Cắt giảm chi tiêu ngân sách vừa giúp Mỹ hạ lạm phát, vừa tránh nguy cơ vỡ nợ
Giải pháp vẹn cả đôi đường
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gặp vấn đề với lạm phát cao dai dẳng và các ngân hàng yếu kém. Trong khi đó, Quốc hội và Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cận kề.
Theo Wall Street Journal, có một cách để giải quyết tất cả những vấn đề trên cùng một lúc, chính là cắt giảm chi tiêu chính phủ.
Các ngân hàng gặp khó khăn vì lãi suất tăng. Lãi suất tăng vì lạm phát cao. Lạm phát cao vì nhu cầu đang quá nóng. Một trong các cách để hạ nhiệt nhu cầu là chính phủ liên bang cắt giảm chi tiêu - điều mà Đảng Cộng hòa đang yêu cầu để đổi lại việc nâng trần nợ công.
Wall Street Journal nhận định, bằng cách cắt giảm chi tiêu, chính phủ Mỹ vừa có thể tránh được nguy cơ vỡ nợ, đồng thời tạo điều kiện cho Fed sớm nới lỏng chính sách.
Vì sao ông Biden không muốn cắt giảm chi tiêu?
Tổng thống Biden không muốn chấp nhận yêu cầu của Đảng Cộng hoà vì nhiều lý do.
Trần nợ cần phải tăng lên để Bộ Tài chính có thể thanh toán các khoản chi mà Quốc hội đã cho phép, từ lãi vay cho đến An sinh xã hội. Ông Biden và các quan chức như Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng việc phe Cộng hòa đem trần nợ công ra để đàm phán là không thể chấp nhận.
Vào năm 2011, Tổng thống Obama, và ông Biden, khi đó còn là Phó Tổng thống, đã chấp nhận yêu cầu của Đảng Cộng hòa về việc cắt giảm chi tiêu để nâng trần nợ.
Ngoài việc tạo ra tiền lệ xấu, chính sách thắt lưng buộc bụng thời đó còn gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, vốn đã chật vật để phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lợi ích từ cắt giảm chi tiêu
Tuy nhiên, Tổng thống Biden có lẽ đã hiểu sai về bài học năm 2011. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 9%. Fed đã giữ lãi suất gần bằng 0 nhằm kích thích tăng trưởng và nâng lạm phát. Lạm phát CPI lõi (không tính đến thay đổi trong giá lương thực và năng lượng) trong giai đoạn này thấp hơn mục tiêu 2%.
Ngày nay, vấn đề hoàn toàn ngược lại. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,5% - gần ngưỡng thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát CPI lõi là 5,6%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng giá cả vào năm 2011.
Tuần trước, Fed đã nâng lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 5% - 5,25%. Ông Powell cũng dập tắt suy đoán về một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Chủ tịch Fed cho hay: “Áp lực giá cả tiếp tục dâng cao và quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% là một chặng đường dài”.
“Nhu cầu sẽ yếu đi một chút, và các điều kiện trong thị trường lao động có thể phải dịu đi một chút”, ông nói thêm. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu giảm, hoặc thất nghiệp tăng lên.
Do vậy, Fed có thể cần đến một số sự trợ giúp. Thông thường, Fed có nhiệm vụ theo dõi lạm phát, còn chính sách tài khóa là việc của Quốc hội và Tổng thống.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan đã ủng hộ một thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách như điều kiện để cắt giảm lãi suất.
Vào năm 2020, ông Powell lên tiếng ủng hộ việc kích thích tài khóa nhằm đối phó với COVID-19, một phần bởi lãi suất của Mỹ đã giảm xuống gần bằng 0.
Nhìn lại, dường như Mỹ đã kích thích tài khóa quá mức trong thời kỳ đại dịch. Khác với năm 2011, khi nhu cầu không đủ, khó khăn thời đại dịch là nguồn cung quá ít. Trong môi trường này, gói kích thích 1.900 tỷ USD của ông Biden đã kéo lạm phát lên cao hơn.
Kể từ thời điểm đó, Chủ tịch Powell từ chối thảo luận về các vấn đề tài khóa. Tuy nhiên, xét theo logic, do kích thích tài khóa đã kéo lạm phát lên cao, chính sách thắt lưng buộc bụng có thể khiến tốc độ tăng giá cả đi xuống.
Các dự luật mà ông Biden đã ký về cơ sở hạ tầng, trợ cấp cho cựu chiến binh, chất bán dẫn và năng lượng xanh đang làm tăng thâm hụt ngân sách. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán chi tiêu chính phủ sẽ bằng 23,7% tổng GDP trong năm tài khóa hiện tại, cao hơn nhiều so với mức 21% trước đại dịch.
- TIN LIÊN QUAN
-
Đạo luật Giảm Lạm phát của ông Biden thực chất đang kéo lạm phát tại Mỹ đi lên? 25/04/2023 - 14:25
CBO cho biết dự luật nâng trần nợ của Đảng Cộng hòa sẽ giúp giảm 129 tỷ USD chi tiêu không thiết yếu của chính phủ trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2024.
Dự luật trên sẽ giúp hạ chi tiêu xuống còn 23,1% GDP, khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại khoảng 0,5 điểm %.
Tuy vậy, tăng trưởng có thực sự chậm lại hay không còn phụ thuộc vào Fed. Ông Joel Prakken, kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại S&P Global Market Intelligence, cho biết về lý thuyết, Fed có thể cắt giảm lãi suất để bù đắp hoàn toàn cho chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng.
Moody's Analytics thì cho rằng việc hạ lãi suất chỉ có thể giúp giảm bớt phần nào ảnh hưởng từ chính sách thắt lưng buộc bụng. Cơ quan này dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm 0,4 điểm %, còn tỷ lệ lạm phát sẽ giảm 0,1 điểm %.
Ngoài ra, lãi suất tăng lên đang làm hệ thống tài chính gặp khó khăn. Ba ngân hàng khu vực của Mỹ đã sụp đổ kể từ đầu năm 2023. Lãi suất cao làm giảm giá trị của danh mục cho vay và trái phiếu của các nhà băng này, đồng thời khiến khách hàng rút mạnh tiền gửi để tìm kiếm lợi nhuận cao hoặc nơi trú ẩn an toàn hơn.
Chủ tịch Powell cho biết việc cơ quan quản lý bán ngân hàng First Republic cho JP Morgan có thể chấm dứt tình hình căng thẳng hiện nay.
Tuy nhiên, chừng nào lãi suất còn cao, áp lực với các ngân hàng vẫn hiện hữu. Nếu thắt lưng buộc bụng có thể mở đường cho Fed hạ lãi suất, áp lực với ngành ngân hàng có thể giảm xuống.