng trái phiếu và tín phiếu Kho bạc Mỹ, chứng khoán do tổ chức liên bang Mỹ phát hành, hợp đồng repo, và tiền mặt.

Loại thứ hai là quỹ MMF đa chức năng (prime), có thể đầu tư vào nhiều loại tài sản như trái phiếu doanh nghiệp, thương phiếu, chứng chỉ tiền gửi, … do các tổ chức kinh tế tại Mỹ hoặc nước ngoài phát hành.

Loại thứ ba là quỹ MMF bang hoặc địa phương, với khoảng 80% tài sản đầu tư vào các trái phiếu, tín phiếu do chính quyền bang hoặc địa phương ở Mỹ phát hành. Tiền lãi từ các loại chứng khoán này được miễn thuế.

Các quỹ MMF chính phủ và Kho bạc là nhóm đang ăn nên làm ra và thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư lớn hơn so với hai nhóm quỹ còn lại.

 

Cả ba loại quỹ này đều có cùng đặc điểm là tập trung đầu tư vào những tài sản có kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) và thanh khoản cao, có thể dễ dàng bán đi để chuyển thành tiền mặt.

Quy định của Mỹ hiện nay yêu cầu các quỹ MMF phải nắm giữ ít nhất 10% tổng tài sản dưới dạng các tài sản có thanh khoản hàng ngày và 30% dưới dạng tài sản có thanh khoản hàng tuần. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đang đề xuất nâng các tỷ lệ tài sản thanh khoản hàng ngày và hàng tuần của MMF lên mức lần lượt 25% và 50%.

Tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn hơn ngân hàng

Từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất từ khoảng 0 – 0,25% lên 4,75 – 5%. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tăng không đáng kể.

Theo thống kê của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) vào tháng 3 vừa qua, lãi suất tài khoản thanh toán trung bình tại các ngân hàng chỉ là 0,06%/năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trung bình cũng chỉ đạt 0,37%. 

 

Các ngân hàng nhỏ mời chào mức lãi suất cao hơn trung bình để thu hút người gửi tiền, còn các ngân hàng khổng lồ như JPMorgan Chase hay Bank of America chỉ đưa ra mức lãi suất 0,01 – 0,02%/năm. Như vậy, nếu khách hàng gửi 1 triệu USD vào Chase thì sau một năm sẽ chỉ thu được khoảng 100 USD tiền lãi.

Trong khi đó, các quỹ thị trường tiền tệ có tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều.

Ví dụ, ba quỹ MMF của Vanguard chuyên đầu tư vào chứng khoán Kho bạc ngắn hạn đang có lợi nhuận 4,70 – 4,76%. Hai quỹ MMF chính phủ của Fidelity có tỷ suất sinh lợi 4,48 – 4,51%. Các quỹ tương tự của Schwab có lợi nhuận 4,22 – 4,68%.

Tại sao các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) lại có lợi nhuận vượt trội như vậy?

Giai đoạn 2020 – 2021 khi mặt bằng lãi suất đang gần 0, các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu do Kho bạc Mỹ phát hành cũng chỉ được hưởng lãi suất rất thấp khoảng 1 – 2%. Sau khi trừ đi các chi phí vận hành như lương thưởng cho nhân viên, thuê văn phòng chi nhánh, … các ngân hàng không còn nhiều dư địa để nâng mức lãi suất trả cho người gửi tiền.

Hầu hết chứng khoán nợ do Bộ Tài chính Mỹ phát hành đều có lãi suất cố định, tức là không thay đổi theo lãi suất thị trường trong suốt kỳ hạn. Nếu các ngân hàng trong đại dịch mua trái phiếu với kỳ hạn 3, 5, 7 hay 10 năm thì ngay lúc này, mức lợi nhuận thu được vẫn là con số 1 – 2% như khi mới mua, mặc dù mặt bằng lãi suất đã tăng vọt. 

 

Các ngân hàng có thể bán các trái phiếu lợi suất thấp để mua các trái phiếu khác có lợi suất cao hơn, nhưng giá bán ra lúc này sẽ thấp hơn giá lúc mua vào vì lãi suất tăng làm giá trái phiếu giảm xuống. Một trái phiếu có giá 1.000 USD vào năm 2021, hiện nay có thể chỉ còn 800 – 900 USD. Ngân hàng cải thiện được tiền lãi thì lại phải chịu thiệt tiền gốc.

Tóm lại, việc đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn dài là một quyết định không đúng đắn, giờ đây tiếp tục nắm giữ thì lãi ít, mà bán đi để mua trái phiếu khác cũng không phải phương án vẹn toàn. Silicon Valley Bank (SVB) đã phải chịu lỗ 1,8 tỷ USD khi bán lô trái phiếu 24 tỷ USD vào đầu tháng 3 vừa qua.

Các quỹ thị trường tiền tệ lại có phong cách đầu tư rất khác biệt với các ngân hàng khi hầu hết tài sản đều có kỳ hạn rất ngắn và biến động nhanh theo mặt bằng lãi suất thị trường.

Ví dụ, một quỹ MMF chính phủ với tài sản ròng 12 tỷ USD do tập đoàn Schwab quản lý hiện có kỳ đáo hạn bình quân gia quyền (WAM) chỉ 14,6 ngày. Lượng tài sản có thanh khoản hàng ngày là 57,5% và có thanh khoản hàng tuần là trên 80%.

Một quỹ tương tự của Vanguard với tổng tài sản 239 tỷ USD có kỳ đáo hạn bình quân gia quyền 14 ngày. Quỹ MMF do Fidelity quản lý có kỳ đáo hạn chỉ 12 ngày.

Đầu tư vào tài sản ngắn hạn giúp các quỹ MMF nhanh chóng điều chỉnh theo biến động thị trường, dễ dàng bán các chứng khoán có lãi suất thấp để đổi lấy các tài sản đem lại lợi nhuận cao hơn.

Một nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc chi nhánh New York của Fed cho thấy: Trong giai đoạn 2002 – 2023, khi Fed tăng (hoặc giảm) lãi suất điều hành 1 điểm % thì tỷ suất lợi nhuận của các quỹ MMF cũng tăng (hoặc giảm) 0,88 điểm %, còn lãi suất chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng chỉ biến động cùng chiều 0,26 điểm %.

Nói cách khác, mức chuyển lãi suất từ Fed đến các quỹ thị trường tiền tệ mạnh mẽ hơn nhiều so với đến các ngân hàng thương mại.

An toàn hơn khi Fed nâng lãi suất

Các tài sản kỳ hạn dài nhạy cảm với lãi suất hơn và do vậy có rủi ro lãi suất lớn hơn so với các tài sản kỳ hạn ngắn. Giá trái phiếu biến động ngược chiều với lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu dài hạn sẽ giảm nhiều hơn so với giá trái phiếu ngắn hạn.

Vì các ngân hàng đầu tư vào chứng khoán kỳ hạn dài còn các quỹ thị trường tiền tệ tập trung vào các công cụ kỳ hạn rất ngắn, nên mức độ rủi ro của các ngân hàng cũng nghiêm trọng hơn so với MMF.

Như đã nói ở trên, kỳ đáo hạn bình quân gia quyền của các quỹ MMF chỉ là chưa tới hai tuần, trong khi với các ngân hàng là nhiều năm. Ví dụ với Silicon Valley Bank (SVB), tại ngày cuối năm 2022, ngân hàng này có 117 tỷ USD chứng khoán nợ các loại, 79% trong số này có kỳ hạn trên 10 năm.

SVB phải chịu rủi ro lãi suất lớn. Nếu khách hàng đến rút tiền và SVB phải bán trái phiếu để đổi lấy tiền mặt, khoản lỗ phát sinh đối với các trái phiếu dài hạn sẽ rất nghiêm trọng.

Thực tế, nhiều khách hàng lo ngại rủi ro của SVB đã kéo đến rút tiền, SVB đã phải bán tháo trái phiếu và ghi nhận lỗ hàng tỷ USD, người gửi tiền càng hoảng loạn hơn và SVB đã sụp đổ.

Các quỹ MMF có tài sản ngắn hạn nên rủi ro lãi suất thấp, nếu khách hàng đến rút tiền, các quỹ có thể dễ dàng thanh lý tài sản để thu tiền về mà không lo bị lỗ đáng kể. Trong thực tế, các khách hàng biết các quỹ thị trường tiền tệ có rủi ro thấp và tỷ suất lợi nhuận cao nên sẽ không rút tiền ra, thậm chí còn đổ thêm tiền vào.

Đức Quyền - Song Ngọc