|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đạo luật Giảm Lạm phát của ông Biden thực chất đang kéo lạm phát tại Mỹ đi lên?

14:25 | 25/04/2023
Chia sẻ
Chính phủ Mỹ đang cố gắng hạ nhiệt lạm phát, đồng thời nỗ lực tái công nghiệp hóa và giúp đất nước tự lực xuất các sản phẩm chiến lược. Song, các chính sách đó sẽ khiến Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu lao động và chi phí tăng cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) vào ngày 16/8/2022. (Ảnh: Leah Millis/Reuters).

Theo Financial Times, Tổng thống Joe Biden từng cam kết rằng Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) sẽ giúp tái công nghiệp hóa nước Mỹ và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và nhà đầu tư lại cảnh báo rằng IRA sẽ không thể làm giảm lạm phát.

IRA là kế hoạch trợ cấp trị giá 369 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển năng lượng sạch tại Mỹ. Đạo luật Khoa học và CHIPS được thông qua cùng thời điểm, sẽ cung cấp hơn 50 tỷ USD nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Quy mô của các khoản tài trợ liên bang đã tạo ra sự bùng nổ trong đầu tư. Tuy vậy, các chuyên gia đang lo ngại rằng cuộc tranh giành công nhân sẽ tạo ra một đợt lạm phát mới, làm phức tạp thêm nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Gary Hufbauer, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Chúng ta đang đổ rất nhiều tiền để đưa các doanh nghiệp đến Mỹ, mở rộng sản xuất nhưng lại không hề có nhân công”. 

Ông Hufbauer ước tính thị trường lao động thắt chặt và các yêu cầu tìm nguồn cung ứng sẽ kéo chi phí dự án tăng thêm 10%. Theo ước tính của Associated Builders and Contractors, Mỹ sẽ cần thêm 546.000 công nhân xây dựng so với bình thường để đáp ứng nhu cầu của các dự án mới.

Các chuyên gia tư vấn tại McKinsey cảnh báo rằng nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất bán dẫn trong nước của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật hiện nay. Các doanh nghiệp sẽ cần thêm 300.000 kỹ sư và 90.000 chuyên viên kỹ thuật vào năm 2030.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 3,5%, gần thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ những công việc được trả lương cao. Nhưng sau đó, hoặc khách hàng phải chi nhiều tiền hơn, hoặc [doanh nghiệp] phải nâng năng suất. Và cách dễ dàng nhất để đạt năng suất cao hơn là tự động hóa”, ông Willy Shih, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho hay.

Các nhà phát triển đã cam kết đầu tư 200 tỷ USD cho những dự án mới kể từ khi IRA và CHIPS được thông qua vào tháng 8 năm ngoái. Nhưng theo ông Larry Fink, CEO và Chủ tịch của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock, những nỗ lực của Washington nhằm phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua trợ cấp sẽ giữ lạm phát ở mức cao.

“Bạn không còn nghe thấy từ toàn cầu hóa nữa”, ông Fink phát biểu tại một hội nghị ở Đại học Columbia. “Chúng ta đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ - [nhưng] với cái giá là gì?”. Ông Fink cho rằng những nỗ lực khôi phục lĩnh vực sản xuất của chính quyền Tổng thống Biden đồng nghĩa với việc lạm phát tại Mỹ khó có thể giảm xuống 4% “trong tương lai gần”.

IRA gồm các khoản trợ cấp trị giá 369 tỷ USD và những khoản tín dụng “không giới hạn”, đồng nghĩa rằng chi phí có thể đội lên quá 1.000 tỷ USD, theo Credits Suisse, Goldman Sachs và Viện Brookings.

 

Bóp méo thị trường tự do

Ông Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận kinh tế toàn cầu tại Bank of America, cho biết: “Bạn đang bóp méo thị trường tự do khi tạo ra những ưu đãi và quy tắc yêu cầu [doanh nghiệp] phải mua hàng từ công ty trong nước. Bạn muốn tiết kiệm chi phí nhưng lại cần đến trợ cấp”.

Ông Biden coi vấn đề tạo việc làm là ưu tiên lớn nhất trong những cam kết chi tiêu khổng lồ trên, nhưng IRA cũng hướng đến nỗ lực cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tăng tốc nỗ lực khử carbon cũng có thể kéo giá lên cao.

IRA bao gồm khoản trợ cấp 1,5 tỷ USD để trồng thêm cây xanh tại đô thị. (Ảnh: AP).

“Chúng ta cần hành động thật nhanh để phát triển năng lượng sạch”, ông Jason Bordoff, người đứng đầu Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho hay. Ông cảnh báo rằng việc tạo ra nhu cầu cao với turbine gió hay những thiết bị sản xuất năng lượng sạch sẽ dẫn tới lạm phát.

Ông Bordoff cho rằng chi phí cao hơn có thể là cái giá “đáng phải trả” nếu kết quả mang lại là chuỗi cung ứng năng lượng bền bỉ hơn trước những gián đoạn địa chính trị.

Trợ lý Thư ký báo chí Nhà Trắng Michael Kikukawa nói rằng chống lạm phát và giảm chi phí là “ưu tiên hàng đầu” của Tổng thống Biden.

“[IRA] đầu tư vào người lao động và tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như làm giảm thâm hụt hàng trăm tỷ USD. [Đạo luật] sẽ giúp làm giảm chi phí thuốc theo đơn, insulin, thiết bị tiết kiệm năng lượng và xe điện. Và [IRA] cũng sẽ thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch để giảm hóa đơn năng lượng”, ông nói.

Ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, cho rằng việc Mỹ cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất chất bán dẫn là “nỗ lực vô ích và tốn kém”. Theo ông, chi phí sản xuất tại nhà máy Oregon của TSMC đắt hơn 50% so với tại đảo Đài Loan. Vào tháng 12, TSMC đã công bố đầu tư thêm 28 tỷ USD cho nhà máy bán dẫn của mình ở Phoenix. 

Trung Quốc là một nguyên nhân giúp hạ thấp giá pin năng lượng mặt trời.

Ông Bordoff nhận định: “Nếu muốn mở rộng quy mô năng lượng sạch với tốc độ và cường độ mà Mỹ cần thì vẫn sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc”. 

Một báo cáo gần đây của Viện Brookings đã cung cấp một bức tranh trung lập hơn về tác động của IRA đến giá cả. Theo đó, những ưu đãi về năng lượng sạch sẽ giúp hạ lạm phát từ 3 đến 6 điểm cơ bản (bps) vào năm 2030, với điều kiện quy trình cấp phép của Mỹ được cải cách cũng như những hạn chế trong chuỗi cung ứng giảm bớt. Tuy nhiên, cả hai điều kiện trên vẫn đang là trở ngại đáng kể.

Tham vọng của Nhà Trắng nhằm thỏa mãn đồng thời tham vọng khử carbon, công nghiệp hóa và địa chính trị - tất cả đều hướng đến giảm chi phí - đang khiến một số nhà phân tích nghi ngờ. Ông Hufbauer nói: “Một khi bạn chọn con đường an ninh quốc gia và không kiểm soát [tác động], thì [động thái này] sẽ là kẻ hủy diệt tính hiệu quả của nền kinh tế”.

Minh Quang